Bảo tồn và phát triển trực tuyến

Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ hai - “Sách cho mọi nhà” (17-4 đến 15-5, do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức, mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8) đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt truy cập sau nửa cuối tháng 4. Theo thông báo từ Hội sách, có hơn 1 vạn tựa sách được trợ giá 50 - 90% thu hút bạn đọc mua trực tuyến.

Trong lần thứ hai này, hội sách thu hút 74 đơn vị xuất bản - phát hành sách tham gia. Trong đó có tới 86 gian hàng trực tuyến giới thiệu sách in, e-book và giao dịch bản quyền. Đây là dịp để các đơn vị xuất bản thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường tới các khu vực hiếm sách.

Một sự kiện rất đáng chú ý về bảo tồn di sản, cũng nêu cao vấn đề công nghệ “chuyển đổi số”. Đó là hội thảo - tọa đàm cuối tháng 4 vừa qua về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê với sự có mặt của các chuyên gia là thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Hội Khảo cổ học Việt Nam... Hội thảo do UBND tỉnh An Giang tổ chức với mục đích xây dựng hồ sơ khoa học, hướng tới đề cử danh hiệu Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Đáng chú ý là theo ý kiến của PGS, TS Tống Trung Tín (Hội Khảo cổ học Việt Nam), khu di tích là gạch nối không gian văn hóa sơ sử giữa các nền văn minh lớn trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, khi gửi hồ sơ, nên để di sản Óc Eo - Ba Thê ở loại hình “Di sản cảnh quan văn hóa”. 

Liên quan đến vấn đề bảo tồn, tại TP Hồ Chí Minh, để bảo tồn và phát triển những di sản trăm năm, UBND thành phố vừa quyết định đưa thêm 35 biệt thự cũ vào diện quản lý, bảo tồn, nâng tổng số biệt thự trên địa bàn trung tâm thành phố (chủ yếu là quận 1 và quận 3) lên hơn 200 căn thuộc diện bảo tồn, quản lý. Theo các nhà nghiên cứu, thì khu vực biệt thự cần bảo tồn nhất là ở quận 3, nơi được ví như khu “di sản Sài Gòn - Gia Định xưa” bao gồm vườn ông Thượng, chợ Đũi và các khu biệt thự xây dựng trước năm 1955. Các biệt thự cũ tồn tại nơi đây, không chỉ có giá trị về cảnh quan kiến trúc, mà còn gắn với các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử đặc biệt. 

Hướng tới phát triển giá trị di sản là vậy. Còn tương lai giới trẻ thì sao? Một sự kiện vừa diễn ra của giới trẻ, cũng nhờ đến thao tác “giao lưu chuyển đổi số” để chuyển đến người quan tâm từ 30-4 đến 16-5, là triển lãm hơn 30 tác phẩm tranh lụa - “Chuyển dịch mong manh” tại Manzi Art Space (số 2 Hàng Bún, Ba Đình). Đây là triển lãm của các sinh viên chuyên ngành lụa - Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, lần đầu tiên được trưng bày bên ngoài khi cả nhóm đều chưa tốt nghiệp. Sự kiện được Viện Goethe tại Hà Nội hỗ trợ.