Chế tác đá ảnh hưởng di tích núi Trầm

Núi Trầm và quần thể ba ngôi chùa quanh núi Trầm (xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội) là điểm tham quan không thể bỏ qua tại Hà Nội. 

Tuy nhiên, hoạt động chế tác đá của người dân địa phương lại làm giảm đi vẻ đẹp nơi đây. Mặc dù, người dân sở tại đã có lịch sử lâu năm làm nghề chế tác đá, tuy nhiên, việc sản xuất ngay trong khu vực danh thắng đang ngày càng cho thấy những bất cập.

Quan sát từ chùa Vô Vi, ngôi chùa cổ có niên đại nghìn năm tới chùa Hang, những khối đá đã qua chế tác hay còn thô sơ tràn ngập hai bên đường, gây ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan khu vực. Các tảng đá thô, bức tượng hay những phiến đá ốp mộ đã khắc xong xếp ngổn ngang tùy ý. Bụi bặm từ máy cắt đá bay khắp nơi. Tiếng mài, cắt, đục vang lên liên hồi. Chưa dừng ở đó, nguồn nước thải từ việc chế tác đá không được qua xử lý đổ ra môi trường.

Nhiều người dân cho hay, chính quyền địa phương đã quy hoạch khu vực chế tác đá cho các doanh nghiệp và hộ làm nghề. Tuy nhiên, vẫn còn hoạt động chế tác đá quanh khu di tích vẫn là điều khó lý giải. Nguyên liệu đá chế tác tại đây được vận chuyển đến từ các tỉnh khác. Nhiều năm qua, hiện trạng này vẫn chưa thay đổi dẫn tới bộ mặt khu di tích núi Trầm trở nên bề bộn và ô nhiễm nặng nề. Người dân đã gửi đơn thư tới chính quyền địa phương nhưng các động thái mang tính thực chất vẫn chưa có. Cũng không rõ các cơ sở lấy nguồn điện ở đâu khi thực chất việc chế tác đá tại khu di tích núi Trầm là hoạt động trái phép. 

Khu di tích núi Trầm đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1962 do tầm quan trọng của khu vực trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Đây cũng là nơi Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển về một thời gian sau khi rời Hà Nội. Do vậy, cùng với các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan khác, việc bảo vệ khu di tích danh thắng núi Trầm là vô cùng quan trọng.

Cần di dời các cơ sở chế tác đá ra khỏi khu di tích, bảo đảm cảnh quan xanh sạch đẹp; đặt thêm thùng rác phân loại để du khách không vứt rác bừa bãi. Khu di tích cũng cần được chỉnh trang, dọn dẹp kỹ hơn. Thực tế, quanh khu di tích chưa có bảng thông tin về khu di tích, hay mã QR để du khách tra cứu. Đường dẫn vào khu vực này còn lởm chởm gạch đá, ổ voi, ổ gà.

Khu di tích núi Trầm là viên ngọc quý của văn hóa, du lịch Hà Nội. Nơi đây vẫn còn không gian gần gũi với thiên nhiên, với nét đẹp hoang sơ, yên bình. Việc chấn chỉnh những bất cập hiện nay và khai thác khéo léo sẽ tạo điểm đến xanh, sạch, văn minh cho khách tham quan, góp phần phát triển nền kinh tế địa phương.