Mưa vàm Lũng

Mưa dữ dội bất chợt đổ xuống, không gian bưng kín mắt, gió quay chao đảo, con tàu tưởng chừng đổ nghiêng sang trái, tiếng máy rồ những nhịp gấp gáp rồi khựng lại khi tàu còn chưa kịp cập mạn. 

Minh họa: NGUYỄN VĂN CƯỜNG
Minh họa: NGUYỄN VĂN CƯỜNG

Thủy triều đang rút nhanh, bến vàm Lũng cạn dần, sền sệt bùn đất, mưa to gió mạnh hắt như trát bùn. Phải khó khăn lắm Vũ Nguyên mới giữ cho thùng đạn khỏi bị trượt rơi xuống nước. Gạt nước mưa, Vũ Nguyên vừa vần từng tí một vừa cố gắng đặt nó lên vai một người đang ghé sát ngay đó. Tấm vai chúi xuống… “Có đi được không?”. Không có tiếng trả lời nhưng nghe rõ tiếng hít lấy hơi rất mạnh: “Hổng có chi. Tui đi được”. 

Giọng con gái nghe ngọt mềm vang lên cương quyết, Vũ Nguyên bỗng thấy ngài ngại, anh nói động viên “Đồng chí sẽ không sao chứ?”. Giọng con gái hổn hển “Hổng sao đâu. Đừng lo... lo cho tu... ui”. Chỉ thế thôi tiếp theo là một tiếng “Ối” rồi bóng người cùng thùng đạn ngã sấp về phía trước.

Bằng một phản xạ tức thì, Vũ Nguyên nhảy ào xuống, nếu không nhanh thì thùng đạn sẽ nhấn cả mặt của cô gái ngập trong bùn. Anh kéo lết thùng đạn sang bên cạnh, tiếp đó xốc nhanh cô gái lên khi cô còn đang sặc bùn thở ngắc ngứ. Không chút chần chừ, anh mở to miệng rồi áp chặt miệng mình vào mũi của cô gái hút liền mấy cái thật mạnh. Cô gái hắt hơi liền mấy cái, từ mũi và từ miệng cô chảy ra nước dãi lẫn bùn. Trong giây lát Vũ Nguyên đã nghe thấy tiếng thở của cô. Một làn nước mưa táp xối xả, lại trong tư thế chân trụ không vững, Vũ Nguyên ngả bật ngửa về phía sau kéo theo cả cô gái ngã cùng. Cô đè sấp lên người anh, cả hai nằm yên dưới bùn để thở. 

Cảm thấy trong mùi bùn tanh tanh mằn mặn có một dư vị rất lạ… 

*

Chuyến chở hàng vượt biển này là lần thứ hai. Chuyến trước con tàu không số của đơn vị khởi hành từ quân cảng ở Đồ Sơn được xác định là: Vừa thăm dò tình hình địch, vừa mở đường chở vũ khí vào Nam đã thành công. Mục tiêu của chuyến này là vào vùng biển Cà Mau với điểm đến là bến vàm Lũng, một bến nhỏ ngay cửa con sông Năng, ẩn dưới tán lá rậm rì của rừng tràm, rừng mắm. Bến sông này được “Miền” chọn lựa bởi không chỉ ở đó ta có lực lượng địa phương một lòng son sắt với cách mạng mà còn có địa thế khá bí mật cho dù nó cách không xa chi khu quân sự Năm Căn của địch.

Con tàu lặng lẽ rời vùng biển quốc tế để tiến vào vùng biển phương Nam, Vũ Nguyên thấy bồi hồi, sau hai năm mới trở lại mà anh ngỡ phải mấy chục năm ròng. Nhìn làn nước biển trong xanh, từng con sóng đuổi nhau dập dồn anh muốn hét to lên, muốn được thả mình vào làn nước để vẫy vùng thỏa thích. Sinh ra và lớn lên ở một làng chài huyện Quảng Xương nơi xứ Thanh nhưng trước mầu nước biển rợn xanh, bầy hải âu bay hào phóng, anh như thấy mình được khám phá những diệu kỳ của biển. 

Biển phương Nam mùa này ấm áp, bầu trời trong xanh như tô cho nước biển thêm xanh trong. “Nếu không phải giữ bí mật thì hay biết bao nhiêu”, anh ghé mắt qua ô cửa nhỏ của con tàu để chiêm ngưỡng. Thấp thoáng bên ngoài là những con thuyền đánh cá của bà con chạy lao xao như những chiếc lá tre bơi đùa trên mặt ao nhà. Xa xa thoảng xuất hiện con tàu quân sự của địch chạy rẽ sóng. 

Chiều đang xuống dần, ráng đỏ mặt trời làm rực hồng nước biển. Đã gần tới đích. Lúc này không biết từ đâu có rất nhiều những con thuyền đánh cá của bà con chạy tới vòng quanh con tàu không số. Vũ Nguyên thấy phấn khích, thì ra bà con trước đó lảng vảng ngoài xa nay tụ về tạo thành một lớp bảo vệ cho con tàu, tránh những con mắt rình rập của địch. Đội hình ấy nhìn thoáng cứ ngỡ là bà con đi khơi về. Vũ Nguyên dướn mắt nhìn ráng đỏ, anh hơi lo lắng “Ráng đỏ thế này báo hiệu sắp có cơn mưa to”. Tiếng gọi to của thuyền trưởng nhắc anh trở lại trạng thái sẵn sàng. Mọi người tuy lặng lẽ nhưng ai vào việc nấy, phải đậy che cho cẩn thận. Gió mưa có thể làm bật tung mọi thứ. 

*

Trích thư của thày chậy (thày mẹ) Vũ Nguyên.

“Quảng Nham, ngày 21 tháng 6 năm 1963.

Nguyên ơi, con và anh em có khỏe không? Ở nhà thày với lại chậy đều khỏe. Năm nay trúng đậm vụ cá con ạ. Hợp tác xã mình ai cũng vui. Con yên tâm phấn đấu cho bằng anh bằng em con nhé.

Nguyên này, thày với chậy vừa đi xem mặt về. Con có nhớ cái Cảnh con cô Thắm ở xóm trong không? Ngày con đi bộ đội nó mới mười lăm tuổi. Giờ đã mười tám rồi. Ngoan đáo để và mặn mà lắm. Nghe chừng con bé cũng đồng ý con ạ. Thày với chậy chờ mong khi nào con được cấp trên cho về phép là sang dạm ngõ thôi.

Con nhớ nhé. Cái Cảnh con cô Thắm người xóm trong.

Chúc con và anh em trong đơn vị công tác tốt. Hoàn thành nhiệm vụ”.

- Coi bộ người ta trông kỳ lắm à?

- Đồng chí… bảo sao?

- Thì đó. Anh đang cười một mình đó.

Vũ Nguyên “à” nhỏ. Anh đang nhớ tới lá thư mà thày chậy gửi cho mình vào trước ngày anh cùng đơn vị nhận nhiệm vụ bí mật . Thày chậy lạ thật. Thư nào cũng nhắc chuyện lấy vợ.

- Không, tôi cười chuyện khác kia.

- Chuyện chi? Có cho tui biết được hông?

- Chuyện thày chậy tôi ấy mà. Không có gì đâu. Mà mấy hôm rồi tôi quên khuấy chưa hỏi tên đồng chí là gì.

- Em thứ năm - Cô gái thay đổi cách xưng hô - Anh cứ gọi em là Năm. Còn anh thứ mấy?

- Tôi là con út.

- Vậy thì chắc anh Út đang nhớ cô nào phải không?

Kinh thật. Vũ Nguyên lắc đầu thán phục. Anh ngắc ngứ chưa biết nên nói gì.

- Bữa trước không có anh Út thì chắc em sặc bùn chết rồi.

Câu nói thật thà hồn nhiên của cô gái làm Vũ Nguyên thấy xấu hổ. Anh ngượng nghịu ngồi dịch vào trong. Nhìn động tác ấy cô gái cười to.

- Bộ coi em kỳ lắm hay sao mà anh Út phải dịch vô?

*

Cuối cùng thì toàn bộ số hàng trên tàu đã được du kích và bà con chuyển lên khỏi con tàu. Lúc ấy đã tảng sáng. Con tàu sau cú va chạm mạnh đã bị hỏng, nó không thể vận hành để quay ra Bắc được nữa. Thuyền trưởng quyết định bỏ lại tàu. Vũ Nguyên đứng trân trân, lòng buồn rười rượi, anh thấy tiếc con tàu đã gắn bó với mình hơn hai năm qua.

“Chúng ta tạm thời rút vào cứ trong rừng U Minh - Thuyền trưởng nói nghèn nghẹn - Sẽ tìm đường trở ra Bắc sau. Phải che giấu con tàu. Lồ lộ phơi nắng địch sẽ phát hiện ra”. “Đúng đấy mấy chú, mấy anh - Cô gái bị ngã tối qua vội góp - Cháu xung phong ở lại chặt lá cây ngụy trang. Xong việc cháu sẽ rút vô trỏng”. “Cả tôi nữa - Vũ Nguyên nói  nhanh - Xong việc chúng tôi sẽ rút. Đã có nữ đồng chí đây dẫn đường vào cứ”.

Không ngờ Vũ Nguyên và cô du kích tên Năm bị kẹt lại. Đã ba ngày nay họ chỉ gạn nước uống cầm hơi. Công việc ngụy trang con tàu không hề đơn giản. Phải chặt cành cây ở chỗ cách xa con tàu bởi nếu chặt quanh đó sẽ làm phát lộ vị trí. Ba hôm nay Vũ Nguyên vừa leo cây chặt cành vừa cùng cô gái như căng hết sức ra để kéo những cành cây đã chặt vượt qua đám bùn lầy dính chặt từng bước chân.

- Anh Út mệt lắm hông? Anh nghỉ đi. Em vô rừng kiếm trái mắm về ăn. Giờ đang mùa cây cho trái.

Cô “Năm du kích” đứng dậy, bóng cô hút trong rừng cây um lá. Vũ Nguyên nhìn theo ái ngại “Cô ấy cũng đang đói mệt? - Rồi anh nói với chính mình - Chắc cùng tuổi với cô Cảnh người xóm trong? Mà tại sao mình không nhớ được cô Cảnh mặt mũi như thế nào. Thày mẹ bảo cô ấy có chiều đồng ý. Nghĩ cũng hay thật. Ngộ nhỡ gặp mình cô ấy lại đổi ý thì sao?”. Vũ Nguyên vẩn vơ nghĩ, rồi lại vẩn vơ “Sao tự dưng mình lại nghĩ tới cô Cảnh nhỉ?”.

- Anh Út nhớ cô nào mà mặt đần ra thế?

Câu hỏi bất ngờ của Năm làm Vũ Nguyên giật mình, anh lảng sang chuyện khác.

- Cô Năm hái được nhiều trái gì gì… à trái mắm không?

- Đủ cho anh Út ăn, cho em ăn mấy bữa.

Đó là chùm trái cây vỏ mầu nâu nhìn thấy mịn màng nhờ lớp lông vàng phơn phớt, to gần bằng quả chanh. Vũ Nguyên cầm một quả lên cắn thử, anh vội nhè ra vì nó có vị đắng chát. Cô Năm cười động viên.

- Hổng sao đâu anh Út. Mới đầu nó chan chát thế thôi sau ăn vào nó sẽ đậm trong họng. Dân vùng này ăn trái mắm thay cơm đó. Mà anh Út quê mãi đâu ngoài Bắc?

- Ở quê tôi dịp giáp hạt còn phải cậy rau má về ăn thay cơm đấy.

- Vậy hả anh?

- Ừ. Thanh Hóa quê tôi còn nghèo lắm! 

- Đợi mặt trời lặn, trời tối hẳn em sẽ dẫn anh Út vào cứ - Cô Năm đột nhiên thông báo - Vào cứ tha hồ vui. Ở trỏng mọi người chắc đang ngóng anh Út. 

“Vào cứ - Vũ Nguyên bỗng thấy chạnh buồn - Mình sẽ quay ra Bắc, mình sẽ xa cô gái nhỏ nhắn này ư?”.

*

Cựu chiến binh Vũ Nguyên ngừng kể, khóe mắt của người lính già đã bước vào tuổi tám mươi dân dấn nước mắt.

- Vào cứ một thời gian thì chúng tôi được móc nối với đường dây giao liên để qua Campuchia rồi vượt Trường Sơn để quay ra Bắc. Cũng đi thêm mấy chuyến nữa nhưng tàu cập bến khác.

- Thế cô Năm du kích - Tôi vội hỏi.

- Cô Năm hy sinh rồi. Năm 1972. Cũng vào dịp tháng 10 này. Đơn vị của cô ấy bị bom Mỹ đánh trúng.

- Tôi nhớ mãi hôm chia tay trong cứ - Cựu chiến binh Vũ Nguyên ngẩng mặt lên nhìn xa xăm - Cô Năm nắm chặt tay tôi bịn rịn. Cô ấy nói “Ngày chiến thắng anh Út nhớ về lại vàm Lũng ha”.