Viết trong vùng dịch:

Giữ yêu thương đi qua bão giông

Từ lâu tôi vẫn luôn đinh ninh rằng mình đang sống một cuộc sống bất khả biến, mãi cho đến khi sự chuyển động bắt đầu chuyển hướng, tất thảy định nghĩa từng là của nó dường như đã không còn giống ban đầu.

Thanh niên Ngã Năm đi chợ giúp dân, vận chuyển nhu yếu phẩm.
Thanh niên Ngã Năm đi chợ giúp dân, vận chuyển nhu yếu phẩm.

1/Một ngày, xóm quê hiền hòa trước mặt giáp sông êm êm xanh mát, sau lưng giáp đồng lúa hát xanh rì của tôi không còn bình yên. Người ta nhốn nháo về những ca mang bệnh truyền nhiễm đã được tách khỏi cộng đồng ngay trong đêm; chiếc loa phát thanh đặt ở trung tâm ấp phát tin một người đàn ông giao hàng dương tính SARS-CoV-2 khiến hàng loạt tiệm tạp hóa trong diện tiếp xúc đều phải cách ly y tế, khu chợ quê liền sau đó cũng bị phong tỏa.

Nhà nhà e ngại, bắt đầu ý thức được sự nguy hiểm đang rình rập, đóng chặt cửa rào. Sóc Trăng tức tốc sàng lọc cộng đồng, trở thành tỉnh thành đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long phân vùng cấp độ để kiểm soát dịch bệnh.

2/Mỗi lần test là mỗi lần thấp thỏm. Đứa em thân thiết là sinh viên năm cuối y khoa của tôi nhắn như để động viên: “Ngày nào đi chống dịch tụi em cũng tự test cho nhau, đau riết rồi cũng quen chị”. Em là tình nguyện viên tuyến đầu đi lấy mẫu và hỗ trợ tiêm chủng. Vừa đi chiến dịch vừa chăm sóc F0 trực tuyến, công việc dường như chẳng bao giờ ngơi mà nguy cơ lây nhiễm luôn chực chờ. Nhưng bất kỳ lúc nào có một chút thời gian, em đều nhắn vào nhóm để động viên những người bạn đang ngồi nhà của mình, rằng lạc quan lên, ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên và khi nào địa phương triển khai tiêm chủng thì nên đăng ký ngay, bởi “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Cứ như vậy, người ở nhà thì lo cho người xông pha trực tiếp trong trận chiến; người tuyến đầu lại động viên, khích lệ người ở nhà. Chưa lúc nào tình yêu thương giữa người với người lại gần gũi và thoải mái thể hiện như vậy. Đôi lúc chỉ được nhìn nhau qua màn hình điện thoại nhưng chưa bao giờ cảm thấy cách xa. Sự quan tâm, sẻ chia trở thành liều thuốc tinh thần để mỗi người vịn vào mà vực dậy, tái cài đặt lại cuộc sống vào một ngày đã rơi vào khoảng dài bất ổn.

3/Tôi may mắn không bị kẹt lại thành phố khác sau lệnh giãn cách. Được trở về nhà kịp lúc chắc chắn sẽ trở thành một trải nghiệm quý giá đối với tôi, khi lần đầu tiên sau rất nhiều năm xứ người, tôi tận hiểu giá trị thiêng liêng của hai tiếng “Gia đình”. Và lẽ dĩ nhiên, tôi không mong ngoài kia có biến cố để mỗi người biết trân trọng những điều ý nghĩa mà trên bước đường cơm áo bộn bề mình đã vô tình lãng quên. Nhưng từ trong những bữa cơm tuy giản đơn nhưng đầm ấm quây quần, nhìn thấy niềm vui trong đáy mắt của người thân, dù phải thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc, giải trí, tôi biết yêu hơn khoảng thời gian bất đắc dĩ sống chậm.

Đứa cháu nhỏ 9 tuổi con chị gái tôi thì không may mắn như tôi khi về ngoại nghỉ hè rồi bị kẹt lại. Phải xa ba mẹ đối với một em nhỏ là điều gì đó thật kinh khủng, nhưng điều quan trọng trong lúc này là sức khỏe và sự an toàn. Mỗi ngày chị gái và anh rể đều tranh thủ gọi lên để gặp con và thăm hỏi gia đình tôi. Để vơi nỗi nhớ con, cũng là mong muốn tiếp sức với lực lượng tuyến đầu, chị gái tôi bằng sức mình nổi lửa bếp ăn để cung cấp hàng trăm suất ăn nghĩa tình cho các trạm chốt kiểm soát mỗi ngày. “Sức đến đâu làm đến đó thôi”. Mỗi lần hỏi về việc mình làm, anh chị tôi đều tươi cười bảo vậy. Vẫn hồn nhiên quá đỗi trước nghĩa cử tình người.

4/Thời gian qua, Sóc Trăng quê tôi cũng đã đón hơn 40 nghìn người lao động làm ăn xa trở về quê nhà. Phần lớn trong số họ là những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine, số ca nhiễm bệnh khá cao, gây quá tải cho cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở. Nhưng dù nhân lực vật lực đều hạn chế thì cũng sẽ không có ai bị bỏ lại. Tỉnh chủ trương miễn phí toàn bộ chi phí cách ly cho lao động nghèo.

Hằng ngày tôi vẫn được bạn bè thời phổ thông của tôi, những người hiện đang trực tiếp nơi tuyến đầu, chia sẻ qua nhóm về những hoạt động của mình. Cũng khá lâu, từ lúc ra trường, trừ lễ lộc, thông báo hiếu hỷ, chúng tôi giờ mới ngồi lại hỏi thăm nhau, động viên các bạn công tác trong ngành công an, hành chính địa phương, đoàn đội vững lòng công tác tốt. Thầy chủ nhiệm vốn là giáo viên dạy Văn, vẫn thường nhắn tin vào nhóm: “Thầy cũng luôn đồng hành cùng các em bằng cách ở nhà”. Cả lớp cùng cười, hiểu rằng mình vẫn may mắn vì còn ở đây, thì thôi mỗi người mỗi việc, đại dịch này rồi sẽ bị đẩy lùi.

Trong đám bạn ấy, có người đã gần năm chưa được về thăm nhà, vừa cưới vợ được một tháng đã tạm xa nhau. Có người vừa đón con chào đời ở bệnh viện đã lập tức về đơn vị trực chỉ, rồi dịch phức tạp hơn, khiến người cha trực chốt không thể về ngày con đầy tháng. Có người nằm trong Ban chấp hành Đoàn Thanh niên, khi người dân quê đổ về ồ ạt vượt ngoài sức chứa các khu cách ly đã kích hoạt, phải thức trắng đêm chuẩn bị khu cách ly mới chỉ với mong mỏi ai ai cũng được trở về trong an toàn...

Sau tất cả, bánh xe tình người vẫn lăn, đi đến những nơi đang cần sự giúp đỡ. Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì đang được sống ở nơi có quá nhiều sự chia sẻ và đồng hành. Những bếp ăn đỏ lửa. Những phần quà nghĩa tình. Những gói hỗ trợ ấm lòng lúc nguy nan. Những tiệm sửa xe di động 24/24 giờ phục vụ miễn phí cho bà con trên đường về quê cha đất tổ. Những trạm xăng 0 đồng “Bạc Liêu 2 chai, Cà Mau 3 chai” theo sự cân đối khoảng cách đường đi mà quê tôi sẻ gánh đường xa, tiếp sức đồng bào...

Bão giông nào rồi cũng sẽ qua đi khi tình yêu thương chính là điều quý giá nhất mà mỗi chúng ta luôn giữ lại.