Khai thác tiềm năng cố đô Huế

Có nhiều thế mạnh về văn hóa, lịch sử nhưng ngành du lịch của Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát triển tương xứng với thế mạnh và tiềm năng to lớn này. Mới đây, chính quyền tỉnh đã thông qua đề án đưa du lịch thành ngành mũi nhọn.

Du lịch Thừa Thiên Huế chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Du lịch Thừa Thiên Huế chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Sống nghèo trên “mỏ vàng”

Năm di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Đó là vốn liếng lớn nhất mà địa phương đang nắm giữ. Cùng với đó là rất nhiều lợi thế từ di sản văn hóa, đến danh lam thắng cảnh, địa hình trải dài đủ núi sông, biển, đầm phá… Nhưng du lịch dường như… chậm lớn.

Sự đa dạng của ẩm thực cũng là một thế mạnh cho du lịch của địa phương này. Khách đến Huế không ai không muốn trải nghiệm các món ăn. Tổ chức Du lịch thế giới từng có một thống kê thú vị rằng, trung bình một khách du lịch chi khoảng 1/3 số tiền của mình cho ẩm thực. Huế được xem như là cái “bếp ăn” của Việt Nam. Cả nước hiện có khoảng 3.000 món ăn các loại và có đến hơn 1.700 món được nấu theo lối Huế. 

Rất ít địa phương có đủ các sản phẩm, loại hình du lịch cho khách tham quan, trải nghiệm như Huế. Nhưng cách làm, cách quảng bá vẫn chưa đủ ấn tượng để đưa du lịch lên tầm cao mới. Festival Huế đã khá nổi tiếng không chỉ trong nước. Nhưng trải qua 10 kỳ tổ chức, khi lễ hội kết thúc cũng là lúc người dân, du khách không còn thấy một di sản nào của sự kiện này. “Festival đã để lại di sản gì sau khi bế mạc?”, đó là một câu mà nhiều người đã đặt ra, nhưng nhà chức trách không và chưa trả lời được. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Trần Hữu Thùy Giang cũng thừa nhận rằng, Festival Huế chưa thật sự trở thành một sản phẩm du lịch đúng nghĩa theo cách vận hành, khai thác và gắn chặt với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch...

“Chưa có những sản phẩm đặc trưng, mang tính thương hiệu như các chương trình lớn và show thực cảnh gắn liền với di sản và văn hóa Huế. Sản phẩm du lịch cộng đồng, tour du lịch đầm phá, tour nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe còn nhỏ lẻ, dịch vụ chưa đồng bộ”, ông Giang nói.

Du lịch bứt phá thế nào?

“Huế có nhiều điểm đến nhưng thiếu điểm chơi”, đây là lời khẳng định không chỉ một mà nhiều người khi đến địa phương này. Nhiều cuộc bắt tay vào làm du lịch; nhiều sự liên kết vùng với các địa phương; các hội thảo, hội nghị xúc tiến lớn đã được tổ chức nhưng vẫn không tháo gỡ và đưa du lịch địa phương này phát triển.

Với đề án đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thừa Thiên Huế nhấn mạnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch, ưu tiên hạ tầng phát triển du lịch thông minh và bền vững. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ lực, đặc thù mang bản sắc Huế; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực…

Sở Du lịch tỉnh cũng thừa nhận rằng, hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, vẫn còn hạn chế. Hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch mới. Việc nâng tần suất và mở thêm các đường bay trong nước và kết nối với các cố đô trong khu vực và quốc tế đang gặp nhiều khó khăn.

Đưa du lịch thành ngành mũi nhọn, tỉnh đặt mục tiêu, nếu tình hình dịch Covid-19 được khống chế trên toàn cầu, ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng trở lại, năm 2025, du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch. Đến năm 2030, thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch. Đến năm 2025, số khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao là 10 cơ sở và năm 2030 con số này khoảng 15 đơn vị, trong đó sẽ có một số khách sạn có thương hiệu quốc tế.

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Huetourist cho rằng, để du lịch Huế phát triển và níu giữ được chân du khách, cần có những định hướng để phát triển thêm các loại hình du lịch về ban đêm. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển hạ tầng, trong đó hạ tầng đến các khu du lịch, tại các khu du lịch và các tuyến đường ven sông, ven đầm phá và biển. Việc này đồng nghĩa với thu hút các nhà đầu tư về du lịch.

“Huế nên quy hoạch các vỉa hè để làm kinh tế đêm. Ở đây không phải cho bán buôn tùy tiện mà phải quy hoạch không gian, cảnh quan, trang thiết bị và dịch vụ (theo mô hình “Paris Cafe vỉa hè). Ai thuê vỉa hè làm phải thực hiện đúng theo một mô thức: Đồng bộ, sang, đẹp… từ cái mái che đến cái ghế và đồng phục nhân viên… Nếu không thực hiện thì thu hồi mặt bằng”, ông Hào hiến kế. Cùng với đó, nên phân biệt khu phố đêm và khu chợ đêm. Phố đêm thì thành phố du lịch nào cũng có. Huế đã có từ lâu và bây giờ chỉ cấm xe vào. Còn các khu chợ đêm là cái có thể làm mới. Chợ nó có tính địa phương hơn, đáp ứng mọi đối tượng khách. Theo đó, các chợ đêm sẽ tăng tính cộng đồng và phát triển được kinh tế cho nhóm người thu nhập thấp.

Được biết tới đây, tỉnh sẽ xem xét triển khai các chiến dịch quảng bá du lịch mang tầm quy mô, chiến lược, có sự lan tỏa lớn thông qua một số kênh truyền hình nổi tiếng của thế giới như CNN...; xây dựng đề án Kinh đô ẩm thực, Kinh đô áo dài..., Giám đốc Sở Du lịch Trần Hữu Thùy Giang cho biết.