Phúc bồn tử

Bác sĩ thú y Ivanut và thầy giáo trung học Burkin tới làm khách của địa chủ Alokhin.

Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Chỉ tới khi Ivanut bắt đầu kể câu chuyện của mình thì không chỉ Burkin và Alokhin lắng nghe.

- Chúng tôi là hai anh em - ông ta kể - tôi Ivanut và em tôi Nhicolai, kém tôi hai tuổi. Tôi đi học và trở thành bác sĩ thú y, Nhicolai đã 19 tuổi và làm viên chức tại phòng ngân khố. Bố chúng tôi có danh hiệu quý tộc và theo đạo Thiên chúa nhưng lại là sĩ quan. Ông để lại cho chúng tôi một trang trại. Sau cái chết của ông, chúng tôi phải bán trang trại đi và trả món nợ lớn do ông để lại, thật là khó khăn biết bao!...

Em trai tôi, ngồi trong văn phòng mình, mơ ước về việc nó sẽ ăn món súp bắp cải của chính mình, từ đó bốc lên mùi thơm ngào ngạt bay khắp nhà, ngồi ăn trên thảm cỏ xanh biếc, ngủ trong ánh nắng tươi mát của mặt trời, ngồi hằng giờ trước cửa trên chiếc ghế dài và ngắm nghía những cánh đồng, những cánh rừng…

Những cuốn sách nông nghiệp và những lời khuyên trong cuốn lịch đã tạo nên niềm tin, món ăn tinh thần yêu thích của Nhicolai, nó thích thú đọc báo nhưng chỉ đọc những mẩu quảng cáo trong đó rao bán điền trang, sông, rừng, trang trại, ao đầm… Những thứ đó vẽ lên trong đầu nó một con đường nho nhỏ ở khu vườn, các loài hoa trái, chuồng chim, ao, các anh biết không, tất cả chỉ là trò bịp bợm. Bức tranh hoành tráng này nhiều kiểu khác nhau, đọc thử các quảng cáo mà nó có, tại sao luôn nhất định phải có phúc bồn tử, không một trang trại nào không giới thiệu về phúc bồn tử.

Cuộc sống nông thôn có tiện ích riêng của nó - Ivanut nói - Ngồi trên ban-công, uống trà, bơi trong ao của mình, thưởng thức mùi vị phúc bồn tử trong vườn. Em tôi vẽ kiến trúc cho điền trang của mình: a, nhà cho ông chủ, b, nhà đầy tớ, c, vườn rau, d, vườn phúc bồn tử…

Nó sống rất tằn tiện: ăn không đủ no, không rượu chè, ăn mặc như người nghèo khổ, tất cả tích cóp và gửi ngân hàng, nó keo kiệt khủng khiếp…

Năm tháng trôi qua, nó được chuyển sang một tỉnh khác, đã ngoài 40 tuổi, vẫn suốt ngày đọc quảng cáo và lưu lại. Sau đó tôi biết tin nó đã lấy vợ. Tất cả mục đích đó là để mua cho mình một điền trang có phúc bồn tử, nó lấy một cô vợ góa, già và giàu, không có tình cảm, chỉ vì cô ta có nhiều tiền. Hai vợ chồng sống cũng chắt bóp, nó nuôi cô ta bữa no bữa đói, còn tiền cô ta thì gửi ngân hàng đứng tên nó. Trước kia cô ta là nhân viên bưu điện, khi mới quen nhau thì rất hào hoa ga lăng, khi lấy chồng thì bánh mì đen cũng không có... Cô ta trở nên yếu đi, sau ba năm thì về với Chúa…

- Sau cái chết của vợ - Ivanut tiếp tục - em tôi bắt đầu đi tìm cho mình điền trang ưng ý. Tất nhiên cho dù nó để 5 năm xem xét nhưng cuối cùng khi mua vẫn nhầm lẫn và mua được một trang trại không như mình mơ ước.

Nó thông qua đại lý trung gian, mua lại của một địa chủ, có tiện nghi, có vườn hoa, nhưng không có vườn cây ăn quả, đặc biệt là không có phúc bồn tử, không có ao nuôi vịt, có một con sông chảy qua nhưng có mầu nâu như nghệ, vì một bên là xưởng gạch, bên kia  là nơi cưa xương (súc vật - ND). Nhưng em trai tôi không lấy thế làm buồn, nó mua luôn 20 bụi cây phúc bồn tử, đem trồng và bắt đầu cuộc sống như địa chủ.

Năm ngoái, tôi đến thăm nó. Tôi sẽ đi và đến xem tình hình ở đó ra sao. Trong bức thư, em tôi gọi là nó là Điền trang Trubarokolova. Tôi tới đó vào quá trưa. Trời nóng. Những con mương, hàng rào, lối đi, khắp nơi đều trồng cây Noel - và các bạn biết không? Làm sao vào được trong sâu và gửi ngựa ở đâu? Tôi đi vào nhà và gặp ngay một con chó, lông đỏ, béo như con lợn. Nó muốn sủa nhưng lười biếng. Người đầu bếp bước ra, cô ta trần trùng trục, to béo cũng như con lợn và nói: “Ông chủ đang nghỉ sau bữa ăn”.

Tôi vào chỗ em tôi, nó đang ngồi trên giường, đầu gối phủ chăn, già nua, mập mạp, nhão nhoét, má mũi và môi chúm chím về phía trước.

Chúng tôi ôm nhau bật khóc vì vui sướng và buồn bã và nghĩ rằng ngày xưa cả hai còn trẻ nhưng bây giờ tóc đã bạc và đến thời gian phải chết. Em tôi mặc quần áo và đưa tôi đi xem đất của nó.

- Em sống ở đây thế nào? Tôi hỏi.

- Không có vấn đề gì, lạy Chúa, sống tốt ạ. 

Đây không còn là anh chàng viên chức nghèo rụt rè xưa kia nữa mà đã là một địa chủ. Nó đã ổn định cuộc sống ở đây, đã quen và cảm thấy dễ chịu, nó ăn nhiều, thường kỳ cọ trong nhà tắm hơi, béo đẫy ra, rồi cũng từng đi kiện tụng hai nhà máy và một hiệp hội. Nó khó chịu khi đám nông dân không gọi nó là “đức ông”. Và nó cũng chăm sóc phần hồn theo kiểu thời thượng của quý tộc, làm được nhiều việc thiện quan trọng. Những việc thiện như thế nào? Chữa bệnh cho nông dân bằng soda và dầu thầu dầu, tham gia các buổi lễ trong làng và kết thúc là tặng cho đám thanh niên nửa xô rượu Vodka, nghĩ là bổ béo lắm. À, những nửa xô, ghê chưa?...

Đời sống thay đổi tốt hơn, ấm no và nhàn rỗi, làm phát triển tính kiêu ngạo của người Nga. Em tôi, viên chức quèn từng ngồi trong phòng ngân khố, sợ hãi mọi chính kiến, bây giờ nói hùng hồn như bộ trưởng: “Học vấn là cần thiết, nhưng với đám nông dân nó quá sớm”; “nhục hình thì không tốt nhưng trong vài trường hợp là cần thiết”.

- Tôi hiểu đám nông dân và biết cách đối xử với họ - em tôi nói - mọi người yêu mến tôi. Chỉ cần tôi đụng đậy ngón tay là tất cả họ sẽ làm những điều tôi muốn.

Tất cả điều đó được nhắc lại nhiều lần với nụ cười thông minh, nhân ái. Em tôi nhiều lần lặp lại: “Chúng ta là quý tộc” hay “tôi là nhà quý tộc”, rõ ràng là nó không nhớ ông nội chúng tôi là nông dân, còn bố tôi là lính tráng…

Nhưng vấn đề không phải ở nơi em tôi mà là ở tôi. Tôi muốn kể cho các anh sự diễn biến ở tôi trong thời gian này, khi tôi đang làm khách ở điền trang của em trai. Buổi chiều khi chúng tôi ngồi uống trà, đầu bếp mang đến một đĩa phúc bồn tử bày trên bàn. Đó không phải là phúc bồn tử mua ở chợ mà là được hái trong vườn nhà. Mẻ thu hoạch đầu tiên từ ngày được trồng. Em tôi bật cười và nhìn chằm chằm vào quả phúc bồn tử trong một phút, im lặng, ứa nước mắt - nó không thể nói lên lời vì xúc động, sau đó nó đưa một quả vào miệng, nhìn tôi với vẻ đắc thắng của đứa trẻ đã nhận được món đồ chơi ưa thích của mình và nói:

- Ngon làm sao!

Và nó ăn thèm thuồng, rồi lặp đi lặp lại:

- Ngon quá, ngon quá! Anh thử đi!

Câu chuyện thật buồn bã và chua chát, nhưng như Puskin đã nói: “Sự thật đen tối quý giá hơn sự dối lừa cao sang”…

Người ta cho tôi ngủ trong buồng gần buồng của em tôi và tôi nghe thấy nó trằn trọc, không ngủ và trở dậy đi tới đĩa chứa phúc bồn tử rồi ăn từng quả. Tôi hình dung ra bản chất của bao nhiêu người hạnh phúc và thỏa mãn! Một số lượng vượt trội hẳn lên! Các anh hãy nhìn vào cuộc sống này: sự bạc bẽo và ngu dốt của kẻ mạnh, sự vô học và khốn nạn của kẻ yếu, chung quanh là người nghèo đói, bóng đêm, đồi bại, nạn say rượu, đạo đức giả, dối trá… Trong khi đó, trong khắp các ngôi nhà, trên phố rất yên tĩnh, thanh bình. Hàng vạn dân cư trong thành phố không ai kêu lên, không một tiếng than vãn. Chúng ta nhìn thấy mọi người đi chợ mua thực phẩm, ban ngày ăn, ban đêm ngủ, nói chuyện tầm phào, lập gia đình, già đi, rồi ra nghĩa trang… Nhưng chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy những người  đang đau khổ và những chuyện bất hạnh trong cuộc sống, chỉ diễn ra trong hậu trường. Tất cả im lặng, yên tĩnh, chỉ có những con số câm lặng phản kháng, có bao nhiêu người tâm thần, bao nhiêu người nghiện rượu, bao nhiêu trẻ con chết vì không đủ ăn…

Tôi chia tay em trai từ sáng sớm và từ dạo đó tôi không  chịu nổi khi  ở trong thành phố. Tôi bị áp lực từ sự im lặng và thanh bình, tôi sợ nhìn ra cửa sổ, vì đối với tôi bây giờ không còn quang cảnh nào đáng ghét hơn cảnh những gia đình hạnh phúc ngồi quây quần quanh bàn và nhấp nháp trà. Tôi đã già và không còn đủ sức khỏe để tranh đấu, thậm chí không còn đủ khả năng căm ghét…

Ivanut đi từ góc phòng này sang góc phòng kia và lặp lại:

- Nếu tôi còn trẻ!

Ông ta đột ngột đến gần Alokhin và bóp chặt tay anh, rồi tay kia:

- Alokhin - ông nói ngọng khẩn khoản - đừng sống an phận, đừng có ngủ thiếp đi! Khi cậu còn trẻ , mạnh mẽ, đầy sức sống, đồng cảm, đừng mệt mỏi khi làm điều thiện! Không cần hạnh phúc cá nhân và không nên có. Nếu cuộc sống có ý nghĩa và mục đích, thì nó không nằm trong hạnh phúc cá nhân của chúng ta, mà trong những mục đích đúng đắn và vĩ đại. Hãy làm việc thiện!

Ivanut nói tất cả điều này với nụ cười thiểu não như thể ông đang xin xỏ điều gì cho mình. Sau đó cả ba ngồi trong ghế bành, ở các góc khác nhau của phòng khách, im lặng. - Đã đến lúc đi ngủ - Burkin nói và đứng dậy - chúc các anh ngủ ngon. Alokhin xuống nhà và ngủ ở đó, còn khách ở lại tầng trên.

Họ đưa hai người vào một phòng lớn, có đủ hai giường gỗ cũ với trang sức chạm trổ bằng ngà voi. Cái giường của họ rộng rãi và mát mẻ, bốc mùi ga thơm tho do được cô hầu gái xinh đẹp giặt cẩn thận.

Ivanut lặng lẽ cởi quần áo và nằm xuống.

- Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con - Ông nói và lấy tay che đầu.

Từ cái tẩu của ông đang để trên bàn nồng nặc mùi thuốc lá, Burkin rất lâu không ngủ được và không thể hiểu cái mùi khó chịu này ở đâu bay ra.

Mưa gõ thâu đêm ngoài cửa sổ!