Liên hoan của sáng tạo

Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 21/11. Liên hoan hướng đến kiến tạo nền tảng tương tác cởi mở và đúng thời điểm để các cá nhân và tổ chức sáng tạo kết nối với hàng nghìn người bằng hình thức trực tuyến. 

Liên hoan của sáng tạo

Đây là Liên hoan VFCD thường niên lần thứ ba do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng UNESCO tại Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và COLAB Việt Nam. Với chủ đề “Tương lai sáng tạo”, liên hoan bao gồm các buổi tọa đàm, hội thảo, triển lãm, chuỗi podcast, cuộc thi, cùng hàng loạt hoạt động và thảo luận trực tuyến về tầm nhìn, xu hướng, bản sắc văn hóa và cơ hội tương lai cho ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Tương tự như liên hoan năm ngoái, khán giả năm nay có thể tiếp tục trải nghiệm VFCD trực tuyến gần như hoàn toàn thông qua các kênh mạng xã hội của liên hoan và các nền tảng kỹ thuật số khác.

Tôn vinh Dante tại Hà Nội

Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Italia 18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 700 năm Ngày mất đại thi hào Dante Alighieri (1265 - 1321). Chương trình được Viện Văn học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và Đại sứ quán Italia tại Hà Nội phối hợp thực hiện. 

Tọa đàm có sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan báo chí và các độc giả yêu mến Dante. Sự kiện góp phần khẳng định tầm vóc và những giá trị văn học lớn lao trong tác phẩm của Dante, người được coi là “nhà thơ cuối cùng của thời Trung cổ”, “người mở đầu cho phong trào văn nghệ Phục hưng”, đồng thời thể hiện mối quan hệ giao lưu văn hóa, gắn bó bền chặt giữa hai dân tộc Việt Nam và Italia.

“Chìa khóa” vào thế giới then

Bằng tâm huyết, trách nhiệm với dân tộc mình, hai tác giả trẻ xứ Lạng Hoàng Việt Bình (sinh năm 1988, dân tộc Tày, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn) và Lý Viết Trường (sinh năm 1994, dân tộc Nùng, hiện công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa cho ra mắt cuốn sách “Từ điển văn hóa then” (Nhà xuất bản Thế giới).

Công trình dày dặn với gần 1.000 mục từ là kết quả của quá trình làm việc gần hai năm của hai tác giả. Nội dung đi sâu giải thích điển tích về các nhân vật, tên địa danh, sự vật hiện tượng, biểu tượng, nghi lễ… xuất hiện trong then, các từ ngữ liên quan đến then. Tư liệu của cuốn sách được tổng hợp từ hai nguồn chính là các công trình của những người đi trước đã công bố (bao gồm cả sách, bài tạp chí, bài luận tốt nghiệp, tư liệu chép tay) và tài liệu điền dã tại các địa bàn có đông người Tày, Nùng sinh sống.