Hưởng ứng Hội nghị văn hóa toàn quốc

Lấy nghệ thuật xây môi trường văn hóa

Hướng tới việc xây dựng các tác phẩm vừa mang những giá trị nghệ thuật cao, vừa được đông đảo khán giả đón nhận, trở thành tiêu chuẩn “kép” không hề dễ dàng. Đi tìm lời giải cho thách thức ấy chính là trăn trở của nghệ sĩ và cả các cơ quan lãnh đạo, quản lý văn nghệ, rộng hơn là chính sách về văn nghệ trong thời kỳ mới.

Cảnh trong vở ballet Kiều - tác phẩm sân khấu thành công trong việc kết hợp nghệ thuật ballet với văn hóa truyền thống Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH
Cảnh trong vở ballet Kiều - tác phẩm sân khấu thành công trong việc kết hợp nghệ thuật ballet với văn hóa truyền thống Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH

Gia tăng hoạt động nghệ thuật để bồi đắp thẩm mỹ

Nhiều nguyên nhân văn hóa, xã hội, kinh tế, gồm cả những tác động của dịch bệnh, có xu hướng khiến cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, thị hiếu công chúng biến đổi, có những thời điểm thích ứng hoàn cảnh, có khi khắt khe hơn đối với chất lượng tác phẩm nghệ thuật. 

Liên hệ từ lĩnh vực múa, NSND Ứng Duy Thịnh cho rằng, tính hấp dẫn của tác phẩm luôn chuyển động, phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong vài năm trở lại đây, nghệ thuật múa đã có sự thăng hoa. “Rõ ràng tính hấp dẫn của tác phẩm múa nằm ở ngôn ngữ hình thể, của sự chuyển động hợp lý, chuyển động để tạo nên cái đẹp và cảm xúc. Đối với các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng vậy, tính hấp dẫn luôn gắn liền với thời đại, với cuộc sống và con người”, NSND Ứng Duy Thịnh cho biết.

Nghệ sĩ điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền thì cho rằng, sáng tác không chỉ tạo ra “khoái cảm” nghệ thuật cho riêng tác giả, mà vẫn dung hợp, chú ý tới cả sự phát tán, lan tỏa tiêu chí, quan niệm thẩm mỹ trong tác phẩm tới đông đảo công chúng. “Qua triển lãm của tôi và các đồng nghiệp ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), ngày càng nhiều bạn trẻ cho thấy sự quan tâm tới nghệ thuật”, nghệ sĩ cảm nhận và gợi mở: “Nếu những hoạt động nghệ thuật được duy trì liên tục và gia tăng, thị hiếu thẩm mỹ và khả năng cảm thụ của cộng đồng chắc chắn sẽ được nâng cao hơn”.

Nghệ sĩ cũng cần bồi đắp thêm những lớp nội dung mới cho tác phẩm, phù hợp với tư tưởng, nhận thức của công chúng qua mỗi thời kỳ. “Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị sẽ ẩn chứa những nội hàm tư tưởng sâu sắc, truyền tải được những thông điệp của thời đại mình. Người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo nghệ thuật cũng phải không ngừng học hỏi, giao lưu, hội nhập để tiếp cận và hòa nhập với sự phát triển của nghệ thuật đương đại trên thế giới đang phát triển vô cùng đa dạng hiện nay”, họa sĩ Nguyễn Sơn đề xuất. 

Cảnh giác với sản phẩm “chiều nịnh”

Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc được khai mạc ngày 24/11 tới, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đang góp ý kiến hoàn thiện cho Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, dự thảo lần này có trọng tâm đặc biệt là vấn đề xây dựng con người và môi trường văn hóa. Theo quan điểm này, các tác phẩm nghệ thuật đầy ắp giá trị thẩm mỹ cùng sự hấp dẫn công chúng cũng chính là nền tảng để xây dựng nền văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, đồng thời nâng tầm công chúng yêu nghệ thuật.

Liên quan vấn đề này, nhiều nghệ sĩ chia sẻ với Thời Nay, phần nhiều công chúng Việt Nam chưa được giáo dục về nghệ thuật bài bản và có hệ thống nên sự hiểu biết, trình độ cảm thụ nghệ thuật còn hạn chế so mặt bằng chung của thế giới. Để khắc phục tình trạng này, cần phải thay đổi cách giáo dục nghệ thuật từ cấp tiểu học cho đến đại học, cũng như cải tiến phương thức quản lý nghệ thuật của Nhà nước. “Một thí dụ là đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ nhiều vấn đề của xã hội và con người hiện tại. Chính vì vậy, vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ là dùng nghệ thuật của mình để phản ánh những vấn đề thời đại cũng như góp phần nâng cao và định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng”, họa sĩ Đặng Tuấn đặt vấn đề.

Cùng với đó, trong bối cảnh thời đại số, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Không gian mạng góp phần đa dạng hóa các phương thức phổ biến, công bố tác phẩm, đồng thời kích thích năng lực sáng tạo của các cá nhân. “Chúng ta đang sống trong đại dịch, thế giới ảo là một chọn lựa để phát triển. Vì thế, nghệ thuật số sẽ là một chọn lựa ưu tiên. Tôi tin rằng sự sáng tạo của nghệ sĩ và nghệ sĩ tính trong cộng đồng sẽ có sự cộng hưởng và phát triển mạnh mẽ”, họa sĩ Nguyễn Sơn khẳng định. 

Tuy nhiên, sự sáng tạo khắt khe, những nỗ lực nâng cao công chúng cũng đứng tình trạng bị ảnh hưởng, bị bão hòa từ không ít những “tác phẩm rác” với nội dung tầm thường, ít có tính giáo dục hay giá trị thẩm mỹ, nhưng lại chạy theo xu hướng câu khách, giật gân, chiều nịnh thị hiếu một cách “rẻ tiền”. Để giải quyết tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, khung giải pháp nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Theo họa sĩ Nguyễn Sơn: “Nhà quản lý văn hóa cần thay đổi kiểm duyệt từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các hoạt động, sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Muốn làm được việc này, phải điều chỉnh luật, chế tài về hoạt động biểu diễn, luật về bản quyền và sở hữu trí tuệ… Đặc biệt là sở hữu trí tuệ và bản quyền phải được làm chặt hơn rất nhiều so tình trạng hiện nay”.

Việc bổ nhiệm những người phụ trách, quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật cần chọn những người am hiểu, được đào tạo cơ bản về văn hóa, văn nghệ. Phải có kiến thức sâu về văn hóa văn thuật để biết thấu hiểu và đồng cảm với đội ngũ văn nghệ sĩ khi đối diện những thuận lợi cũng như những khó khăn của lĩnh vực tinh tế này. 

Mong muốn lớn của các nghệ sĩ là sẽ có những thay đổi từ chính sách đào tạo, chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ tuồng nói riêng và nghệ sĩ sân khấu truyền thống nói chung thì mới có thể thu hút được tài năng, mới có được người làm nghệ thuật truyền thống, NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ.