Viết trong vùng dịch:

Cần nhất vững niềm tin

Tôi biết, anh đã phải xa vợ con, đã cố gắng rất nhiều trong những tháng ngày chống dịch. Chỗ bạn bầu, nói cảm ơn bác sĩ thì có vẻ khách sáo, thế nhưng tôi xin được ôm hôn bạn già trong một cuộc cụng ly khi quê “sạch bóng” dịch…

Y, bác sĩ điều trị Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Ảnh: NGUYỄN THÀNH LÃM
Y, bác sĩ điều trị Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Ảnh: NGUYỄN THÀNH LÃM

Tụi em còn trẻ, sợ gì…!

Mấy đợt Covid-19 trước, nhiều vùng trong nước bùng phát dịch, Phú Yên tôi vẫn thót tim hồi hộp, rồi cách ly dứt điểm, thoát nạn lây nhiễm cộng đồng. “Đấy, dịch toàn lây phát ở chốn thị thành đông đúc! Mình ở nơi đất thoáng người thưa, hy vọng dịch không tới…”, một bà hàng xóm của tôi nói. Thế nhưng từ ngày 23/6/2021, tôi nhớ rất rõ, đã hơn hai tháng rồi, đại dịch Covid-19 chính thức bùng phát căng thẳng trong cộng đồng nơi “đất thoáng” xứ Nẫu.

Liên tục các thông báo khẩn tìm người từng đến các địa điểm có ca mắc Covid-19. Rồi dây giăng, gác chắn, phong tỏa, giãn cách từng khu vực đến toàn tỉnh. Rồi những đoàn người đang làm ăn, sinh sống, học hành ở các tỉnh, thành phía nam rùng rùng trở lại quê nhà tránh dịch. “Dù sao trong dịch, về giữa quê hương cũng ấm áp nhất. Thiệt cảm động là trong lúc dịch dã gay cấn, tỉnh vẫn tổ chức những đoàn xe đưa người từ Nam về quê. Đó là “chia lửa” với Sài Gòn…”, đứa em họ của tôi nói.

Vợ chồng em họ tôi rời quê đi làm ở Bình Dương đã ba năm. Khó khăn qua nhiều khâu đăng ký, kiểm dịch để lên xe về quê giữa mùa dịch. Khi đến quê, nó phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt đủ 14 ngày, xét nghiệm ba lần âm tính với SARS-CoV-2, rồi mới được gặp gỡ bình thường với gia đình. 

Nó tốt nghiệp dược tá nhưng không xin được việc làm ở quê. Trong lúc, chồng nó làm thợ mộc, công việc không đều, cuộc sống khó khăn. Rồi hai đứa nó quyết định gởi con trai hai tuổi cho ông bà ngoại để vào Thủ Dầu Một làm công nhân. Tổng thu nhập của vợ chồng chỉ tròm trèm 10 triệu đồng/tháng.

Nó nói qua Zalo: “Nào tiền ăn, tiền trọ, gởi về quê nuôi con… thu nhập chẳng đủ thiếu chi cả! Đợt này về quê sinh con xong, chắc vợ chồng em khó trở lại Bình Dương. Ruộng đất thì chỉ đủ cho cha mẹ làm, em phải tìm việc làm khác thôi. Tính là sẽ cố gắng vay mượn để mở một tiệm bán thuốc tây tại nhà. Còn ông xã thì trở lại với nghề mộc. Ngoài ra, vợ chồng sẽ tìm mô hình nông nghiệp để sản xuất, kiếm thêm thu nhập…”.

Thằng chồng tiếp lời: “Vợ chồng suy xét, dịch dã thế này thì chỉ về quê làm ăn là thượng sách. Mình có đi xa mới đối chiếu, học hỏi được nhiều chuyện, sáng thêm đường làm ăn. Mong cho mau qua dịch để cuộc sống trở lại bình thường. Mấy tháng tới, từ đây tới Tết sẽ là giai đoạn quyết định để vợ chồng em “bày cuộc” trở lại làm ăn ở quê nhà. Tụi em còn trẻ, sợ gì…!”.

Thơ của bạn tôi 

Giữa những ngày cam go phòng, chống dịch Covid-19, tôi đọc được nhiều câu thơ, bài thơ xúc động của những người làm nghề y nơi tuyến đầu chống dịch. Một trong những người mà tôi ấn tượng là bác sĩ kiêm “thi sĩ dân gian” Nguyễn Thành Lãm (đang làm việc tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Phú Yên). 

Nhiều người quê tôi đã biết đến bài hát “Ai dìa xứ Nẫu mà nghe” của một nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Thành Lãm. Những dòng thơ chân phương của anh bạn bác sĩ hồn hậu, vui tính đã được nhiều người đồng cảm, nhất là những câu anh viết đăng Facebook ngay tại khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.  

12 giờ 24 phút ngày 8/7, Nguyễn Thành Lãm đưa bài thơ “Giữ niềm tin” trên Facebook của mình với những tự sự trực diện: “Chấp nhận rằng khi phòng hộ mặc vô/Tầm một giờ là giống như hỏa ngục/Thêm vài tiếng đã có người đổ gục/Người khác thay, cố bám bệnh, không rời!”. 

Bác sĩ tiếp tục mô tả: “Nam thở hơi cho ngực mình đỡ nặng/Nữ khóc đi cho lòng mình bớt đắng/Nào đứng lên! Máy thở báo hiệu kìa!”. Rồi anh tự động viên: “Dù quật quần cày sấp mặt sáng khuya/Áo đầm đìa mồ hôi tuôn ướt đẫm/Vẫn niềm tin dẫu đêm dài thăm thẳm/ Sẽ lóe lên tia sáng cuối đường hầm!”. Cuối bài thơ, bác sĩ Lãm mở ngoặc dòng “đã nhiều ca viêm phổi chữa thành công...”.

Ở bài thơ “Đôi lời thời sóng gió”, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm giãi bày trong cuộc chiến điều trị bệnh nhân Covid-19: “Đành chiến đấu dù mình là F1/Khát khốc môi, sốc nhiệt... mệt rã rời.../Đã bao lần toan gục... gượng dậy thôi!/ Khi trong kia có người không thở được”. Và không quên nhắn nhủ người “ngoài kia”: “Xin ngoài kia dừng tiếng bấc tiếng chì/Hiệu quả chi lời rỉ rên than khóc?/Rạng danh chi câu học hằn trách móc?/Xúm một tay mới còn được tiếng đời.../Rằng 5K tuân thủ chúng ta ơi!/Luôn nhớ rằng nơi nào yên nơi đó!/Chỉ sớm thôi là vắc-xin sẽ có/Bệnh sẽ lành, đất Phú lại bình Yên!/Trong lúc này cần nhất vững niềm tin!”.

Chợt mủi lòng khi đọc bài thơ “Xin lỗi Vịt Giời” của Nguyễn Thành Lãm với dòng cảm xúc nhớ thương tự sự cùng con: “Lớn tuổi rồi, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi/Có ai ngờ... ý trời... nên quá cực/Lo chống dịch, quên cả cơn thắt ngực/Phút ngơi tay, mới nghĩ đến Vịt Giời.../Bởi Cô Vi, ba đành phải rời xa/Mơ ở nhà, ba mẹ con sống tốt…”.

Những dòng cảm xúc của bác sĩ Nguyễn Thành Lãm đã nhận được nhiều chia sẻ xúc động của bạn bè, người đọc. Trong đó có dòng cảm nghĩ: “Mỗi ngày thấy số bệnh nhân được xuất viện tăng lên, biết ơn anh và các cán bộ y tế trong công tác điều trị Covid-19!”.

Tôi biết, anh đã phải xa vợ con, đã cố gắng rất nhiều trong những tháng ngày chống dịch. Chỗ bạn bầu, nói cảm ơn bác sĩ thì có vẻ khách sáo, thế nhưng tôi xin được ôm hôn bạn già trong một cuộc cụng ly khi quê “sạch bóng” dịch…