Phụ kiện

Trước khi đi hướng dẫn một đoàn khách, Chỉnh luôn chăm chút từng phụ kiện. Làm nghề lâu năm, anh hiểu khách họ luôn để ý từ những chi tiết rất nhỏ. 

Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Chẳng hạn họ thắc mắc sao ở nơi đến tham quan, có những người người mua cái xe máy đắt tiền vậy mà cái mũ bảo hiểm quan trọng đến thế lại là cái mũ nhẹ xốp bán vỉa hè. Thế nên Chỉnh cẩn thận từ những chi tiết nhỏ. Bao da điện thoại thông minh phải là hàng chính hãng cho ăn nhập nội dung, tất nhiên chờ đại hạ giá mua cho rẻ. Mũ bảo hiểm cũng là hàng xịn, chứ kiên quyết không mua hàng trôi nổi. Vả lại, với Chỉnh, mua hàng chính hãng có nghĩa là bỏ tiền ra cho những tìm tòi, nghiên cứu của đội ngũ kỹ sư, công nhân, chứ mua hàng trôi nổi chỉ là làm giàu cho nhà buôn. 

Đoàn khách này tương đối VIP, toàn là những ông chủ lớn, thế nên giám đốc công ty phải gọi Chỉnh lên dặn dò, nhớ không được làm điều gì sai quấy ảnh hưởng đến uy tín công ty, hơn nữa là của cả nền du lịch nước nhà. Giám đốc bảo, thôi thì chúng ta cố gắng vậy. Giám đốc tin tưởng Chỉnh là có lý do. Chả là một lần đưa khách đi một tỉnh lẻ, trong đoàn có người mất cái máy ảnh kỹ thuật số mới mua. Chỉnh thanh minh với người khách rằng đã dặn đi dặn lại thế mà vẫn không cẩn thận là sao. Người khách trong cơn tiếc của, cãi sống cãi chết là Chỉnh chưa nói câu đó. Chỉnh nghĩ ngợi một lúc rồi bảo thôi được rồi có thể tôi nói nhanh nên chị không nghe, rút kinh nghiệm lần sau tôi sẽ nói chậm và kỹ hơn, bây giờ thế này, chị mua cái máy này bao nhiêu tiền tôi sẽ mua đền chị một cái máy tương đương, có thể kém hơn về chất lượng nhưng đó là những gì tôi có thể làm lúc này. Đến đó thì người khách xua tay bảo thôi không cần, coi như một trải nghiệm tồi tệ của tôi vậy. Chỉnh lắc đầu, nếu là trải nghiệm tồi tệ thì tôi càng không muốn, rồi ngay lập tức gọi điện cho người quen mang một cái máy ảnh số mới đến đưa cho người khách.

Cho nên Chỉnh càng lúc càng được nhận các đoàn khách VIP. Phục vụ các đoàn VIP thực ra không khó, bởi một khi ở tầm ấy, người ta lại dễ thông cảm với người dưới, chỉ là phải luôn chân thành. Đó là kinh nghiệm của Chỉnh sau nhiều năm lăn lộn. Sợ nhất là phải đi các đoàn khách nửa nạc nửa mỡ, tất nhiên sợ cũng chẳng sao vì Chỉnh đã quá quen. Nên đoàn khách này, với Chỉnh, cũng đơn giản như các đoàn khách khác. Đưa họ đi chơi, đi ăn, kể với họ những câu chuyện đặc sắc mà Chỉnh chắc chắn là họ chưa được đọc ở bất cứ cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch nào cả. 

*

Đi chơi chán chê, một người khách đề nghị cho đi tham quan một xưởng gỗ gia dụng thật xuất sắc. Là đoàn khách VIP nên mọi yêu cầu đều được chấp thuận, Chỉnh luôn có cách sắp xếp lịch trình. Ngay lập tức trong đầu Chỉnh hiện ra một lịch trình đi thế nào, gặp những ai, nói những gì, tất cả hiện ra trong chưa đầy một phút. Nghĩ xong, Chỉnh không quên tự thán phục mình, bởi nghề của anh ít khi được thán phục kiểu ấy, cũng ít được tụng ca, những sự thán phục đều được quy ra tiền bo, thành thử Chỉnh phải tự thán phục mình để giải quyết nhu cầu tinh thần. 

Khi gần đến cổng làng nghề, Chỉnh đã kịp kể xong câu chuyện về ông tổ nghề. Đại để là ông tổ nghề mộc làng này vốn là một thợ mộc lành nghề, khi sinh ra tay đã thẳng tắp như lưỡi cưa, tiếng đầu tiên gọi là cái bào, vì sao là cái bào chứ không phải cái cưa, là bởi báo hiệu một sự chỉn chu trong nghề. Lớn lên ông tổ tự hào về nghề lắm. Một hôm có vị ẩn sĩ đi ngang qua làng, thấy thanh niên này bèn dạy cho một bài học bằng cách biểu diễn tuyệt kỹ chà bóng tấm gỗ bằng lá chuối khô. Từ đó ông tổ làng nghề theo ẩn sĩ học nghề rồi thành tài. Câu chuyện đó được đoàn khách nhiệt liệt hưởng ứng, bởi nó nói lên ý là phải chú ý từ những chi tiết nhỏ. 

Rồi Chỉnh dẫn đoàn khách đến một nhà làm mộc nức tiếng bậc nhất của làng, sau khi giới thiệu rằng đó là dòng dõi của ông tổ nghề. Người thợ cả, đồng thời là chủ nhà, vồn vã đón tiếp Chỉnh và đoàn khách, pha trà hảo hạng, lại mời bánh trái đặc sản. Người quê thường hiếu khách, vả lại nghe Chỉnh nói là trong đoàn khách có thương nhân chuyên nghề gỗ, đến để xem hàng, nếu ổn sẽ mua với số lượng lớn, nên càng nhiệt tình hơn. Chỉnh kể với đoàn khách, đồ mộc nhà này là do chính tay cháu bẩy đời của cụ tổ làng nghề làm đó.

Xem xét một lúc, người khách làm nghề buôn gỗ nhờ Chỉnh hỏi kỹ về giá. Chỉnh lôi chủ nhà ra một góc, vẻ mặt nghiêm trọng bảo, giờ họ đã vào chung kết, giá thì sẽ bàn nhưng kiểu gì cũng cao hơn bán ở thị trường nội địa đấy, lại số lượng lớn, nên bây giờ chúng ta sẽ bàn về phần trăm của em nhé bác. Chủ nhà cười, nhìn khách là tôi biết họ rất chim ưng rồi, hàng nhà tôi là hàng tuyển mà. Chỉnh cũng cười, vâng em biết, bây giờ là phần trăm của em, mọi thứ ta nên rõ ràng. Chủ nhà bặm môi lại rồi bảo, thôi 5% nhé. Chỉnh lắc đầu, bác làm ăn thế không ổn, còn về lâu về dài. Chủ nhà khẽ mỉm cười, bởi những vụ như thế này làm gì có lần thứ hai trong đời mà về lâu về dài, nhưng không nói suy nghĩ ấy ra mà chỉ vỗ vai Chỉnh mà rằng, chỉ có vậy thôi, ở đời đừng tham quá chú em ạ, mỗi bộ của anh ở đây rẻ nhất cũng vài trăm triệu, 5% trên tổng số không ít đâu. Thấy Chỉnh gật đầu, chủ nhà cũng cười. Gì chứ ăn của nhà làm mộc lại biết buôn thì hơi khó, vả lại chủ nhà cũng nghe lỏm được khách nói cái gì đó đại loại như sẽ mua hay chốt đơn. 

*

Những người khách đều hướng mắt về phía Chỉnh khi thấy anh đi ra. Chỉnh ra hiệu cho họ đợi một lát để anh xem lại chất lượng hàng một lần cuối. Chỉnh gõ gõ lên mặt bàn, vỗ lên thành ghế. Chủ nhà cười khẩy, hàng nhà mình toàn gỗ quý gỗ tốt lại mua được giá gốc, làm gì có lỗi mà chê. Nghĩ vậy nên thản nhiên nhấm nháp chén trà. Chỉnh cúi xuống, nhìn kỹ từng đường mộng, từng thanh lát. Anh gật gù rồi tiến đến chỗ những người khách, bặm môi lại vẻ ưu tư. Khách không gặng hỏi, chỉ chăm chú nhìn anh. Chỉnh khẽ lắc đầu, thưa các ngài, tôi xin lỗi vì nhìn không kỹ, cũng là cửa hàng này nhưng không phải sản phẩm của người cha, bởi ông cụ làm rất kỹ đến cả phụ kiện. Vừa nói vừa dẫn những người khách đến gần đống đồ gỗ, chỉ cho họ xem những thanh giằng làm bằng gỗ tạp, lại không được sơn phết gì cả, nhìn trắng nhởn ra giữa các mặt bàn chân ghế sơn ta nâu trầm bóng loáng. Người khách làm nghề buôn gỗ bắt tay Chỉnh thật chặt, rất cảm ơn anh, tôi quên khuấy đi mất là mua hàng bên anh phải cẩn thận.

Thấy những người khách không tiếp tục mua bán mà bắt tay chào rồi đi ra, chủ nhà mặt biến sắc, chạy theo kéo tay Chỉnh vào một góc. Em ơi, giờ em muốn bao nhiêu phần trăm cũng được, anh sẽ chi như bình thường, em biết nghề nói cho anh mấy câu đi. Chỉnh khẽ cười rồi bảo, trước đó tôi sẵn sàng bán rẻ uy tín nghề nghiệp để lấy một món nhưng anh dìm giá ghê quá, giờ thì muộn rồi, khi khách họ khen vậy, tôi thấy uy tín nghề nghiệp của mình còn cao hơn tất cả chỗ đồ gỗ này của anh.

Chủ nhà đứng sững như trời trồng, nhìn những người khách và Chỉnh bước lên xe.