Nghĩ về các anh

Việt Nam, đất nước của máu và hoa, đã có biết bao người con ngã xuống cho tự do, độc lập được kết trái. Từ thuở bình minh khai sơn phá thạch, đất nước đã qua bao trận binh đao. Không phải ngẫu nhiên khi truyền thuyết Thánh Gióng kể về cậu bé sinh ra không cười, không nói, nhưng khi giặc Ân xâm lược, Gióng đã vươn vai trở thành Phù Đổng Thiên Vương, xin nhà vua ra trận giết giặc. 

Lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền dân tộc hàng nghìn năm qua vẫn không hề thay đổi. Chúng ta có thể nào quên trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, chàng thiếu niên Trần Quốc Toản không được tham gia nghị sự cùng vua Trần và các đại thần, đã bóp nát quả cam ở bến Bình Than. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã lập nên đội quân của mình và ra trận với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Trước sự ngạo mạn, hống hách của kẻ thù, trong tâm hồn niên thiếu đã hun đúc và cháy sáng tinh thần yêu nước cao cả.

Trong hàng nghìn năm, dân tộc ta phải đứng lên chống lại biết bao kẻ thù tàn bạo, hung hãn. Ở giai đoạn nào của lịch sử, người Việt cũng biết chiến đấu và chiến thắng. Những dấu tích của lịch sử trở thành nguồn sức mạnh làm nên hào khí cho dân tộc Việt Nam. Chúng ta như nghe thấy tiếng hùng thiêng của con sóng Bạch Đằng khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán và Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đuổi giặc Nguyên Mông. Chúng ta nghe thấy tiếng gươm khua và lời Nguyễn Trãi đọc Cáo bình Ngô thuở nào. Và chúng ta như thấy người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cưỡi voi xung trận, tiến vào kinh thành Thăng Long trong khói súng còn vương áo bào sớm mùa xuân bất tử. 

Thế kỷ XX của bão táp cách mạng, Việt Nam phải đứng lên chống lại hai đế quốc to để giữ nước, giữ tiếng nói, giữ niềm tự hào, kiêu hãnh của dân tộc đã hun đúc mấy nghìn năm qua. Triệu người một ý chí, quyết tâm bảo vệ bằng được tự do, độc lập, theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ để làm nên những kỳ tích trong đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Từ địa đầu Móng Cái đến tận đất mũi Cà Mau, từ vùng núi cao, đồng bằng đến hải đảo xa xôi, hàng nghìn, hàng vạn người lính Cụ Hồ đã quên mình để đất quê ta xanh mênh mông, để Việt Nam tạc vào thế kỷ. 

Từ Phai Khắt-Nà Ngần đến Điện Biên Phủ, từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đến mùa xuân 1975 là cả một quá trình gian khổ, hy sinh, là một pho sử bằng máu của dân tộc. Ở đó, tên các anh-NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ-đã khắc chạm những chiến công hiển hách trở thành niềm tự hào, vinh dự muôn đời.

Các anh còn trẻ lắm, có người là những chàng trai chân đất chưa quen cầm vũ khí. Các anh là những trí thức trẻ, là những học sinh, sinh viên, là những cô thanh niên xung phong chưa một lần có lá thư chuyền tay của bạn trai… Nhiều và rất nhiều người trong các anh chưa cầm tay người bạn gái, đôi môi các anh chưa chạm khẽ vào tiếng yêu thương day dứt. Các anh là những anh hùng, liệt sĩ, thương binh chúng tôi biết tên, biết tuổi. Các anh là những liệt sĩ vô danh nằm khắp cánh rừng già đại ngàn, những chiến trường khốc liệt.

Chúng tôi hôm nay, cũng như bao người Việt đang đi con đường các anh đã chọn. Trong mỗi giờ lên lớp, trước các em học sinh bé nhỏ, chúng tôi không cho phép mình được nhỏ bé để được nghĩ, được hướng về các anh với tất cả tấm lòng thành kính nhất. Trong mỗi việc chúng tôi làm lý tưởng các anh hôm qua là ngọn đèn soi sáng. Vẫn biết rằng, cuộc sống và thời đại đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi vẫn luôn hát về các anh, những NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ hôm qua và hôm nay bằng tất cả niềm tự hào và kiêu hãnh.