Hội tụ quá khứ vì tương lai...

Cùng trong những ngày đầu tháng 7, một loạt sự kiện diễn ra với động lực hội tụ và nâng tầm những giá trị quá khứ để hướng tới tương lai. 

Hội tụ quá khứ vì tương lai...

Đầu tiên là việc trao kỷ lục Việt Nam cho quyển sách thư pháp độc bản “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển” của nghệ nhân thư pháp Vũ Đăng Học. Sách dày 209 trang, được làm thủ công trên nền giấy xuyến chỉ, với kích thước 1,8x1,4m, trọng lượng khoảng 500kg. Tác phẩm được chế tác thủ công trong năm tháng và trao tặng tỉnh Bến Tre nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Sách có hai phần nội dung, gồm: 1. Các tác phẩm thơ của cụ đồ Chiểu; 2. Những vần thơ của nhiều tác giả hậu thế ca ngợi danh nhân. Tác phẩm sẽ được bảo quản và phục vụ lâu dài cho người dân trong và ngoài tỉnh thưởng lãm.

Cũng trong ngày 1/7, tại Nghệ An khai trương Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến”. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu các bộ, ban, ngành, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế. Tại diễn đàn, các đại biểu ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng giai đoạn 2022-2025. 

Còn tại Thủ đô Hà Nội, trong ngày 1/7 diễn ra Hội thảo “ALP 2021 - 2022: Tương lai không gian sống Việt Nam - Những tiếp cận kiến trúc đầu tiên” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp Công ty Toàn Cầu LIXIL tổ chức với sự tham dự của gần 200 kiến trúc sư, nhà thiết kế, chủ đầu tư và các chuyên gia về kiến trúc, nội thất, quy hoạch, xã hội học… Cùng với hội thảo là các đề xuất kiến trúc đến từ sáu công ty được giới thiệu rộng rãi công chúng thông qua Triển lãm ALP Pavilion, diễn ra tại không gian phố đi bộ hồ Gươm trong ba ngày cuối tuần.

Ngày thứ bảy 2/7, tại nhà triển lãm Ba ngàn Art (TP Ninh Bình) đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm “Nếp màu tự nhiên”, giới thiệu về nghề nhuộm vải tự nhiên của dân tộc. Triển lãm trưng bày 15 bộ cổ phục Việt Nam và 27 tấm vải đũi tơ tằm được nhuộm hoàn toàn bằng mầu sắc tự nhiên như: gỗ tô mộc, cao chàm, lá bàng, lá ngải, trầu không, vỏ vải khô, hồng hoa, tổ cánh kiến… Đây là việc giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của cổ phục Việt Nam qua các triều đại. Đồng thời, giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống, chia sẻ giá trị văn hóa của các di sản với thế hệ trẻ cả trong và ngoài nước. Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 20/7.