Viết trong vùng dịch:

Kinh nghiệm quý của những người hùng áo trắng

Câu chuyện kể của TS, Thầy thuốc Ưu tú Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, hiện lên những diễn biến dữ dội của dịch bệnh. Ngay ở thời điểm hiện tại vẫn hết sức căng thẳng. Nhưng cùng với đó, là hạnh phúc của người thầy thuốc khi nhiều bệnh nhân được cứu sống.

TS Phạm Ngọc Thạch cùng ê-kíp hồi sức-cấp cứu chúc mừng bệnh nhân người nước ngoài khỏi bệnh ra viện.
TS Phạm Ngọc Thạch cùng ê-kíp hồi sức-cấp cứu chúc mừng bệnh nhân người nước ngoài khỏi bệnh ra viện.

1/Hơn 3.500 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có nhiều bệnh nhân người nước ngoài; hàng trăm bệnh nhân nặng; nhiều bệnh nhân nguy kịch. Đó là con số mà đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị. 

Thật đáng nhớ một người trong số các bệnh nhân nguy kịch: Bệnh nhân số 19, 64 tuổi, có tiền sử rối loạn tiền đình, rối loạn đông máu, tắc nghẽn vi mạch. Đây là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên phải đặt ECMO (kỹ thuật tim, phổi nhân tạo). Có đêm, bệnh nhân ba lần ngừng tuần hoàn, ngừng tim, phải cấp cứu, tưởng đã không còn hy vọng hoặc có cứu được thì di chứng rất nặng do tổn thương não… Cũng không thể quên bệnh nhân số 162, 63 tuổi, có tiền sử huyết áp cao, tiểu đường. Khi nhiễm Covid-19, bệnh nhân có diễn biến tổn thương phổi, suy hô hấp nhanh, có biểu hiện bão Cytokine (là hiện tượng phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể đối với tác nhân từ bên ngoài), có thể nhanh chóng suy đa tạng dẫn đến tử vong. Rồi một bệnh nhân 88 tuổi, có tiền sử tai biến, liệt nửa người, sức rất yếu. Hoặc như bệnh nhân người Anh, 74 tuổi, có tiền sử ung thư máu đã 10 năm, suy hô hấp nặng, không đáp ứng được oxy liều lượng cao, phải đặt nội khí quản, thở máy, cùng các kỹ thuật chăm sóc đặc biệt…

Tranh thủ từng giây phút để cấp cứu, với chuyên môn, nghiệp vụ cao của các y, bác sĩ, các bệnh nhân đó đã được cứu sống và dần hồi phục. Bệnh nhân người Anh khỏe mạnh về nước… Mỗi trường hợp đó thật sự là một kỳ tích. Bác sĩ Thạch cho biết, số bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, ra viện đến nay là hơn 3.000. Trong đó, có hàng trăm bệnh nhân nặng và nhiều bệnh nhân từng nguy kịch. Ông cũng bùi ngùi nhắc đến tỷ lệ bệnh nhân tử vong chiếm 3,4%, mặc dù đó đã là mức giảm thấp nhất có thể. 

2/Hơn hai năm trước, từ những ngày đầu xuất hiện dịch tại Trung Quốc, bệnh viện đã lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, các đội cấp cứu ngoại viện; xây dựng các kịch bản ứng phó; dồn toàn bộ bệnh nhân thông thường sang cơ sở Giải Phóng để dành toàn bộ cơ sở Kim Chung để chuẩn bị thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19. Quãng thời gian đó, toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện hầu như không có Tết, bác sĩ nhớ lại. Tại cơ sở Kim Chung đã được bố trí ngay các vòng điều trị, gồm bệnh nhân dương tính nặng, bệnh nhân dương tính có tổn thương phổi, bệnh nhân dương tính, bệnh nhân nghi nhiễm. Nhân lực, thuốc, phương tiện kỹ thuật, vật tư, thiết bị y tế, hóa chất sinh phẩm, trang bị bảo hộ, sát khuẩn... được chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch. 

Càng quyết tâm không để bệnh nhân tử vong do Covid thì càng khó khăn, vất vả. Nhưng nguy cơ lây nhiễm rất cao mới càng là điều đáng sợ! Nhất là với những người trực tiếp thực hiện các kỹ thuật cho bệnh nhân như đặt nội khí quản, ép tim, chăm sóc người bệnh… Vừa tâm huyết cứu chữa người bệnh, vừa tuân thủ nghiêm quy trình cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng hộ cá nhân, bệnh viện đã hạn chế nguy cơ lây chéo, đặc biệt giữa nhân viên y tế; giữa bệnh viện với cộng đồng.

Bệnh viện cũng tham mưu cho Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp. Vừa thực hiện, vừa nghiên cứu, thường xuyên cập nhật, tham khảo phác đồ điều trị của các nước trên thế giới, đồng thời tìm hiểu, ứng dụng phù hợp thực tế Việt Nam. Bác sĩ Thạch giới thiệu: Trong đó, có việc thử nghiệm sử dụng Aluvia (Lopiravir/Retonavir) là thuốc kháng virus chính cho các trường hợp có viêm phổi nhẹ, nặng hay nguy kịch do Covid-19. Cùng với đó, kiểm soát chặt và điều chỉnh kịp thời tình trạng rối loạn đông máu cho bệnh nhân. Tăng cường miễn dịch bằng dinh dưỡng, thuốc uống, bồi phụ nước điện giải, vitamin thiết yếu, kẽm; rồi thở máy, lọc máu liên tục kết hợp ECMO... Các quy trình, phác đồ, kỹ thuật đó đã mang lại kết quả tốt.

Bác sĩ Thạch sinh năm 1965 ở Gia Lộc, Hải Dương. Từ năm 1991 đến 2019, ông rèn luyện qua nhiều môi trường làm việc, Bệnh viện Lao phổi Hải Hưng, Lao Hải Dương, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hải Dương, rồi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Từ tháng 10/2019 đến nay, ông là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện. Bác sĩ tâm sự, ngay tại thời điểm bệnh viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới lần thứ hai, hàng trăm nghìn cán bộ công nhân viên chức của ngành truyền nhiễm và ngành y tế cùng quân dân cả nước đã không quản nguy hiểm tới tính mạng, trực tiếp có mặt tại các điểm nóng. Chúng tôi tự hào và biết ơn họ đã cho chúng tôi có chung vinh dự lớn lao này.

Các y, bác sĩ đã triển khai đề tài cấp nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc Lopinavir/retonavir (LPV/r) phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona mới (2019-nCov); đề tài cấp bộ ”Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 bằng huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục”...