Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Đưa văn nghệ về vùng sâu với đồng bào

Hiện nay, tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, đời sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc thiểu số còn rất nghèo nàn, đơn điệu. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân khá xa. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. 

Cần đưa nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật về các thư viện trường và xã vùng sâu, vùng xa. Ảnh: QUANG KHẢI
Cần đưa nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật về các thư viện trường và xã vùng sâu, vùng xa. Ảnh: QUANG KHẢI

1/Kho tàng văn hóa ở vùng đất Tây Nguyên với các trường ca, sử thi đồ sộ, kỳ vĩ đã khẳng định sức sống bền vững cùng thời gian. Và đó cũng là tiền đề để văn học, nghệ thuật ở vùng đất này có những thành tựu đáng khích lệ. Nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã để lại dấu ấn sâu sắc trên diễn đàn văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những tác giả là người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, các tác phẩm văn học, nghệ thuật ở các chuyên ngành đa phần được phổ biến trong đội ngũ trí thức ở thành thị; người sáng tạo tác phẩm phổ biến chủ yếu trên các phương tiện truyền thông hiện đại ở các trung tâm thành phố, huyện lỵ chứ chưa đưa đến với vùng sâu, vùng xa. Người đi thực tế sáng tác, lấy cảm hứng để có được tác phẩm văn học, nghệ thuật như âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sưu tầm các trường ca kể khan… sau khi thực hiện ghi âm, sưu tầm được mang ra khỏi buôn làng mà không thấy phản hồi. 

Có thực tế là đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở các buôn làng, nhất là vùng sâu, vùng xa ngày càng gặp nhiều khó khăn, do khoảng cách giàu và nghèo với thành thị. Sự mặc cảm tự ti vì thế cũng có sự gia tăng. Điều đó khiến họ e dè hơn, rụt rè hơn trong việc chia sẻ. Hơn thế, với sức ép của kinh tế thị trường, văn hóa và lối sống hiện đại cùng với sự xâm nhập có cả tích cực lẫn không tích cực của internet, mạng xã hội đã có sự tác động không nhỏ đến không gian các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng, không gian nhà dài, bến nước, nương rẫy, rừng… Không gian sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số đang phải đối diện nguy cơ bị mai một nghiêm trọng. Hơn nữa, người già không nhiều mặn mà giữ gìn văn hóa, thanh niên có nhiều thú vui hiện đại, thời thượng với mạng xã hội; văn hóa truyền thống của nếp nhà, của dân tộc đang bị lãng quên một cách đáng báo động. 

2/Trước những thực tế trên, văn học, nghệ thuật phải đặt ra cho mình mục tiêu lớn. Đó là cùng với hệ thống chính trị, văn hóa để nỗ lực khôi phục cái hay, vốn quý của văn hóa dân tộc của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên trong lĩnh vực của mình. Từng bước đưa văn học, nghệ thuật sáng tác về dân tộc về với cơ sở, buôn làng. Nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 

Việc đưa văn học, nghệ thuật về với cộng đồng, đặc biệt là về sâu rộng đến cơ sở, vùng sâu, vùng xa; tiếp cận với người dân tộc thiểu số sẽ có nhiều ý nghĩa nhất định. Đó là: Những cái hay, cái đẹp của vốn quý vốn dĩ của người dân tộc thiểu số qua cảm quan của nghệ sĩ sẽ đẹp hơn, có giá trị thẩm mỹ hơn. Và những điều ấy phải được phản hồi trở lại để người dân tộc thiểu số cảm nhận. Từ đó, họ nhận ra được những điều bình thường hằng ngày từ nếp nhà, lời ăn tiếng nói, trang phục hay những câu chuyện kể khan thâu đêm có giá trị nhất định về nhiều mặt văn hóa. 

Thí dụ, như trang phục dân tộc, đời sống hằng ngày của đồng bào qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật, qua tác phẩm âm nhạc hay tác phẩm văn học sẽ trở nên lung linh, mang đậm sắc thái và tăng lên cái đẹp. Bà con sẽ thấy yêu thêm những điều bình dị như nếp nhà, món ăn, sắc phục hay tiếng nói… đó là những thứ bình thường mà không phải khi nào bà con cũng nhận ra rằng rất đẹp đẽ. Từ đó, sẽ phần nào tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ để họ thêm ý thức giữ gìn những bản sắc của dân tộc mình một cách tự nguyện. 

Cần gợi mở cho buôn làng, cộng đồng, thôn buôn tổ chức những đêm sinh hoạt kể khan với đông đảo các tầng lớp tham gia, từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ trong không gian nhà dài một cách chân thực. Sự tái hiện sẽ có hiệu quả thật sự để thế hệ trẻ lắng nghe các sử thi của người già kể bằng tiếng mẹ đẻ. Kết hợp với việc dựng hình, quay phim nhưng không làm thay đổi môi trường diễn xướng, không can thiệp sâu vào không gian để các nghệ nhân truyền được ngọn lửa đam mê đến cho người nghe và các thế hệ thanh niên.

Các văn nghệ sĩ chuyên ngành văn nghệ dân gian nên mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, nhạc cụ dân tộc tại các buôn làng. Kết hợp việc tìm kiếm những người có khả năng, cảm nhận âm nhạc, văn học, nghệ thuật để đưa đi bồi dưỡng. Họ sẽ là những hạt nhân văn hóa để sau đó quay trở lại công tác tại cơ sở, buôn làng trong tương lai. 

Ngoài ra, nên phối hợp UBND, phòng văn hóa thông tin các huyện, thị xã lập kế hoạch, xây dựng các chương trình cụ thể xuống cơ sở, thôn buôn để tổ chức các hoạt động thiết thực như sinh hoạt cộng đồng, triển lãm, nghe kể khan, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, lễ hội… chủ thể là người dân địa phương, người dân tộc thiểu số. 

Song song đó, mỗi người văn nghệ sĩ phải tự tìm tòi, không ngừng sáng tạo để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Tăng cường việc đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước.

Có thể khẳng định rằng, việc đưa văn học, nghệ thuật về cơ sở, về buôn làng, nhất là vùng sâu, vùng xa là vô cùng cần thiết để văn học, nghệ thuật phát huy trọn vẹn vai trò trong giai đoạn mới. Mặc dù vậy, muốn làm được những điều đó, phải có một chiến lược lâu dài, kế hoạch cụ thể và sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành thì công tác này mới thật sự hiệu quả và khả thi.