Phấn thổ đồng bưng

Mùa sa giông khắp miệt đồng bưng. Con nước chưa lớn nhưng cũng đủ để đám bông điên điển hươm vàng khắp vàm sông.

Đám trẻ từ thị thành về quê trú dịch dễ chừng cũng hơn ba tháng trời. Cứ ngó con nắng bắt dầu dìu dịu lại í ới nhau đi kiếm tèng heng đùn đất. Cùng xứ với nhau nhưng lang bạt mưu sinh xa miệt đồng bưng hun hút. Thoảng khi gặp nhau nơi phố thị cũng chỉ kịp hỏi han dăm ba câu rồi đứa nào cũng xoay vần đời mình theo cơm áo gạo tiền của nơi đô hội phồn hoa. Hồi dịch tràn qua thành phố, mấy đứa xa quê bỗng thèm xứ hối hả quay về. Đồng bưng lại ôm ấp mấy đứa con quê như phù sa muôn đời bồi đắp chín nhánh sông miệt này. 

Quê còn an ổn chưa bị dịch lan. Đám trẻ về nhìn cây thốt nốt, ngó ngọn Ba Thê, nghe con bìm bịp kêu lớn ròng con nước mà thắt thẻo lòng dạ. Gặp lại nhau mới biết thì ra dọc ngang đường đời đứa nào cũng tha thiết một nỗi thèm quê nhớ xứ. Cặm cụi cho cuộc mưu cầu đổi đời tốt đẹp nhưng ít nhiều cũng in hằn vào lòng mình những vết sẹo của chốn hoa lệ đãi bôi. 

Quê nghèo lam lũ bốn mùa có phải cuộc sống đâu? Bận đám trẻ mới lớn nói vậy rồi qua phà Vám Cống mà đi biền biệt. Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ để đám trẻ quên rồi cái xóm nhỏ quê mình. Quên tiếng hò Long Xuyên qua miền tứ giác. Quên cái ngơ ngác mỗi bận má nhìn tóc con mình nhuộm vàng, nhuộm tím. Mái tóc mà hồi nhỏ mỗi bận Tết nhứt má hay nấu nước lá gội rửa để mong cầu mái đầu con mãi thảo thơm với xứ nghèo Bảy Núi. Mái tóc nó làm mất góc con người bây ơi. Bận ngoại nói vậy rồi thiu thiu nằm hát: “Con sông rộng ai biết đâu bến nào trong nào đục. Con người ta có khi vinh khi nhục. Chớ ngày bậu về đừng mặc áo sứt bâu”. Câu hát ngoại mênh mang theo con nước đồng bưng mà khiến đám cháu chênh chao tấc dạ. 

Đám trẻ nói chuyện nhọc nhằn nơi xứ lạ người xa. Mấy bận mưa rỉ rả mái tôn phòng trọ nơi đất khách, hay nghe con thạch sùng tắc lưỡi cái chạch không dưng mà nước mắt rơi. Dạ bời bời nhớ mấy chuyện cũ càng hồi dưới quê. Nhớ thằng Đực con Mén, thương thằng Bí, con Bầu. Mấy đứa trẻ lên thành phố ngượng nghịu giấu nhẹm cái tên quê trớt của mình, thay vào đó nắn nót ghi tên Hồng, tên Hoa, tên Cường, tên Dũng. Chừng về đây gặp nhau kề vai bá cổ gọi lại Tà Lọt, kêu nhau con Đợi, thằng Chờ mà cười khản giọng. Ì đùng chạy băng đồng trong cơn mưa chiều để chơi trò giặc dã như hồi xưa. Dẫu đứa nào cũng hai mươi mấy gần ba chục tuổi đầu. 

Đám trẻ về quê trú dịch, chừng nghe rục rịch thị thành mở cửa lại, chiều thẫm hoàng hôn dao dác ngó nhau. Có đi nữa hông bây? Hổng ai trả lời. Đứa nhìn về Ba Thê, đứa ngó hàng thốt nốt, đứa dòm cái bến xưa rồi thở dài. Hồi đám trẻ đi, nước sông chảy liu riu, đám lục bình trôi líu ríu, cái bàn chân nhỏ xíu qua đò chiều vẫn còn run. Ngày tụi mình về, liệu áo có sứt bâu? Ai hỏi mần chi mà không dưng cả đám lặng thinh. Đâu có ai dần ai dã mà lòng đứa nào cũng vời vợi xa xăm. Bìm bịp kêu chiều. Hay chiều rồi đám chim mới gọi bầy? 

Tất thẩy lẽ đời cũng như phấn thổ mà thôi!