Cần mở đường cho nhiếp ảnh đương đại

Giới thực hành nhiếp ảnh trẻ tại Việt Nam đang biết đến cái tên Matca (hay Mắt cá) - một không gian nghệ thuật thị giác chuyên sâu về nhiếp ảnh tại Hà Nội. Thời Nay có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Hà Đào, một trong những điều phối viên của địa chỉ văn hóa vừa tròn 5 năm tuổi này.

Một sự kiện nhiếp ảnh do Matca tổ chức.
Một sự kiện nhiếp ảnh do Matca tổ chức.
Cần mở đường cho nhiếp ảnh đương đại -0

Phóng viên (PV): Matca hoạt động như thế nào?

Hà Đào (HĐ): Chúng tôi hoạt động trên nhiều nền tảng bao gồm tạp chí trực tuyến, không gian thực hữu và ấn phẩm in. Hầu hết đều tự học từ đầu trong việc tạo lập không gian này, từ việc viết như thế nào, in ấn ra sao…, từ trên mạng và cả việc cứ làm thử và sai, thấy không ổn thì làm lại. 

Matca không chỉ là nơi trưng bày, chúng tôi tổ chức khá nhiều hoạt động khác như làm chuỗi sự kiện đi kèm triển lãm ảnh báo chí thế giới (World press 2020), hay những work shop ngắn ngày về nhiếp ảnh, trò chuyện với nghệ sĩ… Tại không gian thực hữu 48 Ngọc Hà, có quán cà-phê tại tầng 1, bởi chúng tôi muốn xây dựng nơi đây thành một tổ hợp dễ tiếp cận. Nơi mọi người có thể giao lưu và chia sẻ các dự án, tác phẩm của mình ở các giai đoạn: đã hoàn thiện, đang thực hiện hoặc mới ở dạng ý tưởng. Và bất kỳ ai cũng có thể đến mà không bị cảm giác ngại ngần như khi vào một nơi chuyên biệt để trưng bày tác phẩm.

Mỗi người chúng tôi đều phải có công việc riêng liên quan đến ảnh để sống và nuôi dưỡng đam mê của mình ở Matca. Mọi người cố gắng để bản thân không bị áp lực về tài chính, để được làm một công việc mà mình yêu thích, để có một khoảng không gian cho sáng tạo. Nguồn thu hiện tại của Matca không khác gì những không gian nghệ thuật độc lập khác như thu từ chính tác phẩm của mình từ việc bán sách, triển lãm... nhưng thật sự là không đáng bao nhiêu cả. Ngoài ra, một phần là từ các quỹ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

PV: Ngày càng nhiều người, nhất là các nhiếp ảnh gia trẻ đến với Matca! Điều gì thu hút họ?

HĐ: Matca bắt đầu từ một website song ngữ, với mong muốn khá chân phương là trong vòng bạn bè của mình có rất nhiều người thực hiện các dự án cá nhân. Chúng tôi xây dựng trang này như một cách để giới thiệu một phần tác phẩm của họ, đưa ra những góc nhìn từ khía cạnh nhiếp ảnh gia. Chúng tôi coi nhiếp ảnh gia ở đây như một tác giả, người có tư tưởng và mối quan tâm riêng biệt. Và Matca sẽ khai thác những thông tin liên quan đến việc thực hành nhiếp ảnh, quá trình hình thành tác phẩm. Quá trình đó với chúng tôi rất quan trọng, bởi trong đó là động cơ, mục tiêu của tác giả. 

PV: Được biết, Matca đã xuất bản nhiều cuốn sách ảnh. Qua quá trình làm việc, bạn thấy việc thực hành nhiếp ảnh của những người trẻ tại Việt Nam như thế nào?

HĐ: Chúng tôi luôn tìm kiếm những người đồng hành với mình, tôi cũng không nghĩ là ít. Nhưng vấn đề mà họ gặp phải cũng chính là lý do chúng tôi muốn làm những cuốn sách ảnh này bởi trong này có những tác phẩm mà chúng tôi biết rằng, nếu chúng tôi không “động đến”, không mời họ thì nó sẽ mãi nằm trong ổ cứng của máy tính hay mãi chỉ là một album trên facebook thôi… 

Theo tôi nghĩ đây chính là trở lực rất lớn đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh. Có những người chụp rất hay, họ lăn xả và bỏ thời gian tìm tòi khi chưa có những áp lực trong cuộc sống. Nhưng đến một thời điểm có những gánh nặng gia đình, việc sáng tác của họ bị chững lại. 

Công chúng ngày càng đòi hỏi cao hơn về các tác phẩm nhiếp ảnh. Như những khám phá mới về kỹ thuật thể hiện, nội dung sâu sắc hàm chứa sau bức ảnh… Đòi hỏi những người thực hành nhiếp ảnh cần đổi mới tư duy. Tại các nước có nền nhiếp ảnh phát triển, việc thực hành hay đối thoại nhiếp ảnh như thế này đã có từ rất lâu, bây giờ họ đã “bàn” về hậu nhiếp ảnh rồi, như trí tuệ nhân tạo trong việc tạo ra những bức hình như thế nào…

PV: Hình như cũng không nhiều địa chỉ như Matca tại Việt Nam?

HĐ: Mô hình không gian nghệ thuật thị giác chuyên sâu về nhiếp ảnh thì ở Việt Nam hiện có Matca ở miền bắc và ở miền nam có Noirfoto, một trung tâm chuyên làm ảnh phòng tối, in ảnh thủ công và tổ chức sự kiện về nhiếp ảnh của nhiếp ảnh gia Tuấn Ngọc. Mấy năm gần đây, bắt đầu nhìn thấy sự rơi rụng của các không gian vật lý, như Hanoi DOCLAB, nơi tôi học và thực hiện bộ ảnh đầu tiên của mình và còn những không gian khác tại hai miền. Chúng tôi không hề muốn Matca là địa chỉ nhiếp ảnh duy nhất, chỉ mong sẽ xuất hiện thêm nhiều không gian như chúng tôi, tạo thành một hệ sinh thái cho việc thực hành nhiếp ảnh tại Việt Nam. 

PV: Điều mà các bạn đang trăn trở?

HĐ: Các nước phát triển thường có những quỹ công cộng và ai cũng có thể tiếp cận được, như tôi biết tại Thụy Sĩ, nhà nước có một nguồn hỗ trợ khá tốt dành cho việc xuất bản sách ảnh, họ quan tâm đến việc tài trợ cho việc sáng tác từ những bước đầu tiên của các nghệ sĩ. Ngay cạnh chúng ta, nhìn sang các nước trong khu vực như Thailand, Philippines, Indonesia thậm chí là Myanmar, tôi cảm thấy hơi chạnh lòng. Ở đó, những không gian nghệ thuật độc lập được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Các nước đó còn có những cộng đồng nghệ thuật thị giác, nhiếp ảnh, viết và thiết kế cộng tác chặt chẽ với nhau, đó là điều tôi mong muốn thấy ở bối cảnh địa phương. 

PV: Xin cảm ơn bạn!