Nợ đồng lần

Cái tính hảo ngọt, những tưởng chỉ phát tác ở thời còn rủng rỉnh nhiều thứ. Từ tiền đồ, phong độ, tài chính đến sức khỏe, ai dè hưu đến nơi rồi còn ham hố. Lời nói ngọt lọt tới xương, lại thành khẩn và giục giã. “Em chờ ý kiến của anh nữa rồi lên kế hoạch luôn. Anh không tới được thì em dời sang bữa khác. Việc gì phải vội, không có anh mất vui”. 

Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Cha chả nhà nó chứ, nhìn cái điệu bộ xoa xoa nắn nắn, ông suýt phì cười. Đến cái chết của người ta nó còn muốn dời nữa là bữa tiệc nhỏ xíu này. Ví như hôm đi viếng mẹ tay lãnh đạo bên cơ quan đồng cấp, gã cũng đến nì nèo mặc dù ông đã gửi phong bì phúng viếng cẩn thận. “Bọn em chuẩn bị lễ lạt đủ cả rồi. Anh đi luôn cho vui”. Ông đành miễn cưỡng làm theo chứ tay lãnh đạo ấy như cái gai nhọn trong mắt, ông chỉ muốn nhổ bỏ đi. Mà chuyện nhổ hay không cũng trong tầm tay, chỉ là chẳng để làm gì nữa khi ông đã chạm tuổi hưu. Lúc dán phong bì, ông cũng nghĩ đến lời vợ. “Nghĩa tử là nghĩa tận, ông phải đi cho người ta biết mình đàng hoàng”. Ông đã cố ý lờ đi, vậy mà gã đâu có để cho ông yên. 

Gã rón rén vào phòng, dạ thưa đủ kiểu như thể ông không đồng ý thì gã sẽ chuyển luôn việc phúng điếu sang ngày khác. Ông đành sửa lại bộ mặt cho hợp lễ rồi theo gã. Lần này, cũng là gã, nỉ non tha thiết. Biết vị thế hiện tại của mình, ông cân nhắc kỹ lắm nên trước khi quyết định đi hay không đi, ông lại tâm sự với vợ. 

*

Vợ ông, người đàn bà hiểu chuyện. Sắc sảo, dịu dàng nhiều lúc gói cả trong cái cười lặng im, một đời nguyện đứng sau lưng chồng. Ngay cả khi bà đưa ra những ý kiến trái chiều ông cũng thấy an tâm. Riêng chuyện này thì bà thờ ơ. Bà bảo chỉ là bữa tiệc ngoài trời thôi mà, ông cứ đến cho vui. Thấy bà nhẹ nhõm, cả nể ông lại không an tâm. Hay mình sắp về hưu rồi nên sinh tâm lý buông xuôi dễ dãi. Chẳng bù cho trước kia, cứ nâng lên đặt xuống từng tý một, nhất là chuyện mời mọc cơm nước, bà dặn dò ông như cách bọn trẻ vẫn phủ đầu nhau. Thính thơm là thế nhưng coi chừng dính bả. 

Ông lẩm bẩm một mình. Mặc dù bà vẫn ngồi đó, tỉ mẩn sửa lại bình hoa đã qua cả tuần rồi còn rực rỡ. Gã thành khẩn thế cơ mà. Mình giờ như lá úa, chẳng cần ai lay cũng rụng, huống chi gã thay thế vai trò của ông đến nơi rồi. Thời gian qua làm cấp phó cho ông, gã săn đón, săm sắn với ông và đương nhiên cả nịnh nọt nữa, là chuyện bình thường. Giờ chẳng cần đến ông đưa đẩy thì cái ghế ông đang ngồi cũng sắp là của gã. Cứ nghĩ đến đó là ông lấn cấn. “Hay lại sắp bày trò gì”. Gã không ơn huệ gì ông trong cuộc đổi ghế ngoạn mục này nên mọi hành vi “vượt ngưỡng” của gã đều phải xem xét. “Mắc mớ chi nó phải luồn cúi nịnh nọt mình nữa chứ. Chẳng qua là ở sự chân thành”. Ông chậc lưỡi, rồi quả quyết. “Thôi thì đi, tôi quyết rồi bà ạ. Chỉ có sự chân thành mới rường cột được nhau thôi. Sự có mặt của mình bây giờ đâu còn ra tiền ra bạc gì cho nó nữa chứ, chắc là cũng có chút ít chân tình”.

Bà vợ cười thản nhiên. Lo như ông thì cả đời không hết. Hoài nghi lên ngôi khi nhiều giá trị lại bị đảo ngược, có những cái giả dối thì cứ lây lan như cỏ dại. Gặp tý thời thế lại mơn mởn non xanh. Không hoài nghi không được ấy chứ. Nhưng cũng cố mà tin. Không tin được người thì tin mình. Bà chùng giọng, muốn nói thêm gì đó rồi lại thôi. Không hẳn là buồn nhưng ánh mắt bà xa xăm tâm trạng. Cả một đời chồng vợ, tận tụy bên cạnh ông, bà hiểu lắm những việc mình đang làm. Cũng vì chồng con mà bà buộc mình phải cân đo đong đếm. Cơ ngơi này, nói là của ông cũng được vì từ hồi ông quyết tâm leo lên cho bằng được cái ghế phó phòng, bà đã biết mình phải lui về hậu trường mà vun vén. Con cái đang tuổi ăn tuổi lớn, hết chuyện học hành của đứa nhỏ đến chuyện yêu đương của đứa lớn. Rồi cả ông nữa, cứ phơi phới hồi xuân, một bước lên xe, hai bước người mời người mọc. Cái khoản kia thì sẵn, chậc lưỡi nháy mắt tý thì đối tác dàn hàng ngang cho chọn. 

Chỉ nghĩ đến đó thôi, bà đã thấy lựa chọn nghỉ việc của mình là sáng suốt. Bà mà cũng như ông, long đong việc nọ việc kia ngoài xã hội thì việc nhà chẳng bao giờ trọn vẹn. Nhìn mấy đứa trẻ tóc xanh tóc vàng chạy xe vù vù, tạt ngang tạt ngửa hết khách sạn nhà nghỉ đến vũ trường quán game bà chỉ thấy bất an. Xếp lại chỗ ngồi cũng có vai có vế, tám tiếng ở công sở không buồn không vui, bà trở về là người phụ nữ của gia đình trọn vẹn. Ông biết ơn bà về quyết định này nên ở nhà được phút nào ông sắm vai người chồng đúng mực phút đó. Xuân thu nhị kỳ đưa về cho bà cái tờ A4 mà phần chức vụ của tờ sau cao hơn tờ trước. Ông vui thì bà cũng vui. Chỉ có điều chức vụ càng cao, thời gian ở nhà của ông càng ít. Con cái đủ lông đủ cánh cũng bay cao bay xa. Ngôi nhà rộng rinh chỉ có bà với sự lặng im khổng lồ. Nhưng bà chẳng lấy làm buồn. Bà trồng cây, cắm hoa, tập đàn, đọc sách… Bà làm những việc mà lúc còn đi làm bà khao khát có thời gian rảnh để làm. Đặc biệt là bà có thêm thời gian chia sẻ những việc bên lề cùng ông. 

Chuyện bên lề thì nhiều, lại chẳng ra tấm ra món gì cả. Nhưng không có lại nhạt. Bữa ăn bây giờ món chính là chuyện bên lề, ăn uống là phụ. Ông bị cao huyết áp, mỡ máu, ăn uống ít chừng nào tốt chừng đó. Bà thì còn phải ép cân, giữ dáng. Cái món chuyện bên lề ấy vậy mà hay. Chuyện càng nhiều, ông càng chăm chỉ về ăn cơm nhà hơn. Bà cũng thấy vui hơn.

- Đợt này, có mấy ứng viên đang lao vào như thiêu thân. Hôm qua tôi nghe từ một nguồn rất đáng tin cậy rằng thằng phó của tôi đang muốn xô tôi đi sớm. Thế lực của nó đang mạnh, chẳng qua là tôi chưa biết nó giấu ở đâu.  

- Ôi dào. Ông cứ khéo tưởng tượng. Ai thèm xô ông nữa, còn bao lâu nữa đâu, tưởng dài nhưng ngắn lủn. Ông thấy đó, ngày mình canh giờ đón lõng sếp như vừa hôm qua thôi cũng đã ngót nghét tám năm rồi.

- Nghĩ lại cũng kinh khủng bà nhỉ. May tôi còn có bà... 

Ông bỏ lửng câu nói, gắp thêm thức ăn cho bà. Nụ cười mãn nguyện. Không có bà, ông thấy khó khăn trong việc giữ cái ghế mình đang ngồi đây đến hai nhiệm kỳ. Tay phó lun xun của ông lại hiện ra trước mặt. Ông buông đũa. 

- Chắc là tôi không đến dự bữa tiệc của nó nữa đâu bà ạ. Mình hết thời rồi. Thôi thì để cho nó tự nhiên.

- Chỉ là bữa tiệc nhỏ thôi mà. Hay là tôi đi cùng ông.

Bà Linh cười nhẹ. Thoáng chút ngơ ngác rồi ông cũng định thần được. Xưa nay bà chẳng bao giờ chịu lộ diện cùng chồng đến nơi đông đúc. Cái sự về hưu nó làm thay đổi con người ta nhiều quá. “Bà hứa rồi nhé, đi cùng tôi nhé”. 

*

Người ta đã quen lắm cảnh vài ba chiếc ô-tô trờ tới, vội vã. Chiếc nào cũng láng coóng, đã to lại đỗ rất cồng kềnh, anh lái nhảy xuống lom khom cười đôi ba câu với chủ nhà bị chắn lối. “Tôi vào chút xíu là ra liền”. Đúng là ra liền thật. Nhưng nhiều xe ra vào quá nên cổng nhà vào ngày lễ, Tết luôn trong trạng thái bị ngáng cửa. Hàng xóm cả nể, biết mình ở cạnh nhà quan nên lặng im cho qua. Ông ít khi ở nhà, bà bận bịu việc nọ việc kia nên cũng ít để ý. Chuyện vỡ lẽ khi một ngày chính cổng nhà bà bị chặn cửa. Người hàng xóm cười xởi lởi. “Ấy chết, thằng nhỏ nhà tôi gặp khách nên về muộn, thấy cửa nhà mình đang có xe chắn nên cẩu thả để bừa. Bà bỏ qua cho. Tối qua cháu say quá”. Bà chỉ biết cúi đầu. Lời xin lỗi nhỏ nhẹ mà chân thành. Ít lâu sau người ta thấy thằng nhỏ nhà hàng xóm làm lái xe cho ông. Ông đâu biết dây mơ rễ má nhà tay phó của ông ở ngay cạnh. “Người ta có lòng thì mình có dạ vậy, bà chị cứ giúp em vụ này, nợ ân tình đời này em nguyện trả”.  

Cái vụ lái xe này bảy, tám năm trước do tay phó đạo diễn. Không có cậu lái xe làm “tay trong” này, ông đã vợ nhỏ vợ lớn rải khắp nơi rồi. Bà đã chấp nhận bỏ việc thì cơ đồ này đâu của riêng ông được. Kịch bản bà có rồi, chẳng qua là món nợ đồng lần trả nhau mà thôi. 

Nắng ngoài hiên nhẹ bẫng. Hôm ấy trời cũng nắng. “Chỉ là đúng đợt cơ quan tuyển lái xe thôi mà, tôi có làm được gì đâu”. Bà nhấp chén trà, cười nhẹ bẫng.