Yêu thương nhiều hơn

Trưa nay, từ văn phòng đi bộ ra quán cơm đầu đường, tôi bắt gặp cô gái trẻ đang ẵm theo một đứa bé sơ sinh. 

Hai người ấy ngồi ở lề đường và không khó để nhận ra, đấy là một người bán vé số điển hình. Tiến lại gần, tôi có phần ngạc nhiên khi thấy một già, một trẻ ấy đều trắng trẻo dễ thương, trông lương thiện sạch sẽ. Cô gái hơi xanh xao, nhìn như chỉ trạc hai mươi là cùng. Tôi tò mò hỏi, là con hay em vậy? Cô gái hai mươi lăm, còn đứa bé mười bốn tháng. Cả hai đều trông trẻ hơn tuổi. Gió bụi dường như không ảnh hưởng tới vẻ ngoài của hai mẹ con, bởi họ thoáng qua giống như đang nhàn nhã cùng nhau đi dạo vậy. Ăn nói cũng nhẹ nhàng dễ chịu. Tôi mua ủng hộ cô gái nhỏ vài tờ vé số, sẵn buông một thắc mắc: Sao lại sanh sớm cho khổ vậy em? Để rồi hối hận lúc nghe câu trả lời: Đây là đứa thứ ba rồi chị…

Tôi chẳng biết ai bất ngờ hơn nữa. Cô gái đang lừng khừng với tờ tiền tôi đưa tặng đứa bé? Hay người đàn bà cả nghĩ vừa đi, vừa ngoái lại, thương cảm, xót xa, đan xen với nuối tiếc điều gì không rõ? Tại sao một cô gái trẻ có phần xinh xắn, lại phải lang thang với một đứa nhóc trên tay, qua những ngõ ngách thành phố, bán từng tờ may rủi cho người đời? Tại sao cô lại đẻ nhiều tới vậy, để rồi đối mặt với nuôi dạy con, với trầm cảm sau sinh, với tã sữa và áp lực kiếm sống nặng nề? 

Chẳng ai trả lời cho tôi, ngoài nỗi hỗn độn ám ảnh đuổi theo từng bước chân rời khỏi góc đường ấy. Hai mẹ con nhà nọ để xuống đất một hai cái túi lớn nhỏ, ngồi xuống dưới bóng cây hiếm hoi của buổi chớm hạ oi nồng. Khúc ấy, dòng xe cộ quẹo phải để ra đường lớn một chiều, mấy ai dám dừng lại chỉ để mua dăm tờ vé số? Dẫu tôi tin rằng, sẽ không hẳn toàn là cái nhìn dửng dưng lướt qua, vô cảm.

Trời trưa bỗng đổ một cơn mưa rào. Liệu trong mớ lùng nhùng mang theo của hai mẹ con nhà nọ, có gì để che chắn tạm hay không?

Tôi bỗng nhiên nhớ tới các chị em đồng nghiệp của mình. Nhiều người còn chẳng biết dò xổ số ra sao nữa kìa. Nhưng họ, cũng như rất đông phụ nữ khác, luôn sẵn lòng mở ví ra mua ít tờ vé số, chỉ bởi muốn giúp người bán. Là người già vẫn lụm cụm mưu sinh. Là trẻ con rất nhỏ, nhìn chạnh nhớ ngay tới con mình. Là người tàn tật, ngồi xe lăn, cuộc sống hẳn là khó khăn lắm. Là cảnh mẹ bồng con vất vả. Là bao nhiêu mảnh đời trôi nổi, không biết làm gì hơn, nhưng càng không muốn mình trở thành gánh nặng vô dụng cho người thân…

Không bằng cấp nghề nghiệp, chẳng vốn liếng, nhiều người bám vào cứu cánh “vé số” để đong gạo qua ngày. Vẫn biết đây đó cũng phát sinh tệ nạn, cũng có sự lợi dụng lòng tốt của thiên hạ, nhưng hiếm lắm. Đa phần người bán vé số đều nghèo thật, đều khó tìm được cho bản thân một cách khác khả dĩ hơn để kiếm tiền. Chấp nhận sự lạnh nhạt, thậm chí là xua đuổi, đối diện với rủi ro của phố xá xô bồ…

Từng có một lần, trong đợt đi công tác ở tỉnh, tôi gặp một chị bán vé số chẳng có tay nào. Với đôi tay đều đã cụt tới khuỷu, chị đeo vào đấy cái giỏ bàng nho nhỏ, bên kia là xấp vé số được khách hàng tự mình lựa chọn. Bỏ tiền vào túi. Tự lấy tiền thừa. Anh tài xế đi cùng bảo, chị này quen mặt ở đây, chuyến nào cũng thấy. Chị rất tự trọng, không chịu nhận tiền dư người ta gởi tặng, càng không bao giờ chèo kéo nằn nì. Chị bảo, chăm chỉ bán thì cũng đủ ăn rồi. Anh tài xế kể thêm, với thái độ có chút gì như nể phục…

Đôi khi, chỉ loanh quanh tờ vé số, mà người ta bỗng biết yêu thương nhiều hơn.