Lộc chữ nhờ bà chúa thơ Nôm

Đời thơ tôi khá có duyên với bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Giữa giao thời hai Thế kỷ (20 và 21), tạp chí Sông Lam tổ chức cuộc thi thơ văn “Chào mừng Thiên niên kỷ mới”, bài thơ “Tạ” của tôi viết về nữ sĩ được giải ba: “Em chưa về được Quỳnh Đôi/để xin cùng chị khóc đời hồng nhan/mặc ai im lặng là vàng/chị gieo thơ với muôn ngàn ngọc châu//Ba trăm năm tiếng mời trầu/càng tha thiết gọi càng đau giọng cười/nhân tình dù bạc như vôi/hồn thơ chị nhuốm bụi đời vẫn son//Nửa đời vượt biển trèo non/riêng Đèo Ba Dội em còn chưa qua/và bao thi sĩ tài hoa/âm thầm nhỏ lệ vọng ba đỉnh đèo//Chồn chân mỏi gối cũng trèo/chữ duyên dẫu dẹt chữ yêu lại tròn/hồng nhan trơ giữa nước non/thời gian chảy giữa mõm mòm câu thơ”. 

Trước đó một năm (1998), tạp chí Tài hoa trẻ tổ chức cuộc thi sáng tác những câu thơ tài hoa, cặp câu: “Nhắm mắt nhìn xuyên ba cõi/Mở ra, bụi thế mù lòa” của tôi được trao giải nhất. Từ năm 1991, 5 năm một lần, UBND tỉnh Nghệ An trao “Giải thưởng Hồ Xuân Hương” về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm xuất sắc nhất trong thời gian đó. Hai lần tôi dự thi thơ đều đoạt Giải A: 1992 với thi phẩm “Bến vô cùng” và 2009 với “Bất biến”.

Ấy vậy mà hàng trăm lần đi trên các chuyến xe hay chuyến tàu Vinh  - Hà Nội rồi Hà Nội - Vinh qua Quỳnh Lưu, quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, khi sắp chạm tuổi 70, tôi vẫn chưa một lần thu xếp về Quỳnh Đôi thắp nén tâm hương để tưởng nhớ người. Mãi vào giữa đông năm 2015, khi mùa hoa hướng dương sắp nở rộ, đoàn nhà văn của Chi hội nhà văn Việt Nam tại Nghệ An tổ chức đi thực tế ở Quỳnh Lưu và Hoàng Mai, tôi mới có dịp thực hiện được ước vọng của mình. 

Nhìn bức tượng làm sao biết được cuộc đời của nữ sĩ tài hoa ấy trải qua bao nỗi thăng trầm nhưng đã vượt lên thách thức tất cả, tạo nên một cốt cách riêng sừng sững giữa trời Nam. Nghĩ đến đó mắt tôi chảy xuống hai hàng lệ, không chỉ vì xót thương “đau đớn thay phận đàn bà/lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Nguyễn Du) mà chủ yếu vì lòng khâm phục và ngưỡng mộ người-một nữ hoàng không ngai đã suốt đời dùng ngòi bút đấu tranh chống áp bức cường quyền với một khát khao: “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”. Sau này thi nhân còn nhiều lần về thắp hương tưởng nhớ người và lần nào cũng rưng rưng cảm động ngỡ như mới đến lần đầu.