Để điện ảnh thật sự cất cánh

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, điện ảnh Việt Nam tuy đến nay đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng phải thừa nhận rằng, kết quả ấy chưa tương xứng với tiềm năng to lớn. Một trong những nội dung được bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội thứ hai, khóa XV vừa khai mạc, chính là dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. 

Cảnh trong phim “Hai Phượng” (một trong những phim Việt Nam có mặt trên Netflix).
Cảnh trong phim “Hai Phượng” (một trong những phim Việt Nam có mặt trên Netflix).

Hạn chế và rào cản

Việc thực hiện Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi năm 2009 đã cho thấy những hạn chế so thời cuộc. Dự án Luật Điện ảnh đang được xây dựng lại để phù hợp thực tế với mong muốn sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5/2022.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, trong các quy định hiện tại để phát triển doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ điện ảnh có nhiều thủ tục hành chính nên bỏ. Như Điều 14 liên quan đến cung cấp các dịch vụ phim nước ngoài, hiện tại yêu cầu dịch vụ này có cấp phép, với các quy định khá chặt, như: Doanh nghiệp tham gia một khâu phải có kịch bản bằng tiếng Việt. Ông Đồng cho rằng điều này không cần thiết lắm. “Thí dụ, chúng ta xem VOD (Truyền hình trực tuyến theo yêu cầu), Netflix nhiều, doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm phụ đề, làm hình ảnh, visual art. Nếu bắt doanh nghiệp phải có kịch bản bằng tiếng Việt, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ, phải xin phép. Điều này không có ý nghĩa ở chỗ nếu chỉ làm một khâu, còn phim hoàn chỉnh muốn chiếu ở thị trường Việt Nam thì phải phân loại phim và ký xét duyệt từ khi phát hành. Vậy, doanh nghiệp lúc đầu có cần nộp kịch bản hay không? Những quy định như ở Điều 14, khi trao đổi thảo luận với doanh nghiệp họ đã phản ứng rất nhiều”, ông Đồng cho biết, theo đó, nộp hồ sơ sẽ khiến doanh nghiệp phải chờ đợi, bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Khoản 3, Điều 22, yêu cầu tỷ lệ bắt buộc phim Việt trên nền tảng. Nếu các nền tảng Netflix không đủ phim Việt thì phải xử lý như thế nào? Thực tế, các doanh nghiệp rất muốn tỷ lệ, nội dung phim nhiều hơn, song nếu bắt buộc tỷ lệ phải là bao nhiêu lại rất khó cho doanh nghiệp. Còn theo bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment, như việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp điện ảnh. Thật ra có nhiều đoàn làm phim Hollywood liên lạc với trong nước thay vì quay phim ở Thái-lan, Campuchia. Nhưng chờ giấy phép, thủ tục có khi kéo dài hơn một năm, nên họ lại quay ở Thái-lan, ở Campuchia. 

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, thực tế ở ta chưa có cơ chế bảo hộ cho các nhà làm phim, chưa thật sự có một quỹ quốc gia cho điện ảnh. Các nhà làm phim phải kiếm từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ hoặc các liên hoan phim trên thế giới.

Được biết, Việt Nam cũng có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, đã được “khai sinh” từ năm 2006 trong Luật Điện ảnh. Nhưng sau 15 năm, quỹ này vẫn chưa đi vào thực tế bởi không tìm được nguồn “sữa” nuôi. Trong dự thảo Luật sửa đổi có nói về việc các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh phải đóng góp vào quỹ với mức bắt buộc. Nhưng có ý kiến cho rằng, đây là quy định làm khó cho doanh nghiệp. Về vấn đề này, ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Ủy ban cũng băn khoăn hiện quy định trong dự thảo Luật chưa giải quyết vấn đề vượt qua được các quy định pháp luật, như về Luật Ngân sách nhà nước; chưa vượt qua được một số điểm như hiện nay một số nhiệm vụ chi, nhiệm vụ thu cho Quỹ trong dự thảo Luật có thể trùng với nhiệm vụ chi, nhiệm vụ thu của ngân sách nhà nước. Rồi nguồn để hình thành quỹ khả năng độc lập chưa cao, tính ổn định chưa rõ.

Luật cần bám sát định hướng phát triển 

Tại Tọa đàm “Luật Điện ảnh (sửa đổi) với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam” mới đây, ông Fraser Thompson - Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn AlphaBeta (Singapore) chia sẻ vấn đề xây dựng hệ thống bắt nguồn từ ngay trong ngành điện ảnh. Chẳng hạn, ASEAN có xây dựng bộ quy tắc về các sản phẩm VOD, bản thân ngành cũng tự xây dựng bộ quy tắc như vậy để góp ý với đơn vị quản lý nhà nước. Việc xây dựng quy định phải linh hoạt và phù hợp, chẳng hạn như quy định quản lý phát thanh truyền thống có thể không phù hợp với VOD.

Ông Thompson cho biết thí dụ từ Singapore. Nước này đã bỏ khâu kiểm duyệt phim, chuyển sang phân loại phim, cho cơ chế tự phân loại với sản phẩm VOD, để nhà sản xuất tự phân loại cho sản phẩm của mình, như vậy cũng giảm thiểu gánh nặng của cơ quan quản lý nhà nước và ngành càng có nhiều sản phẩm ra đời. Ông Thompson nhấn mạnh: Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất điện ảnh, tham khảo thông lệ quốc tế và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tiền kiểm rất vất vả, khi nội dung phong phú như thế, nên tiền kiểm không bằng hậu kiểm. 

Theo ông Phan Viết Lượng, khi xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, yêu cầu chung là phải bám sát bốn định hướng lớn. Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý phát triển điện ảnh theo hướng vừa là nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; phát triển trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác. Thứ hai, bảo đảm tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân. Thứ ba, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số để phát triển công nghiệp điện ảnh. Thứ tư, Luật phù hợp điều kiện Việt Nam và xu hướng thế giới; đồng bộ về pháp luật, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống; chính sách đưa ra phải đánh giá kỹ lưỡng, gắn với nguồn lực thực hiện...

Mong muốn chung của đông đảo giới nghề, các nhà làm phim, là qua đợt góp ý tại kỳ họp Quốc hội, cũng như từ các cuộc tọa đàm, lấy ý kiến rộng rãi, cơ quan soạn thảo sẽ huy động được nhiều thông tin để chỉnh sửa, bổ sung những nội dung quan trọng vào dự thảo Luật. Tiến tới việc ban hành, đưa Luật Điện ảnh sửa đổi vào cuộc sống, thúc đẩy việc phát triển nền điện ảnh xứng đáng với tiềm năng, kỳ vọng.