Nhớ cây Hà Nội

Hình như mỗi loài cây đều gắn bó với một vùng đất riêng của nó. Dù rằng bây giờ, cây không còn phát tán và sinh trưởng theo cách truyền thống nữa. 

Nhớ cây Hà Nội

Không chỉ còn nương theo gió để đưa nòi giống đi xa, cây giờ đi máy bay, tàu biển để đến với những vùng đất mới. Cây có thể đi theo diện “quà tặng” từ một trang trại xa xôi góc rừng núi Tây Nguyên để về thủ đô nằm cô đơn khiêm tốn trên một nóc tòa cao ốc. Cây đi từ Tây Bắc về trang trại ở ven đô. Cây cũng có thể hiện diện trong một căn biệt thự vốn đã được vây kín bởi nhiều loài hoa leo sặc sỡ. Cây được trưng ngay ngoài cổng để khoe hương, bởi chẳng mấy khi người chủ của nó xuất hiện ở trong nhà. Cây cũng có thể nằm ban-công chung cư, trong phòng khách, hoặc ở trên sân thượng... 

Ngày qua, chúng tôi đi cùng nhau trên phố, phố nồng nàn trong nắng hè tháng sáu oi ả. Bạn chợt bảo “năm nay không thấy hoa phượng nở...”. Quả thực, những hàng phượng vĩ năm này thay vì rực rỡ sắc hoa thì chỉ thấy âm thầm trổ tán. Mà ở đô thị ồn ào, việc mỗi cái cây trổ tán xum xuê cũng trở thành nỗi lo sợ tiềm tàng cho mỗi con người ngày càng trở nên nhạy cảm bởi quá nhiều đe dọa. Phía sau những tán cây trơ trụi vì mới bị tỉa cành để người ta phòng mưa bão, chỉ thấy âm thầm một vài chấm đỏ lập lòa sau sắc lá xanh. Phượng không nở hoa, cũng chẳng thấy ve kêu rộn ràng như trước, chẳng thấy bằng lăng tím cháy lên trong nắng chói. Dường như tất cả mọi thứ, cả cỏ cây cũng đang dần thay đổi?!

Tôi vẫn nhớ, Huế có đường phượng bay ở trong thành nội, con đường mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã định danh trong bài hát “Mưa hồng” ấy chẳng hiểu mùa này có rợp mầu phượng nắng. Tôi nhớ Hải Phòng, thành phố rợp trời hoa phượng nở mà người ta giờ hay trêu đùa là thành phố ba hoa: Hoa phượng, hoa hậu và… hoa cải. Cái loại vũ khí thô sơ mà cũng được gắn vào thành một trong những đặc trưng của vùng đất đầy khí khái, cứng cỏi mà cũng cực nghĩa tình. Những tháng năm này chả thấy ai còn nhắc nhớ.

Những con đường hoa Hà Nội vốn được định danh theo từng khu vực giờ cũng đã ít nhiều thay đổi. Tầm này những năm về trước, có lẽ bằng lăng đã tím ngắt cả con phố dài nối nhau giữa Đại Cồ Việt với Trần Khát Chân đoạn gần Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở ven đường Kim Mã, có lẽ cũng đã tím ngắt mầu hoa. Nhưng Kim Mã bây giờ hình như người ta đang dọn dẹp để làm nốt những công việc còn lại cho tuyến metro hiện đại. Cả dải phân cách cũng được phủ kín cỏ hoa. Những loài hoa nhập ngoại mà người ta chẳng rõ tên. Mỗi gốc cây xà cừ gốc to vài người ôm được quấn quanh lơ thơ hoa giấy. Hà Nội sau một thời gian thay da đổi thịt một cách vội vã, ồn ào, giờ mới quen dần với cây bàng In đô (Indonesia), cây dâm bụt Thái (Thai-land).

Có lẽ rồi những thay đổi theo thời gian sẽ dần tạo cho con người ta những thói quen mới. Những phản xạ có điều kiện để phù hợp với hoàn cảnh và con người. Và ở mỗi nơi ở mới, mỗi loài cây có lẽ cũng phải tìm cho mình một cách sinh tồn phù hợp. Như hoa giấy vẫn phải tìm cách bám gốc xà cừ. Và khi hoa phượng không còn nở giữa tháng năm, có lẽ nào người ta phải tìm cho mùa hè một loài cây đại diện?!