Kỳ Duyên - khu vườn sử Việt

Ngày thơ ấu, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu, quê ở huyện Cần Đước, Long An, đã ngày đêm mơ về những hình ảnh kiêu hùng trong lịch sử dân tộc. 

Nay sắp tròn 60 tuổi, anh mơ ước tái hiện lịch sử oai hùng đó bằng hình thức tạc tượng những hình ảnh đẹp đẽ của lịch sử trong khu vườn rộng ba công cha mẹ chia phần làm nơi “dưỡng già” khi anh nghỉ hưu vào cuối năm nay.

Khu vườn lịch sử dân tộc mang tên “Khu vườn Kỳ Duyên, không gian lịch sử văn hóa Việt”, hoa, cây ăn trái, rau, ao cá, gió thổi mát quanh năm tựa một công viên. Ở đây có mô hình chiến thắng Chi Lăng cuối năm 1427. Nhà báo Phấn Đấu từng đến thăm ải Chi Lăng vài lần, anh dùng xi-măng đổ hình ải Chi Lăng hiểm trở hai sườn dưới như mường tượng sau chuyến tham quan thú vị mới đây.

Đặt trang trọng giữa vườn là một chiếc lu lớn mang tên là lạ “Mái Vú” mà trên thành lu có đề hai câu thơ nổi tiếng đã đi vào lòng bao thế hệ “Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam” (Đất quê ta mênh mông, Dương Hương Ly). Cái lu này là nơi mà cha của nhà báo Phấn Đấu - ông Sáu Nam, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Nam, ngồi trú tránh giặc để giữ bí mật trong chiến tranh chống Pháp. Khi bọn địch đi qua không để ý, ông đã vượt thoát, mang theo tài liệu đến căn cứ bí mật bàn chuyện đánh tan giặc bằng những cách rất độc đáo… 

Một trong những hình ảnh tái hiện lại được người chủ không gian Kỳ Duyên đặt nhiều tâm huyết vào là tháp Rùa và cầu Thê Húc. Chính tay anh tỉ mẩn làm trong nhiều ngày, trước khi “hạ thủy”. Ao rộng 400 m² được lấy làm bối cảnh hồ Gươm đặt mô hình tháp Rùa chính giữa và cầu Thê Húc bắc qua.

Hình ảnh nhà văn Đoàn Giỏi cũng chiếm một vị trí trang trọng trong khu vườn văn hóa này với một khu riêng mang tên “Đất rừng Phương Nam”, tái hiện giai đoạn người dân còn sống hoang sơ ở đồng bằng sông Cửu Long qua một chiếc chòi lá, cái nơm, thạp đựng nước, cây rơm, cầu tre… Trong vườn còn trưng bày cây đàn kìm lớn, khắc bài “Dạ cổ hoài lang” lừng danh của soạn giả Cao Văn Lầu. Sau vườn nhà là một bụi tre ngà óng ả rất đẹp, có gắn hai câu thơ cũng rất đẹp của thi sĩ Viễn Phương trong bài thơ nổi tiếng “Viếng lăng Bác”: “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”. Khu vườn còn có những mô hình nhỏ hơn, nhưng rất ý nghĩa. Có khi chỉ là vài câu thơ đã đi vào lòng người như “Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô” của Lưu Trọng Lư. Hay: “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu/Đợi gió đông về để lả lơi” của Hàn Mặc Tử.

Thời gian tới, nhà báo Phấn Đấu sẽ bổ sung nhiều công trình lịch sử mới. “Anh đổ tiền vào khu vườn để làm gì?”, tôi hỏi nhà báo Phấn Đấu. Anh trả lời ngay, không hề do dự: “Trước hết là để thỏa mãn niềm đam mê, niềm tự hào về lịch sử, văn chương, hội họa của ông cha ta tự nghìn đời xưa đến nay. Giờ thì tôi không còn phải lo lắng nhiều về kinh tế gia đình nữa khi con cái đã trưởng thành. Điều tôi quan tâm nhất và quyết tâm làm cho kỳ được dù có phải mất nhiều năm là mở rộng cửa khu vườn văn hóa Việt của tôi cho học sinh quê nhà Cần  Đước, Long An và các tỉnh khác đến tham quan, để thẩm thấu lịch sử một cách tự nhiên, tự hào”.