Viết trong vùng dịch:

Chuyện kể từ tâm

Tôi, một người đã ở trong tâm dịch, nghĩa là bị phong tỏa, cách ly khi nơi ở có ca F0, F1, có dịp trải nghiệm lựa chọn sống chung, thỏa hiệp hay cương quyết chống lại nhằm đẩy lùi nó. 

Tình nguyện viên sửa phương tiện giúp người dân về quê.
Tình nguyện viên sửa phương tiện giúp người dân về quê.

1/Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hằng ngày chúng ta đều nhận được thông tin về số ca nhiễm, số người tử vong. Điều ấy khiến nhiều người rơi vào khủng hoảng, lo sợ và cảm thấy cuộc sống của mình phía trước nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui, nhiều bất trắc hơn là an toàn. Chuyện mỗi sáng thức dậy, bỗng thấy con đường trước nhà, con hẻm quanh phố mình đang ở bị giăng dây, phong tỏa dường như không còn lạ nữa.

Những ngày đầu khi trên địa bàn có ca nghi nhiễm, ngành y tế test nhanh, sàng lọc, truy vết, phải nói là một bầu không khí của sự bất an, lo lắng bao trùm. Người ở ngoài khu phong tỏa hỏi thăm, động viên, nghe ngóng. Người trong khu cách ly buồn bã, sợ hãi, có người còn khóc lóc muốn vượt rào trốn chạy. Nhưng rồi, được động viên, chăm sóc tận tình thì mọi người cảm thấy an tâm phần nào. Từ đấy họ rèn luyện thể dục, uống thuốc và tuân thủ 5K nghiêm ngặt. Bởi khi nhìn nhiều lực lượng do yêu cầu của công việc vẫn phải “ra khỏi nhà” mỗi ngày, xa vợ con, gia đình mà trực chốt, lo từng tí cho người dưng để thực hiện nhiệm vụ của mình thì ai nấy càng cảm động lẫn khâm phục.

Và dù có những công việc tuy không trực tiếp tiếp xúc với các ca bệnh như y, bác sĩ  nhưng nhiều trường hợp cũng có nguy cơ lây nhiễm  rất cao. Vì thế vấn đề môi trường ở trong khu cách ly cũng được chú trọng. Lượng người nghi nhiễm, phải cách ly đông dẫn đến rác thải gia tăng. Ý thức của những người đang cách ly đã giúp giảm thiểu việc lây lan dịch bệnh. Ở trong vùng dịch, tôi nhận ra rằng, cần chuẩn bị tâm lý thật tốt nếu xảy ra sự cố và tích cực hợp tác.

Chuyện kể từ tâm -0
 Trao quà hỗ trợ tại một chốt ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi).

2/Sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường đã đem lại nhiều cảm xúc về tình người ngay trong đại dịch. Đâu đó, nhiều tổ chức từ thiện, nhiều cá nhân đã sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” bằng những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho các khu cách ly. Tôi không bao giờ quên những hộp cơm còn ấm, những túi canh thơm nóng, đậm tình người. Để có được hộp cơm thơm dẻo ấy, nhiều người đã xây dựng một bếp ăn tập thể, huy động nhân lực, mỗi người mỗi việc để mang đến cho đồng bào cách ly.

Từ ngày dịch bệnh bùng phát và hoành hành, các kênh thông tin đại chúng luôn đề cập đến những hình ảnh thương tâm của con người, trường hợp tử vong là không tránh khỏi. Nhưng mỗi lần đọc, xem những hình ảnh con người đối xử, yêu thương với nhau, chúng ta không ai không nghẹn lòng, thương xót, muốn làm một cái gì đó để chia bớt những gian khổ, nhọc nhằn. Ấy là tình cảm, là bản chất thiện vốn có trong mỗi con người bản năng trỗi dậy. Bản thân tôi, mặc dù thời gian cách ly chỉ 14 ngày và  tham gia vào đội tình nguyện viên hỗ trợ trong khu vực cách ly chưa được một tuần. Nhưng trong những ngày đáng nhớ đó, tôi cảm nhận được một điều rằng giữa con người với nhau, nhất là trong hoạn nạn, có một tình yêu lớn lao.

3/Trở về từ tâm dịch, ngành giáo dục chỉ đạo học trực tuyến để phòng tránh tốt nhất khả năng lây nhiễm vì rải rác đâu đó, thỉnh thoảng vẫn có ca mới ngoài cộng đồng. Có khó khăn khi dạy học online tại nhà, nhưng bản thân mỗi giáo viên như chúng tôi vẫn luôn khắc phục. Có người lần đầu tiếp xúc công nghệ thông tin, thao tác còn vụng về, chậm chạp. Việc tìm sự cân bằng, hiệu quả trong giảng dạy còn nhiều bất cập và có thể trở nên phức tạp hơn. Nhưng đến nay mọi việc đã đi vào nền nếp, ổn định và hiệu quả.

Nhận thức và thừa nhận sự phức tạp của dịch bệnh là điều then chốt để tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giữa lạc quan và ý nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, sự nhất quán và giữ cam kết với bản thân là chìa khóa để duy trì sức khỏe tinh thần trong thời gian đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, hãy tranh thủ  giúp đỡ người khác để có trách nhiệm hơn, cũng là cách giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Với những gì đã được trải nghiệm và chứng kiến, tôi có niềm tin chắc chắn rằng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi để trả lại cuộc sống yên bình như vốn dĩ đã có.

Ở trong vùng dịch, tôi nhận ra rằng, cần chuẩn bị tâm lý thật tốt nếu xảy ra sự cố và hãy tích cực hợp tác.

Trong những ngày đáng nhớ đó, tôi cảm nhận được một điều rằng, giữa con người với nhau, nhất là trong hoạn nạn, có một tình yêu lớn lao.