Ước về nhà vườn Huế

Đợt vừa rồi, tiết thu oi ả của Hà Nội trong giãn cách, thành phố như đi vắng hết cả, nhà nào cũng cửa đóng then cài, có ai đó sống ở trong những căn phòng bê-tông chật chội, không gian eo hẹp, không có điều hòa, muốn được lên núi cao đã là ước mơ xa vời.

Ước về nhà vườn Huế

Ở Huế, nhà văn Hà Khánh Linh cho hay, có ngày hàn thử biểu vẫn 400C, nhà chị không dùng điều hòa, cũng không dùng quạt, chỉ ngồi thiền để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nghe giọng Huế trầm ấm chậm rãi của chị lại ao ước ghé thăm Đại nội, lại muốn theo chân đội lính đổi gác đang thổi kèn và đánh chiêng, chạy theo xem như trẻ thơ; rồi ngồi bệt ở thềm nghe nhã nhạc cung đình Huế trước hoàng cung, một chiều nào đó không còn dịch dã. Ước không phải đeo khẩu trang, rồi thanh thản nhẹ bước về phía sông Hương.

Trước mặt, sông Hương với không gian tĩnh tại mà không chỉ khách quốc tế hay lui tới. Một bờ của dòng sông Hương là những nhà vườn, có ngôi nhà rất cổ, cây cối được chăm sóc kỹ lưỡng. Nhà vườn có cả ao thu, hoa và cây kiểng lâu năm. Ai đến nhà vườn cũng muốn nán lại lâu hơn để nghĩ về một không gian sống của người ở Huế. Trong không gian nhà vườn, dưới bóng cây, chợt nhớ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá/Tôi gục đầu trên bóng tôi”. Đấy là câu thơ hỏi cây mà nghiêng về nỗi đau của cây, sự chia sẻ đơn độc với cây và bóng người, khi đến với hoa đẹp của nhà vườn lại thảng day dứt khác: “Hoa tàn một mình mà em không hay?”.

Hay như: “người đi đá núi cũng mòn/tình đi biền biệt không còn dấu chân”. Níu giữ Huế không chỉ có thơ ngây như cõi lặng của Nguyễn Khoa Điềm: “Dẫu bị chặn hết mỏi nẻo về/Anh vẫn hy vọng vào lòng tốt/ - Lòng tốt của anh lòng tốt mọi người/- Để đứng cao hơn cái chết”.

Đến Huế ngồi hát nhạc Trịnh, một mình, chỉ có những bóng cây nhà vườn An Hiên đứng nghe “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Ở nhà vườn tĩnh mịch, nhìn ra sông Hương, bến thuyền vẫn đầy ắp những con thuyền không trôi, nghe giọng hò Huế, hay dân ca Huế cũng thấy mình cắm cúi đi miết dọc bờ sông Hương; rồi sải bước đi xuống chùa Từ Hiếu, chùa Từ Đàm; nhẩn nha thêm ở ngôi chùa Thiên Mụ, bước chậm ở những thảo am hiu vắng cô liêu. Huế luôn cho ta đi hết cảm xúc cô liêu, đi hết bến thác của đời người. Rồi một ngày đến chùa Ba La Mật thưởng thức xôi vò chè đường để thấm hết vị Huế, hay dùng cơm chay ở chùa Đông Thuyền, để nghĩ ngợi xem mình đã đủ sức ăn chay trường hay tự tu tại gia hay chưa?

Huế khắc nghiệt trong khí hậu, Huế quyền uy trong cung vua phủ chúa và món ăn cung đình, và Huế ám ảnh trong văn chương, không lẫn vào đâu cho được khi làn điệu dân ca, hay ngân rung câu hò Huế trôi trên du thuyền. Ngay cả đến khí hậu nóng lạnh cũng rét đậm hơn, nóng cũng nóng đậm hơn mọi nơi khác. Và hình như cái chất Huế cũng sâu sắc theo cách của Huế, như ám ảnh nhạc Trịnh, như thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thơ của Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Minh, Nguyễn Quang Hà… và rất nhiều nhà thơ ưu tú khác.

Đến Huế, nhớ Huế, mơ Huế trong tĩnh tại, rồi tạm biệt Huế để nhớ câu thơ của Thu Bồn: “Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/Anh trở về hóa đá phía bên kia”. Đó là Thu Bồn đã ở phía bên kia, còn bên này bao người đọc, lữ thứ vẫn mong được yên tĩnh đi chậm bên dòng sông Hương, núi Ngự, nhà vườn xứ Huế.