Những ngày hè tuổi thơ

Qua cửa sổ phòng làm việc, nhìn xuống con đường ngập nắng chói chang làm dòng người xe như loãng ra… Nhớ về thuở ấu thơ, những ngày hè nắng như đổ lửa thế này lại là những ngày bận rộn nên lũ trẻ phải tranh thủ giờ chơi về phụ bố mẹ đổ ngô, đổ thóc vào chum giữa lúc nắng nhất để giữ được cái nóng như rang trong từng hạt ngô, hạt thóc, giúp cho việc bảo quản được lâu, không bị mọt.

Những ngày hè tuổi thơ

Kẻng hợp tác xã gõ từ tờ mờ sáng. Bố mẹ gánh đôi quang sọt hoặc vác đòn càn, đòn sóc với một cặp dây thừng trên vai theo đoàn người trong đội sản xuất, hôm thì đi bẻ ngô, hôm đi cắt thóc theo sự phân công của đội trưởng. Trẻ con mắt nhắm, mắt mở đứa xách mấy cái sọt ra sân kho chờ bóc bẹ ngô lấy thêm công điểm cho gia đình, đứa lôi đống rơm rạ ra giữ chỗ trên đường để phơi phóng. Bố bảo, vào mùa thu hoạch mà nắng như thế này quý lắm, rơm rạ cũng nỏ khô vàng ươm lên đống, lên cây nên ai cũng phải tranh thủ. Bỏ lỡ thì “tiếc nắng lắm”. Cả chồng nong ngô, nong thóc… quây cót ngoài sân được dỡ ra rải kín khoảng sân, lối ngõ và đưa lên cả mái nhà, bể nước… nhưng không phải yên vị mà độ 1-2 tiếng lại “chạy nắng” một lần. Ra ngõ vào nhà phải nhón chân qua khe hở nơi tiếp giáp của những cái nong.

Có lẽ ông giời thương dân quê tôi vất vả nên đến mùa thu hoạch, rất ít khi mưa vào ban ngày, có chăng chỉ là những cơn mưa “dọa” hoặc vãi xuống dăm hạt bóng mây đủ xua đuổi cơn dông đi nơi khác, giành lại vạt nắng vàng óng ả. Cũng có lúc cong chân chạy mưa. Trẻ con nhà quê chơi thì chơi vậy nhưng đứa nào cũng có ý, thấy dấu hiệu khang khác là hô: “Mưa!”. Cả bọn ngửa cổ nhìn giời, nếu thấy mây đen ở phía nam hay phía bắc thì coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu mây đen ở phía đông thì bỏ lăn lóc những con quay, những vỏ ốc chơi ô ăn quan, những que  chơi chuyền… rồi đứa nào đứa nấy thục mạng chạy về phụ với bố mẹ.

Nhớ nhất là khi chiều mát hò nhau bổ bí đỏ nấu cháo. Chui vào gầm phản lấy quả bí bổ ra gọt vỏ rửa sạch chặt thành miếng bỏ vào nồi đồng to cùng gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh rồi bắc lên bếp đun. Khi sôi, ủ vỏ trấu chung quanh để cháo chín dừ. Xâm xẩm tối cháo chín múc ra bát để nguội chờ cả nhà tắm rửa mát mẻ rồi quây quần bên mâm cháo trên tấm lá cót dưới ánh trăng mát lành cùng thưởng thức hương vị quả ngọt đầu mùa từ thìa cháo sánh đậm bột bí ngô, bột gạo, bột đậu xanh hòa trộn thấm đẫm vị ngọt ngào dẻo quyện. 

Sau bữa tối cùng các bạn hàng xóm chơi trò rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… dưới ánh trăng dãi từng lớp trắng ngà trên ngọn tre la đà trước ngõ, trên mái rạ cao thấp hiên nhà lan đến từng góc sân. Bố lấy cây sáo trúc treo trên vách nhấp nhấp môi rồi thong thả cất lên giai điệu quen thuộc của bài “Giải phóng Điện Biên”, “Quảng Bình quê ta ơi”… Mẹ ôm em bé vào lòng thư thả lấy giọng lẩy mấy đoạn Thúy Kiều đi chơi xuân, Thúy Kiều gặp Kim Trọng…

Chiều mát lấy xe máy vù về quê cùng mẹ thưởng thức bát cháo bí ngô thấm đẫm hương vị gạo nếp, đậu xanh đầu mùa rồi lại sà vào bên mẹ để được nghe lẩy Kiều và bồi hồi nhớ về giai điệu từ cây sáo trúc của bố ngày nào còn văng vẳng quanh nhà…