Đón đầu mùa kịch mới

Dẫn người xem vào “mê cung” của những tình tiết trớ trêu đan xen, nhưng rồi cái kết của nhân vật chính lại như khởi đầu của không chỉ một mà nhiều lối ra... Rời nhà hát, có lẽ không ít khán giả sẽ thấy ngổn ngang, ngẫm ngợi và suy tư mãi… 

Cảnh trong vở diễn.
Cảnh trong vở diễn.

1/ Sau thời gian dài giãn cách vì dịch, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sẽ dần lan rộng. Đó có lẽ là lý do mà tác phẩm “Làng song sinh” của nhà văn Xuân Đức do NSND Trung Hiếu dàn dựng là một trong hai vở của Nhà hát Kịch Hà Nội vừa được hoàn thành. Vở sẽ tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc vào tháng 11 tới tại Hải Phòng.

“Làng song sinh” kể về ngôi làng Thủy Đọng, nơi có một lời nguyền là ai sinh đẻ cũng phải sinh đôi. Để xóa bỏ nó, ba người đàn ông của làng đã kết nghĩa huynh đệ rồi cùng lên chùa cầu tự. Khi có con, họ nói với làng xóm rằng, lời nguyền sinh đôi đã được hóa giải, họ chỉ sinh một. Từ đó, câu chuyện chủ yếu xoay quanh cuộc sống của ba đứa trẻ là Tấn, Tạ và Quả. Mạch truyền kéo dài từ khi họ nhập ngũ và cùng chiến đấu. Khi kết thúc chiến, những tưởng cuộc sống của họ có thể bình yên, nhưng mọi chuyện lại trớ trêu vẫn vì cái gọi là lời nguyền song sinh ấy.

Một vở kịch để cho mọi người hiểu không khó bằng việc khiến họ nhớ. Muốn “sống” lâu trong lòng khán giả, thì cần tìm cách riêng để neo lại trong tâm trí. Hai tiếng thời lượng của vở “Làng song sinh” đủ sức lắng đọng. Dấu ấn đầu tiên thuộc về lão Tấn, một nhân vật có thể coi là “phản diện” được khắc họa rất đời, rất sinh động. Là anh cả trong ba người con “trời cho” của làng Thủy Đọng, lão Tấn rất biết cách lợi dụng uy quyền đó để điều khiển người em Quả khù khờ phục vụ lợi ích cá nhân mình. Dùng lời đường mật về tình anh em, Tấn đã ép Quả phải lấy Thỏn, người đang mang giọt máu của mình để che đậy “hậu quả” của cuộc tình vụng trộm thời chiến. Hòa bình lập lại, vẫn dựa vào quyền thế của một lãnh đạo cấp tỉnh, Tấn tiếp tục thao túng Quả để thu lợi bất chính từ đất công. 

Giả tạo, đầy dục vọng, tham lam nhưng không kém phần xảo quyệt, tưởng chừng lão Tấn là đại diện cho tất cả phần tối nhất trong tâm tính con người. Nhưng không, lão vẫn còn nhân tính khi ngầm chăm lo Thỏn và đứa con, vẫn biết quan tâm tặng sâm bồi bổ cho người em Tạ và một tay nâng đỡ Quả cùng con em làng Thủy Đọng. Cuối vở, lão Tấn vẫn biết ăn năn hối hận trong giờ hấp hối của Quả. Từ đó có thể thấy, mặc dù thiên về phản diện, nhưng lão Tấn không hề là một nhân vật “một mầu”.

2/Phía bên kia tuyến nhân vật tưởng chừng là chính diện, như chàng trai Quả lương thiện, lại không hề chính diện cho lắm như khán giả dự đoán. Tuy nhiên, đó lại là điểm sáng tiếp theo khi nhấn vào con đường tha hóa, từ con người thật thà trở thành một chủ tịch huyện đầy thủ đoạn và mất dần lương tri. Vở kịch khắc họa Quả là người có nội tâm đa dạng trong phân cảnh viếng mộ cha mẹ. Cuộc đời anh vừa đáng giận khi quá nhu nhược, cam chịu nghe theo sự điều khiển của anh cả Tấn, từ việc chấp nhận lấy Thỏn và nuôi con riêng của ông anh “quý hóa”, cho tới việc hằng ngày phải sống giả tạo, tri ân với ông Tấn để thăng tiến quan lộ. Thế nhưng người xem cũng thương cảm khi chứng kiến Quả dằn vặt bên mộ cha mẹ với chút lương tri, nỗi day dứt và ghê sợ sự giả tạo của chính mình. Cuộc đời Quả là chuỗi tranh đấu không ngừng giữa thiện và ác, đúng và sai. 

Nhưng bất ngờ thay, cội nguồn của cuộc đấu tranh đó không chỉ do lão Tấn, mà còn ở bào thai… trong bụng của Quả. Đó là tình tiết làm sáng tỏ tất cả sự dối trá trong câu chuyện về làng song sinh. Lời nguyền không hề được hóa giải, mà nó chỉ là sự trớ trêu của tạo hóa khi Quả mang trong bụng bào thai của người anh em song sinh từ khi mới sinh ra. Bào thai ấy lớn lên cùng Quả, bày mưu tính kế và nắm rõ mọi ngõ ngách tối tăm nhất của đời anh. Cuối cùng, tiếng nói của lương tri vẫn chiến thắng, Quả vẫn quyết cắt bỏ cái ung nhọt ấy và không hối tiếc đổi tính mạng để cho người dân làng Thủy Đọng thấy được sự thật.

3/Nếu có điều gì luyến tiếc sau khi thưởng thức vở kịch, đó có lẽ là tuyến nhân vật phụ và những quan hệ đan xen, chằng chéo của họ chưa được khai thác triệt để. Đặc biệt là nhân vật Thỏn, đại diện cho hình ảnh phụ nữ chịu đựng nhiều đau khổ, thiệt thòi từ lời nguyền song sinh của làng Thủy Đọng. Sự nhẹ dạ cả tin biến cô thành nạn nhân của lão Tấn xảo quyệt. Đến khi được sống bên cạnh người mình yêu thì tình yêu của Quả lại trở thành sự giả tạo vì sự nghiệp bản thân, thậm chí cô trở thành nơi anh trút sự căm ghét dồn nén đối với Tấn. Ngay cả hạnh phúc lớn nhất là sinh con, Thỏn cũng phải giả vờ, chấp nhận nuôi con của Quả và người em sinh đôi là Thẻn. Cuộc đời đầy bi kịch và thế giới nội tâm phức tạp của Thỏn cần được xoáy sâu thêm.

Câu nói của Quả cũng là thông điệp lớn nhất của vở kịch: “Dù tốt hay xấu, dù thiện hay ác, dù đê tiện hèn hạ hay cao thượng thiện lương thì những thằng người cứ phải lộ diện ra giữa trời đất. Có như thế người đời mới dễ phân xử. Những điều xấu xa, tội lỗi cứ mãi ở trong bóng tối thì đến bao giờ - đến bao giờ chúng ta mới giải được lời nguyền của cái làng Thủy Đọng này”. “Làng song sinh” chính là vòng lặp đấu tranh trong cốt lõi của nhân tính. Một bản thể con người phải chăng là sự tồn tại song song của thiện và ác, của tốt và xấu, của đê tiện hèn hạ và của cao thượng thiện lương, của sự công minh trong sáng và của những mưu đồ đen tối giống như lão Tấn gian manh và ông Tạ cương trực, hay chỉ trong mình Quả đã tồn tại hai bản thể đối lập. Nhưng cho dù là tách biệt hay là một thể thống nhất thì chúng ta vẫn luôn có quyền được lựa chọn. Sự lựa chọn ấy tạo nên con người mỗi chúng ta.