“Hướng Giáy Sa Pa”

Đau đáu với những giá trị văn hóa dân tộc Giáy của mình đang dần mai một, Vũ Thị Ngọc Hướng (sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế học, Đại học Hà Nội) đã lập kênh YouTube “Hướng Giáy Sa Pa” từ giữa năm 2019 và “nuôi” kênh bằng những video sinh động thu hút hàng nghìn lượt xem.

Vũ Thị Ngọc Hướng trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Vũ Thị Ngọc Hướng trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Hướng sinh năm 1999 tại Tả Van, một xã còn nhiều khó khăn, cách thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) khoảng 8 km về phía nam. Lớn lên trong nếp nhà của người Giáy, Hướng luôn có ý thức giữ gìn văn hóa của dân tộc mình mà trước hết là từ ngôn ngữ. Được nghe bà ngoại và các bác kể cho nghe những truyện cổ của người Giáy, càng đi sâu tìm hiểu văn hóa Giáy, Hướng thấy dân tộc mình có nền văn hóa đa dạng, độc đáo, thế nhưng nhiều người trẻ lại không biết nói tiếng mẹ đẻ, không biết và không hiểu phong tục truyền thống, không biết nấu các món ăn truyền thống của dân tộc mình. Sau vài lần dẫn tour đi Sa Pa, Hướng nhận thấy khá nhiều hướng dẫn viên bản địa chưa truyền tải hết được những giá trị văn hóa và thiên nhiên tốt đẹp nơi đây cho du khách. Cuối năm thứ hai đại học, Hướng nảy ra ý tưởng thu thập thông tin và xây dựng kênh YouTube “Hướng Giáy Sa Pa”.

Ban đầu, Hướng chỉ làm video về ẩm thực, vì ẩm thực người Giáy rất hấp dẫn, bạn có “chỗ dựa” là người cha có thể nấu các món truyền thống rất ngon. Sau này tham gia nhóm cộng đồng người Giáy trên Facebook, Hướng được các bạn động viên đọc một số truyện cổ và hát những bài ca cổ của người Giáy. Hướng đã lặn lộn về Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai, nơi mình từng theo học, rồi lên Thư viện Quốc gia để tìm tòi, tham khảo tài liệu để các video đưa lên bảo đảm chân thực, chính xác. 

Việc làm video bước đầu thuận lợi, Hướng đã học hỏi về công nghệ rất nhanh và có nền tảng kiến thức xã hội để viết lời dẫn, giới thiệu. Tuy nhiên, Hướng cũng gặp khó khi thiếu các thiết bị hiện đại để thu âm được to, rõ ràng, hình ảnh sắc nét và nhất là thiếu người đồng hành. Hướng từng thử lập một đội các bạn trẻ người Giáy để cùng nhau dịch truyện nhưng vì dân số người Giáy khá ít, lại sống ở những khu vực khác nhau và có nhiều công việc khác nhau nên khó để cùng thực hiện. “Mình em tự lên ý tưởng, kịch bản rồi tự quay và chỉnh sửa video rất mất nhiều thời gian nên số lượng video đưa lên cũng chưa được nhiều. Hơn nữa, giọng nói của em vẫn chưa hay, chưa được truyền cảm nên em đang cố gắng luyện tập từ việc nghe giọng các phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, bởi em biết rằng giọng nói trong một video đóng một phần rất quan trọng”, Hướng trăn trở.

Vào kênh YouTube “Hướng Giáy Sa Pa”, dễ dàng tìm kiếm những video đọc truyện, như “E toi - Pạc túa pít mè (bản tiếng Giáy và tiếng Việt), “Quê hương người Giáy”; video ẩm thực, như làm bánh chưng đen, bánh rợm, bánh trung thu; video âm nhạc như “Vươn dú càu - Hát về bạn cũ”, “Vươn sroong náu - Hát về hai chúng mình”… Sau mỗi video đưa lên, Hướng nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng những lời động viên, khuyến khích của đồng bào dân tộc Giáy ở nhiều nơi. 

Là người đã gửi file âm thanh mình thổi sáo những bản nhạc người Giáy để chèn vào những video đầu tiên, anh Vàng Phúc (dân tộc Giáy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) nhận xét: “Còn khá trẻ nhưng Hướng rất tâm huyết giữ bản sắc dân tộc. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng trong thời buổi hiện nay. Tôi tin rằng rồi đây kênh của Hướng sẽ có nhiều người xem hơn, không chỉ là người Giáy mà còn các dân tộc khác nữa”.