Làm mới dòng tranh cổ động từ “giới”

Các tác phẩm trong Cuộc thi sáng tác tranh cổ động về giới - “In Art We Trust” đã mang tới nhiều tín hiệu tích cực từ thế hệ trẻ bởi những nhận thức đúng đắn các vấn đề xã hội cũng như sự tự chủ trong cách tiếp cận và sáng tác một loại hình nghệ thuật vốn chỉ thịnh hành ở thế hệ của ông bà họ. 

Giải Bình chọn, Gái Trai Như Một - Trụ Cột Tương Lai của Nguyễn Khánh Vy.
Giải Bình chọn, Gái Trai Như Một - Trụ Cột Tương Lai của Nguyễn Khánh Vy.

1/Cuộc thi mong phát triển và biểu dương các luồng nhận thức về giới bằng nghệ thuật, đồng thời đánh thức lại dòng tranh cổ động.

Phát động từ tháng 11/2021 đến lúc tổng kết và triển lãm (14-16/1/2022 tại Viện Goetthe Hà Nội) chỉ bảy tuần, nhưng ban tổ chức đã nhận được hàng trăm bài hưởng ứng từ khắp nơi trên cả nước. Đáng mừng là nhóm tác giả gửi bài thi nhiều nhất có độ tuổi khá trẻ (khoảng trên dưới 20 tuổi). Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Heritage Space (đơn vị đồng tổ chức cuộc thi) cho biết, các buổi tọa đàm về tranh cổ động và bình đẳng giới cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các thí sinh. Các bài thi thể hiện sự tự chủ và khả năng diễn đạt ý tưởng rất mạch lạc bằng cả ngôn ngữ của tranh và cách diễn giải. Đây là sự vượt trội hơn rất nhiều so cách làm việc của các nghệ sĩ trước đây, thể hiện đầy đủ kỹ năng nhìn nhận, đánh giá về vấn đề xã hội và có sự độc lập trong suy nghĩ. Các tác phẩm nghệ thuật biểu đạt đúng tinh thần của cuộc thi. Những người đoạt giải đều thuộc thế hệ trẻ có phong cách nghệ thuật mới lạ về tạo hình, có cách biểu đạt rất riêng và không bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ tranh cổ động trước đây. 

Có 40 tác phẩm lọt vào chung khảo và triển lãm, qua đó ban tổ chức đã trao một giải nhất, ba giải nhì, 10 giải tác phẩm nổi bật và một giải do công chúng bình chọn. Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, giám khảo cuộc thi chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với những tác phẩm cho thấy có văn hóa đại chúng ở trong đó. Chúng tôi đã phải tranh luận rất nhiều để trao giải nhất. Tác phẩm mà chúng tôi đều nhất trí có tính mới về ngôn ngữ, tức là hình ảnh có tính biểu tượng rất mạnh. 

2/Cuộc thi cho thấy những ý tưởng mới mẻ từ cộng đồng nghệ sĩ trên nhiều loại hình như hội họa, đồ họa, minh họa, thiết kế,... ở cả hai định dạng tranh dạng thực thể và kỹ thuật số. Một góc nhìn rất đúng và táo bạo của thí sinh Đặng Nguyễn Khánh Vân (1997, Hà Nội) với tác phẩm “Con lật đật”. Vân chia sẻ về tác phẩm của mình, “Con lật đật” diễn tả ba trạng thái dưới tác động ngoại lực: trái, phải, cân bằng. Sự ngẫu nhiên hoàn toàn của trò chơi “Oẳn tù tì” lại vô tình quyết định hướng quay, hướng ngã của những con lật đật dưới bàn tay ra hiệu của những người chơi. Phụ nữ trong xã hội trước nay vốn chịu nhiều định kiến giới cũng không là một ngoại lệ. Thật may thay, cũng giống như chú lật đật, dù có phải nghiêng ngả loay hoay không ít lần nhưng sức mạnh nội tại kiên cường luôn giúp phụ nữ phục hồi, tái sinh và tìm lại điểm cân bằng trong cuộc sống.

“Bình đẳng về cơ hội” là tác phẩm đạt giải ba của những người thợ khuyết tật ở VỤN Art, lấy cảm hứng từ chính cuộc sống của mình. Tranh được thiết kế với mầu sắc tươi sáng, xen lẫn các mầu trầm của vải lụa Vạn Phúc, gợi lên những cảm xúc khác nhau về sự bất bình đẳng giới trong xã hội. Người đàn ông trong tranh ngày càng leo cao, vươn xa trong khi người phụ nữ vì vướng bận việc gia đình, bị kéo tụt lại. Xã hội ngày càng phát triển, bình đẳng trong gia đình đứng im, mà đứng im có nghĩa là thụt lùi. Trong tranh có hình ảnh người mẹ khuyết tật đơn thân được con đẩy đi nhưng rào cản đã ngăn bước hai mẹ con bước về phía trước. 

Còn Nguyễn Khánh Vy, thí sinh có tác phẩm “Gái Trai Như Một - Trụ Cột Tương Lai” đoạt giải bình chọn đã có cách thể hiện vấn đề giúp công chúng rất dễ tiếp cận. Vy chia sẻ, em vẽ hình tượng em bé trong bụng mẹ. Bởi bất kể đứa trẻ là trai hay gái kể từ khi ở trong bụng mẹ rồi thì cũng cần được bảo vệ, cũng cần được tôn trọng và đứa trẻ nào rồi cũng sẽ là mầm non của đất nước. Không nên nghĩ đến chuyện từ bỏ cái thai đi chỉ vì đó là con gái hay con trai. Bức tranh với hình ảnh là bà mẹ bầu và có tay của cả bố lẫn mẹ che chở cho em bé chứ không chỉ đơn giản là mỗi mình người mẹ.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê, giám khảo cuộc thi nhận xét, tôi thấy rất thú vị, đúng là có một thế hệ mới, có một cách nhìn mới, có một hiện thực mới của loại hình nghệ thuật này. Cuộc thi tuy ngắn nhưng đã cho tôi một lời giải rất thú vị. Hóa ra tranh cổ động có cơ hội để sống và hóa ra có một thế hệ trẻ hơn mình rất nhiều gắn bó không ít với đời sống, cũng băn khoăn, cũng chia sẻ… Hy vọng sẽ có nhiều cơ hội như thế này nữa để chúng ta cùng học, tập dượt và trưởng thành.

IN ART WE TRUST - Cuộc thi vẽ tranh cổ động được thiết kế đặc biệt để phát hiện lại tranh cổ động với vai trò nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới và sự cùng tham gia của cộng đồng vào sáng tạo nghệ thuật. Chương trình nằm trong chiến dịch truyền thông “He Can do” được chương trình Investing In Women của Chính phủ Autralia tài trợ, được Wise, Ơ Kìa Hà Nội, Heritage Space thực hiện.