Quạt mo cau tuổi thơ

“Thằng Bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu/Phú ông xin đổi ao sâu cá mè/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè/Phú ông xin đổi một bè gỗ lim/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim/Phú ông xin đổi con chim đồi mồi/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi/Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười”.

Quạt mo cau tuổi thơ

Vào những ngày hè oi bức bà thường đọc bài ca dao “Thằng Bờm” và phe phẩy chiếc quạt mo cho tôi mát. Trong ký ức của tôi, chiếc quạt mo như một báu vật, giống như chính câu chuyện “Thằng Bờm” mà bà kể.

Chiếc quạt mo tuy đơn giản, nguyên liệu sẵn có nhưng lại vô cùng dẻo dai, bền bỉ. Từ già đến trẻ, ai ai cũng có thể tự làm cho mình một chiếc quạt. Tuy nhiên, để có được một thành phẩm xuất sắc, chắc chắn phải có sự tinh tế, khéo léo và có “nghề”. Bố tôi làm quạt khéo lắm! Đợi tháng tám về, chiếc mo cau sau khi no nắng, thân hình mới mập, căng tròn. Sau khi “chín” thì tự khắc nó rụng từ trên cây cau xuống, chiếc mo cau còn cong vòng như lưng ghe, cứng trơ như đá, có mầu úa vàng như nghệ. Bố chọn những tàu cau khô vừa rụng, bẹ to, trắng nõn, cắt bỏ phần đầu lá, khéo léo tạo hình. Bố chẳng cần phải vẽ lấy khuôn, mà vẫn cắt tròn đẹp. Để phần tay cầm được cứng cáp, bền hơn, bố gấp hai bên vào giữa và khâu lại chắc chắn. Sau cùng, bố ngâm quạt mo vào nước một lúc để quạt mềm ra, rửa sạch và đem ra mặt sân phơi dưới nắng non, ép chặt bằng cối đá để quạt được phẳng phiu. Bố chu đáo làm cho cả nhà mỗi người một cái, cho bà, cho mẹ, cho cả mấy vị cao niên hàng xóm. Ai cũng khen mẹ tôi khéo chọn chồng, kén được người chồng tốt nết, vừa khéo tay, lại chịu thương chịu khó.

Chiếc quạt tuổi thơ này đã đưa tôi lớn lên trong vòng tay ấm áp và lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Những đêm hè mất điện, bà và mẹ lại được phen mất ngủ với anh em chúng tôi. Trước đây, tôi từng nghĩ bà và mẹ phải là cô tiên, có cánh tay khỏe và dẻo dai lắm mới luôn tay quạt mát như vậy. Đôi mắt của bà, của mẹ nhắm nghiền, ấy thế mà tay lại quạt không ngừng nghỉ. Khi mệt quá ngủ thiếp đi, nhưng thấy chúng tôi cựa người, bà và mẹ lại giật mình thức giấc quạt đều tay. Đôi tay gầy guộc ấy chắc chắn rất mỏi. Nhưng chính bởi tình thương yêu con cháu, lo từng miếng ăn giấc ngủ mà bà, mẹ thức cả đêm quạt cho chúng tôi.

Nhớ mo cau lại thấy thương bà nhiều hơn. Hình ảnh rất đỗi quen thuộc với chiếc nón trên đầu và tay cầm chiếc quạt mo, bà đi tìm chúng tôi những trưa hè trốn ngủ. Dẫu đôi lúc bực bội trước cảnh hiếu động của đàn cháu không chịu nghe lời, bà cũng chỉ nhíu mày không vui, chứ chẳng nỡ trách mắng nửa lời. Rồi có những hôm, bà kiên nhẫn vút từng cọng xương cau để làm chổi mà thương. Tôi bảo bà nghỉ ngơi, đừng làm nữa, sau cháu mua chổi ngoài chợ cũng rẻ mà. Bà bảo chổi này bền lắm, ngoài chợ dùng được dăm ba bữa, bà làm được thì mua làm gì cho tốn.

Mới đó thôi, đã mười mấy năm trôi qua, cảnh nghèo khó nay đã không còn nữa. Bà đan dệt cho tôi một tuổi thơ đầy mộng ảo của người nghèo. Tiếng quạt của bà dệt cho tôi những suy nghĩ của tình thương và khát vọng vươn xa.