Những gương mặt của một thời

Dễ đã ba, bốn năm, em dâu tôi ở quê ra thăm mẹ. Nhìn nước da em còn xanh sau trận ốm, tôi bùi ngùi: em cố gắng giữ gìn sức khỏe, các cháu chỉ có mình em là chỗ dựa vững chắc nhất…

Cuộc sống vẫn xoay kỳ lạ! Có những khi, quá khứ - hiện tại như chiếc đèn kéo quân chạy trên mặt thời gian!

Cha tôi hy sinh ở Cần Giuộc trong chiến dịch Mậu Thân, năm 1968, mẹ tôi - khi ấy 30 tuổi. Mẹ  vượt lên nỗi đau, lặng lẽ gánh gồng, vừa chăm sóc cha già mẹ héo của hai bên gia đình, vừa trực chiến ở trận địa trên nóc nhà máy.

Cũng đúng năm ấy, con trai của chú thím tôi, từ quê hương Hòa Xá đã nhập ngũ. Năm 1972, là một cán bộ của Trung đoàn E12, đóng tại Xuân Mai, chuyên huấn luyện quân tăng cường, em đã vào chiến trường B3. Trên mặt trận Đức Phổ khốc liệt, đầu năm 1973, em hy sinh  anh dũng. Giọt máu em để lại cho người vợ trẻ ở quê nhà mình, đã chào đời và lớn lên trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của bà nội, bà ngoại và mẹ, hạt lúa củ khoai nuôi dạy cháu nên người. Nay cháu là sĩ quan của Bộ Quốc phòng. Ở cõi Tây Thiên cực lạc, chắc em cũng mát lòng…

Sau bước chân con trai của chú thím tôi, năm 1970, con trai trưởng của bác tôi nhập ngũ rồi vượt Trường Sơn, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975. 

Đạn bom chiến trường lấy đi cha tôi, em tôi, vẫn còn anh phục viên trở về năm 1977. Cuộc sống dù khó khăn thì hạnh phúc vẫn  mỉm cười với anh. Anh cưới chị, hoa hậu phố Bà Triệu - Chợ Đuổi, đẹp người, đẹp nết. Chị sinh cho anh cô con gái xinh đẹp. Ai ngờ ông già thời gian ủ mũi tên độc dược. Ngày thăm anh trong bệnh viện, anh bảo tôi: Nhanh nhỉ. Hồi nào anh vào tận ký túc xá Mễ Trì đón em học sĩ quan dự bị về, nay đã U60 rồi. Ai chả có bệnh, em đừng khóc nữa. Em phải nhớ, với người lính, được sống, lành lặn trở về, có vợ con  là hạnh phúc rồi!

Đêm không ngủ, thương anh sớm về cõi thiên thu, lại nhớ cha tôi hay chảy nước mắt mỗi khi thấy anh gò lưng trên xe đạp cà tàng đèo bánh mì nóng giòn từ Ngã Tư Sở lên Mai Dịch, cho công nhân xưởng dệt sơ tán ở đó ăn ca chiều. 

Ngày chị thay áo cho anh, trong làn khói hương, nhớ hình ảnh anh khi ở TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội nghỉ phép vào hè 1975. Anh đưa tôi lên hiệu ảnh Quốc tế chụp ảnh kỷ niệm với chiếc mũ giải phóng quân - mũ tai bèo, một biểu tượng của anh Bộ đội Cụ Hồ thời chống Mỹ, cứu nước mà nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: “Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc”. Anh cười vui khi lấy ảnh: “Em đội mũ này đẹp nhỉ! Mà trông anh cũng đẹp trai như diễn viên điện ảnh thế này, mai anh phải vào đơn vị rồi. Ở nhà chăm sóc bà hộ anh nhé”. 

Xuân đi xuân lại lại… những người phụ nữ ở ba thế hệ - mẹ tôi, chị dâu và em dâu tôi, về làm dâu gia tộc họ Phạm, rồi trở thành vợ liệt sĩ, vợ bộ đội. Chiến tranh đã để lại dấu ấn trong ánh nhìn thăm thẳm và trên gương mặt những người đàn bà suốt một đời thờ chồng nuôi con khôn lớn. Dòng thời gian càng trôi đi trên mái tóc mây bay, càng thấm thía sâu sắc hơn, những người phụ nữ của gia tộc tôi, đã âm thầm, kiên cường vượt lên gian khó.