Nhớ khói

“Thời buổi này gói bánh tét chi cho cực mẹ ơi!”. Lặng im một đỗi, mẹ cất giọng buồn: “Tết nào ngoại con cũng gói bánh để cúng gia tiên và đem biếu mọi người”. Chợt khóe mắt tôi cay, như thể đụn khói thơm lựng từ nồi bánh tét của ngoại phả ập vào mặt, nồng nồng.

Ảnh: HƯƠNG SẮC MIỀN TÂY
Ảnh: HƯƠNG SẮC MIỀN TÂY

Phải rồi, bà gói từng đòn bánh tròn trĩnh nhất, thơm thảo nhất bởi “cái hiếu hạnh nằm cả trong đòn bánh tét con ơi!”. Vậy mà... tôi nỡ quên sao?

Năm nào cũng vậy, khoảng 28 Tết, ngoại cắt lá chuối sau vườn. Nguyên liệu gói bánh dường như đều sẵn có, từ nếp, dừa, đến chuối, đậu... ngoại đều trồng và chừa phần cho Tết. Gà chưa gáy sáng đã nghe tiếng rin rít từ cái bàn nạo dừa cũ kỹ, đã nghe khói từ cái cà ràng của ngoại tỏa khắp nhà. Mùi ngọt thơm của những đậu hòa quyện mật đường thốt nốt làm đám cháu con háo hức dậy sớm.

Ngoại dạy từng đứa cách buộc giống đòn bánh cho khéo. Đám cháu ngồi ngáp mỏi quai hàm mà vẫn ráng trâng mắt nhìn đôi bàn tay kỳ diệu của ngoại. Ông ngoại lui cui mang vỏ dừa khô cùng ít rơm đi đốt un muỗi chỗ chuồng bò; sẵn tiện ông quạt khói xua muỗi cho cả nhà gói bánh. Khói cay mắt chết đi được, vậy mà bà ngoại thích lắm, bà biểu năm nào gói bánh cũng nhớ un khói nghen. Cả ngày hôm sau, đám cháu lại được “no nê” với khói, chúng bu quanh nồi bánh mà hít lấy hít để mùi khói và luôn miệng hỏi “Ngoại ơi, bánh chín chưa?”...

Quanh năm thui thủi bên chòi bếp, ngoại chưa từng đi đâu ra khỏi cái huyện nghèo miền núi. Tết với ngoại đặc biệt lắm! Vì chỉ có Tết, con cháu mới có thể về đông đủ. Sáng mồng một Tết năm nào, chị em tôi cũng dậy sớm, sửa soạn đồ đẹp sang ăn cơm với ngoại. Ông ngoại đương ngồi nhâm nhi bình trà được ủ kỹ trong vỏ trái dừa khô. Có đứa cháu len lén mở nắp bình, thả khói trà bay tứ tung rồi ngồi nhăn răng cười. Bà ngoại loay hoay trong chòi lá bên cái cà ràng đã cũ. Là ông ngoại dùng đất sét và trấu để nắn chiếc cà ràng “độc nhất vô nhị” cho bà. Dù sứt mẻ, dù khói bụi nhưng bà đâu nỡ bỏ? Con cái sắm cho bếp gas, bếp điện mà ngoại cũng chỉ “khoái” cà ràng ông Táo.

Ngoại ngộ ghê! Cái chòi lá như nhốt đầy khói vậy mà ngoại thương vô cùng. Từ cái chòi ấy, ngoại đi ra với dĩa cá lóc rang muối (món ruột của ông ngoại), tô thịt kho nước dừa, dĩa dưa cải muối chua... trên tay. Có năm, bà còn cho thêm tô canh khổ qua. Món nào cũng nghi ngút khói thơm. Đám con cháu xúm xít cùng ông bà dọn mâm cơm cúng gia tiên. Bà lật đật móc túi áo bà ba, tiền lì xì được cất kỹ trong chiếc khăn mùi xoa ướp đẫm mùi khói bếp. Ông cười khề khà “rồi, lại đây để ông lì xì cho mỗi đứa khoanh bánh tét”.

Hồi nhỏ thì đứa nào cũng ham tiền lì xì của bà ngoại hơn, “bánh tét ngày Tết ăn ngán thấy mồ”, nghĩ vậy nhưng không dám nói, ráng ăn cho ngoại vui. Giờ chỉ ước thêm một lần, một lần nữa trong đời được ăn khoanh bánh tét thơm khói của ngoại... Ngày ấy, từng hạt cơm ngoại nấu lạ lùng thay, cơm ngon cho đến cả phần cơm cháy dưới đáy nồi. Cũng bởi lẽ vì cái ngon ấy của chồng con mà cả đời ngoại lấm lem cùng khói!

Còn nhớ một cái Tết nghèo bên ngoại. Ngoại xoa đầu, ôi, đứa cháu gái lớn chồng ngồng mà ăn bận quần áo cũ mèm, tóc tai bết dính mấy ngày chưa gội... Ngoại quay đi giấu đôi dòng nước mắt, cháu ngước nhìn ngơ ngác, ngoại mắng yêu “tổ cha bây, tại khói làm ngoại cay mắt thôi!”.

Rồi những mùa Tết con cháu đã lớn khôn, ai cũng có việc phải đi, có nhiều nơi cần đến mà quên mất mâm cơm đầy ắp khói của ngoại. Ông bà dẫu buồn nhưng đều bảo nhau “Tết mà!”. Những năm sau, dẫu đến Tết thì ngoại cũng chỉ có thể nằm một chỗ mơ màng về những cái Tết lăng xăng cùng khói bếp. Ngoại thèm khói Tết mà đâu ai hay?

Tết nay, tôi đưa tay khẽ khàng chạm miền ký ức, chợt giật mình thảng thốt, ngoại ta đâu rồi? Ơ kìa, ngoại về, ngoại về! Ngoại đi chợ Tết về, mấy cháu quấn quýt theo chân. Cái giỏ bàng của ngoại nặng đầy quà bánh, quần áo mới cho cháu con...

Chớp mắt ngoại đã không về nữa. Ngoại đi thật xa. Ngoại chẳng mang theo gì cho mình ngoài cái mùi khói còn vương vít trên chiếc áo bà ba sờn cũ. Ngoại đi giữa chiều sương bảng lảng, cánh đồng vương đầy khói rơm thơm. Ngọn khói mỏng manh lững lờ bay lên như thể ngoại đã hóa thân thành khói. Từ rày trở đi, chỉ cần thấy khói là con thấy ngoại. Cả đời ngoại sống cùng với khói đốt đồng, khói cà ràng và cả khói từ điếu thuốc rê, bình trà của ông ngoại. Ngoại ơi, Tết này không ngoại nhưng con vẫn về!

“Con về nước mắt ướt dầm/Nằm bên mộ ngoại nghe thầm lời ru/Vẫn còn đó gió mùa thu/Ngoại tôi về cõi thiên thu mất rồi” (Ngoại tôi - Trần Sang).