Hành trình biến chuyển cùng đá

Trại sáng tác (workshop) “Biến chuyển” tại không gian Lương Gia, là cuộc trở về của điêu khắc đá đương đại giữa “cái nôi” làng nghề đá truyền thống Ninh Vân (Ninh Bình). Mô hình hoạt động nghệ thuật này dù còn khá mới, nhưng đã trở thành “miền đất hứa”...

Nghệ sĩ sáng tác tại không gian Lương Gia.
Nghệ sĩ sáng tác tại không gian Lương Gia.

Mới mẻ mô hình workshop tại làng nghề

Diễn ra thời gian qua và đang duy trì đến hiện tại, trại “Biến chuyển” quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Đào Châu Hải (SN 1955); Lê Thị Hiền (SN 1957); Lê Lạng Lương (SN 1974); Khổng Đỗ Tuyền (SN 1974); Trần An (SN 1981); Lương Văn Việt (SN 1977); Lương Trịnh (SN 1986); Thái Nhật Minh (SN 1984) và Đào Tân (SN 1991). Các nghệ sĩ sử dụng thuần túy chất liệu đá để cho ra đời những tác phẩm theo phong cách, cá tính nghệ thuật riêng. 

Lần đầu tiên vào năm 2019, nghệ sĩ Lương Trịnh cùng một số bạn bè tâm huyết đã khởi xướng một workshop “Về với đá”, quy tụ 15 nhà điêu khắc trẻ, xuất phát từ mong muốn về làm nghệ thuật ở không gian mới mẻ, tìm kiếm chất liệu khác lạ. Năm 2020, hơn 10 nghệ sĩ điêu khắc lại tiếp tục quy tụ tại workshop để sáng tác và tổ chức triển lãm “Đồng vọng Hoa Lư 2020”, gây tiếng vang. Mặc dù đá không phải là chất liệu mới, nhưng sự kết hợp mô hình workshop vào không gian làng nghề truyền thống làm đá thì lại chưa từng có.

Khác hai trại sáng tác năm 2019 và 2020, “Biến chuyển” chắt lọc hơn với chín gương mặt nghệ sĩ tâm huyết. Số nghệ sĩ ít hơn, nhưng quy mô và lượng tác phẩm lại dày lên. Theo nghệ sĩ Thái Nhật Minh, tiêu đề trại sáng tác lần này thể hiện mong muốn của chín thành viên. Đó là dịch Covid-19 đã khiến xã hội và đời sống có nhiều thay đổi. Người nghệ sĩ cũng phải có sự chuyển biến nếu muốn bám sát, phản ánh mọi chuyển động của cuộc đời. Cùng với đó, mỗi nghệ sĩ cũng cần có sự làm mới mình. 

Nhà điêu khắc Lương Trịnh cho biết: “Sau mỗi trại sáng tác, các nghệ sĩ có sự giao lưu, học hỏi và thêm kinh nghiệm làm việc nhóm. Việc ăn ở cùng nhau, làm việc cùng nhau giúp mọi người dễ dàng trao đổi với nhau về ý tưởng, tay nghề. Nhờ đó, các nghệ sĩ đã thuần thục hơn, xử lý vật liệu đá ngày càng tinh tế hơn, cho ra đời nhiều tác phẩm ưng ý và nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng và tiếp thu nhiều ý kiến hay từ các đồng nghiệp cho sáng tác của mình”. 

Thăng hoa với chất liệu khó

Đá là chất liệu khó xử lý trong không gian chật hẹp như ở thành phố và nếu thiếu máy móc, trang thiết bị thì không thể làm. Bởi vậy, tranh thủ lợi thế gia đình có truyền thống làm nghề đá từ cha - nghệ nhân chế tác đá Lương Thịnh - người vẫn hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ mỗi ngày, với rất nhiều kinh nghiệm, nghệ sĩ Lương Trịnh - hiện là chủ của Lương Gia đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, từ chỗ ăn ở, cho tới không gian làm việc rộng rãi, các hệ thống máy móc tạo tác đá cho các nghệ sĩ tham gia workshop.

Đá là chất liệu tĩnh vì hàm chứa trọng lượng, không thể “bay bướm”, dễ uốn dạng như sắt, gỗ. Nên trước khi làm một tác phẩm, mỗi nghệ sĩ phải lên ý tưởng và phác thảo bằng đất sét, sau đó là quá trình “cảm” chất liệu đá sao cho phù hợp ý đồ sáng tác. Sau đó mới là phóng hình, cắt đá và đục thô, đục tinh, cuối cùng là mài nhẵn để hoàn thiện. Đá có rất nhiều loại với mầu sắc, đặc tính tự nhiên khác nhau, nhưng chủ yếu các nghệ sĩ lựa chọn đá vàng, đá trắng hoặc đá đen. 

Đơn cử như tác giả Lê Lạng Lương đã chọn ngay chất liệu đá trắng mable bởi đặc điểm dễ đẽo gọt thành hình cầu, khối lồi lõm đa dạng hoặc tạo bề mặt bóng cho tác phẩm. Anh chia sẻ: “Workshop lần này mong muốn sự chuyển biến trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi nhà điêu khắc. Tác phẩm của tôi cũng có sự thay đổi, chọn một góc nhìn khác về hình tượng người H’Mông ở miền núi. Đó là sự hòa hợp hình tượng cô gái H’Mông vào sông núi, vào mây trời, tạo thành những khối mang tính cường điệu, siêu thực. Cũng chính vì thế, tôi chọn tên cho chuỗi tác phẩm này là “Thượng ngàn”, không đề cập qua góc nhìn tín ngưỡng mà thể hiện cảm hứng cá nhân mình về những con người thuộc về núi rừng đó”.

Trong khi đó, nữ điêu khắc gia duy nhất và lớn tuổi nhất của workshop, bà Lê Thị Hiền lại ưng ý chất liệu đá đen cứng để thể hiện những hình tam giác góc cạnh chồng chéo, đan xen. Nữ nghệ sĩ bày tỏ: “Trong workshop lần này, tôi lựa chọn hình khối chủ đạo là các hình tam giác lồng vào nhau. Đá tưởng chừng là chất liệu tĩnh và khô cứng, nhưng tôi lại muốn gợi cho người xem cảm được cái “động”, cái mềm mại của từng chút đưa đẩy, từng chút chuyển dịch vi diệu qua sự lồi ra, lõm vào của những khối hình góc cạnh ấy”.

Hoàn thành workshop, các tác phẩm trước tiên sẽ được bày ở không gian Lương Gia trong khoảng hai đến ba tuần, sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Tiếp đó, người yêu nghệ thuật sẽ có cơ hội thưởng thức toàn bộ tác phẩm trong triển lãm tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. “Anh em nghệ sĩ sẽ cố gắng duy trì hoạt động thường niên này để dành thời gian sáng tác và giao lưu với nhau. Bằng những kinh nghiệm tổ chức ba trại sáng tác từ trước tới nay, có thể lần tới các trại sáng tác sẽ có thêm sự tham gia của các nghệ sĩ nước ngoài. Chúng tôi cũng mong hoạt động này được công chúng biết đến rộng hơn, góp phần mở rộng thị trường cho điêu khắc Việt Nam phát triển”, nghệ sĩ Lương Trịnh cho biết.