Viết trong vùng dịch:

Bám sát tình hình dịch bệnh để sáng tác

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vừa trao giải Cuộc thi các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19. Hàng trăm văn nghệ sĩ trên toàn quốc với kịch nói, kịch truyền thanh, kịch rối, kịch dân ca, chèo, quan họ, cải lương, bài chòi… đã lan tỏa online thời gian qua, mang đến những câu chuyện gần gũi, xúc động trong mùa dịch. Qua đó, góp phần khắc họa hình ảnh lực lượng y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên... chống “giặc” Covid và gửi gắm những thông điệp nhân văn. Một số nghệ sĩ được giải chia sẻ với Thời Nay.

Cảnh trong vở cải lương “Ai ở đâu thì ở đó” giải A (Tác giả Trần Ngọc Ngân - Đạo diễn Nguyễn Quốc Tín).
Cảnh trong vở cải lương “Ai ở đâu thì ở đó” giải A (Tác giả Trần Ngọc Ngân - Đạo diễn Nguyễn Quốc Tín).
Bám sát tình hình dịch bệnh để sáng tác -0
 

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tín (Giải Đạo diễn xuất sắc): 

“Vượt khó để lan tỏa trực tuyến”

Giải Đạo diễn xuất sắc là niềm vinh dự, tự hào của cá nhân tôi cũng như tập thể Đoàn Cải lương Hương Tràm. Tình hình dịch Covid-19 ở tỉnh Cà Mau nơi tôi sinh sống có những thời điểm diễn biến rất phức tạp. Anh em nghệ sĩ đoàn chúng tôi luôn coi mình là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Vì vậy, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ chính của chúng tôi. 

Cho nên, hằng ngày, chúng tôi đã cập nhật thông tin, diễn biến của dịch bệnh để kịp thời xây dựng những chương trình, những chặp cải lương, những ca khúc mang tính thời sự, đáp ứng được nhu cầu trong việc phòng, chống dịch. 

Trước đây, chúng tôi thường biểu diễn trực tiếp phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Nhưng nay, do tình hình dịch bệnh nên phải chuyển hóa từ biểu diễn trực tiếp sang trực tuyến. Biểu diễn trực tuyến đòi hỏi cao về quay phim, dựng hình. Do vậy, bước đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong khâu kỹ thuật và các trang thiết bị chuyên dùng. 

Thực ra, ban đầu, chúng tôi làm chương trình mang tính “chữa cháy”. Không ngờ rằng, từ buổi livestream đầu tiên đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt, có sự phản hồi rất trân trọng. Từ đó, khuyến khích anh em chúng tôi tiếp tục cố gắng. Dần dần, qua học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, chúng tôi đã nỗ lực làm tốt hơn từng ngày. Trong những tháng tới, chúng tôi vẫn sẽ làm các chương trình nghệ thuật livestream trên mạng xã hội để phục vụ người dân.

Bám sát tình hình dịch bệnh để sáng tác -0
 

Nhà thơ, soạn giả Nguyễn Trung Nguyên (Giải A sáng tác): 

“Dung hòa thơ và vọng cổ”

Hai bài vọng cổ đoạt giải A lần này nằm trong loạt 30 bài vọng cổ đề tài Covid-19 tôi viết trong thời gian giãn cách. Có thể xem như bản thân tôi đã có chút đóng góp nhỏ cho công cuộc phòng, chống dịch. Là người làm thơ chuyển sang viết vọng cổ, tôi gặp nhiều thuận lợi. Vì xét cho cùng, bốn câu “nói lối” ở phần vô đầu hay giữa bài vọng cổ cũng chính là thơ. Chỉ cần dụng công chắt lọc ý tứ, ngôn ngữ thì bài ca sẽ mềm mại, dễ đi sâu vào lòng người. Với tôi, khi viết vọng cổ là mình đang chuyển thơ sang bài ca, thông điệp mà mình muốn chuyển tải sẽ đến với mọi người qua lời ca tiếng hát của bài vọng cổ, món ăn tinh thần vốn gắn bó lâu đời con người Nam Bộ. 

Có những đề tài viết thơ được nhưng không viết vọng cổ được và ngược lại. Bài vọng cổ ai cũng có thể viết được nhưng để có một bài vọng cổ hay lại khác. Tôi may mắn dung hòa được giữa thơ và bài vọng cổ nên bước đầu có chút thành công. Mặt khác, phòng, chống Covid-19 là một đề tài rất khó, đậm tính tuyên truyền. Làm sao để bài ca không đi vào lối mòn hô hào khẩu hiệu suông là vấn đề đau đầu của tất cả những người sáng tác. 

Như đã nói ở trên là một người từng làm thơ nên tôi chú ý đến nỗi đau của thân phận con người trong dịch bệnh mà khai thác. Như bài “Bó hoa trên hàng rào cách ly” hay “Dòng tin nhắn đến hư vô” là hai tác phẩm đoạt giải A lần này, người nghe sẽ thấy sự tàn khốc của dịch bệnh, sẽ cảm được nỗi đau mất mát vừa qua, để tự mình gìn giữ, đề phòng dù trong bài không hề có cụm từ Covid-19 hay thông điệp 5K.

Bám sát tình hình dịch bệnh để sáng tác -0
 

Tác giả trẻ Trần Hoàng Phúc (Giải A sáng tác): 

“Sáng tác từ chuyện có thật”

Đề tài về đại dịch Covid-19, nếu khai thác không khéo sẽ dễ bị khô cứng, sáo rỗng hoặc theo một lối mòn. Nhưng rồi qua một thời gian dài quan sát, nhìn các cô chú anh chị soạn giả sáng tác, đặc biệt là một loạt các chương trình nghệ thuật trực tuyến của Đoàn Cải lương Hương Tràm với những chặp cải lương, bài vọng cổ đa phần đều được nhiều sự quan tâm của khán giả, càng thôi thúc bản thân tôi phải viết để thể hiện một phần trách nhiệm của mình với tư cách là một tác giả trẻ. 

Vì vậy, đầu tháng 8 năm nay, tôi mới bắt đầu khai thác và viết những bài vọng cổ về đề tài này. Ở đó có những câu chuyện có thật về tấm gương thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường như bài “Cánh sen dâng đời”, hình ảnh bàn thờ tang nơi tuyến đầu chống dịch của các chiến sĩ như “Lá chắn mồ côi”. Hay chuyện nhiều đám cưới đành phải xếp lại vì dịch bệnh kéo dài như “Thiệp hồng hẹn đến mùa xa”... 

Bài vọng cổ “Cánh sen dâng đời” (nghệ sĩ Hằng Ni thể hiện) dựa trên câu chuyện có thật về anh Cường Béo, được ra đời ngay sau khi Phúc nhận được thông tin anh đã qua đời vì nhiễm Covid-19 khi đang miệt mài lo những bếp ăn từ thiện tại các khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện... Phúc mong muốn bày tỏ sự đồng cảm, ngưỡng mộ, góp thêm lời tri ân đối với anh Cường và hơn hết cũng là lời cảm ơn đối với những tình nguyện viên có nhiều đóng góp nơi tuyến đầu.