Mùa hạ

Năm ấy trời hạn, nóng nực nên ve nở sớm. Mới cuối xuân mà chúng đã kêu inh ỏi trên các tán cây. Tính ra, còn ít ngày nữa thì được nghỉ hè. Một hôm, tôi thấy chúng nó bàn tán xôn xao: “Lớp mình sắp được học thầy giáo”.

Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Những năm sau chiến tranh, trường lớp phải căng ra để gấp rút đào tạo. Nhiều thầy giáo vào chiến trường chi viện cho miền nam rồi vĩnh viễn không trở về, để lại một khoảng trống mênh mang trên bục giảng. Miền xuôi còn như thế nói gì đến những vùng miền núi mấy ngày mới có chuyến xe khách. Nơi khỉ ho cò gáy đó, có ổ gà mới nở phải cất vào gầm giường tre dẫu đêm các cô bị mò gà cắn thế mà sáng ra vẫn bị chồn tha mất mấy con. Thiếu giáo viên nên chuyện giáo viên Sử dạy kiêm cả Toán, cô giáo Văn thực hành mổ ếch, cô giáo Vật lý dạy Địa lý cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng khó khăn nhất vẫn là môn thể dục. Đám  học trò đang tuổi hiếu động chỉ thích được giáo viên nam thị phạm, làm trọng tài trong giờ tự chọn đá bóng và nhiều trò khác. 

Khác với tưởng tượng ban đầu của tụi học trò, thầy Vũ Khánh Dương lùn, mập và còn đeo kính cận. Có người bảo nhỡ không may thầy rớt mất cặp kính kia thì thầy biết làm gì trên vùng núi quanh năm mây phủ này.

Tuần đầu tiên kể từ khi thầy Dương đến trời mưa tầm tã, những đôi chân quen chạy nhảy đút gầm bàn bứt rứt. Thầy vào lớp, bỏ cặp kính dày xuống mặt  bàn, đưa đôi mắt dại dại nhìn cả lớp. Thằng Tiến phá vỡ bầu không khí trầm lắng: 

- Mọi khi thầy nhảy qua được bao nhiêu cen-ti-mét hả thầy?

Cả lớp cười ồ lên không ngớt. Bỗng thầy Dương đúng dậy bước đến giữa lớp múa hai tay theo một động tác lạ và bắt đầu kéo cả lớp vào câu chuyện… Tiếng trống vang lên từ lúc nào, mưa đã tạnh mà chúng tôi vẫn còn chưa muốn ra về. 

*

Hè năm ấy, vì trường có một số thiết bị và hồ sơ sổ sách không gửi nhờ đi đâu được, mấy đứa phải ở lại trực trường. Mùa này có trận mưa kéo dài cả tuần lễ, quần áo phơi dưới mái hiên nhà tranh mãi chả chịu khô, bữa ăn chỉ quanh quẩn lạc rang, cá khô rồi nằm nghe mưa đến hết đêm. Một sáng tỉnh dậy, bỗng thấy nhiều người kéo đến mặt hùng hổ, tay cầm gậy gộc, dao rựa. Hóa ra phía ngay sau nhà chúng tôi có một đống lông gà chôn dở. Mặc cho thầy Dương ra sức giải thích rằng, kẻ nào đó đã gieo họa nhưng họ cương quyết muốn lôi từng đứa ra hỏi tội. Thầy Dương đứng chắn ở cửa, nói đanh thép: 

- Sự việc còn chưa rõ ràng, các anh không có quyền động đến thân thể học sinh. Hơn nữa đây là trường học, là công sở!

Đám người kia tỏ ra chả muốn nghe lý lẽ gì chỉ muốn xem quả đấm của ai to hơn. Không khí đang căng như dây đàn bỗng thầy Dương hô lớn: “Chạy mau!”. Tôi cắm cổ chạy, nghe rõ tiếng bước chân. Khi đã chạy tới sườn núi thì không biết từ đâu nước ồng ộc chảy về. “Lũ”, mấy đứa run rẩy nép vào nhau…

Năm học mới đến, chúng tôi phải cuốc bộ mang theo gạo nước, quần áo và ít sách vở học nhờ địa điểm của huyện bên. Trận lũ đã xóa sạch dấu vết của một ngôi trường đơn sơ mà rộn tiếng cười hôm nào. Hình như không thấy ai điều tra, truy tìm vì hồ sơ, sổ sách, thiết bị đã mất sạch. Chúng tôi cũng chả thấy bóng dáng thầy Dương đâu. Tiết thể dục vẫn lại cô Hà với một cái chân cà nhắc vì đau khớp và học trò muốn chạy nhảy thế nào thì tùy. 

*

Hai mươi năm sau, tôi theo chân một đoàn gồm vài nhà báo, nhà kinh doanh quay trở lại mảnh đất ấy. Thú thực, ban đầu chúng tôi chỉ định kiếm chỗ núi non mát mẻ để cắm trại, nướng thịt và nâng ly. Mấy năm nay, người ta đang chuộng thú vui này thay vì ra biển ăn hải sản hay tắm táp. Vang chát đang mềm môi bỗng Lý - một tay có tiếng về kinh doanh bất động sản bảo: 

- Khu này trông thế mà khó mua lắm, có ông “chúa đất” ở đây om hết rồi. Cả đám bắt đầu xôn xao. Là người chẳng có vốn liếng, tôi tự tách mình ra khỏi câu chuyện bằng việc lên mạng kiểm tra lại địa điểm này trên mạng. Bỗng có người hỏi: 

- Thế tóm lại là tay nào mà giàu thế?

Lý phân trần:

- Là một ông già tên Dương. Vũ Khánh Dương. Trông còn nghệ sĩ hơn các bố mà lại khôn như chấy...

Vừa lúc ấy tôi cũng tìm được thông tin về cái khu hỗn hợp vừa trồng trọt, chăn nuôi, nghỉ dưỡng có cái tên dài loằng ngoằng: “Hương rừng thơm đồi vắng” này. Sao có sự trùng hợp như vậy? Ngày đó, đám học trò chúng tôi chỉ được nghe phong thanh thầy Dương mất tích. Còn cái bóng thầy thấp đậm với cây guitar cũ thì luôn hiện về trong tâm trí từng đứa. Thầy chỉ hát những bài về mái trường, mỗi lần hát đều say mê mắt nhắm lại để cất lên những lời ca tha thiết và luôn có giọt lệ đọng lại khi đôi mắt thầy mở ra. Có đứa bảo thầy vốn là giáo viên Văn, có đứa cãi thầy học nhạc họa. Mọi thứ cứ như một ngăn kéo lộn xộn trong đầu óc tôi. 

Phải vất vả lắm tôi mới thuyết phục được đám bạn cho tôi đến thăm cái khu “Hương rừng thơm đồi vắng”. Đón chúng tôi chỉ có những người trẻ, đa phần họ từng làm ăn xa và trở về đây sau mấy năm đại dịch Covid-19. Họ bảo, ông chủ Dương đi vắng, ông là người rộng lượng, thu nạp mọi người sa cơ. Tuy mức lương mà ông trả không cao nhưng bù lại họ đều vui vẻ cùng ông vượt qua khó khăn ban đầu. Điều mà tôi bận tâm nhất chính là tấm bản đồ được treo ở góc phòng với tên gọi: “Giữ hòa khí với rừng”. Trên đó, ngoài những đường nét mô tả núi đồi, suối của khu du lịch là cây cối với những mảng mầu ký hiệu về mức độ che phủ. Phải là người đã thấm thía cơn thịnh nộ của rừng mới ý thức được điều ấy. Dù đã rất lâu tôi vẫn nhận ra bên sườn núi, nơi từng có mấy gian nhà tranh từng là lớp học của bọn chúng tôi ngày đó. Cái lớp 10 “nhô” đầu tiên và cũng là cuối cùng. Có tiết thể dục của thầy Dương mà mãi mãi không bao giờ chúng tôi được học ngoài trời. 

Cơn mưa ập đến, chúng tôi phải vội vã ra xe. Điều tiếc nuối nhất là trong nhà điều hành của khu nghỉ dưỡng không hề có một bức ảnh nào của thầy để tôi có thể yên tâm là không có sự nhầm lẫn nào.

*

Khoảng một năm sau, khi đang lang thang trong một hiệu sách cũ, tôi bất ngờ khi thấy trong một quyển nhạc có dán một tấm ảnh người đàn ông tóc đã hoa râm, đeo cặp kính dày và khuôn mặt tròn. Tôi vội quay ra hỏi người chủ tiệm sách:

- Bác mua cuốn này ở đâu?

Sau khi tỏ vẻ bất ngờ nhìn tôi, ông ta cầm sách lên rồi chỉ tay:

- Có một ông lão vừa đem bán cho tôi. Ông này thi thoảng lại đem bán một vài cuốn sách chắc do cần tiền và có vẻ tiếc sách lắm. Kia, đi về hướng kia... 

Tôi cứ thế chạy theo hướng tay ông chủ tiệm sách nhưng hình như bóng thầy đã lạc vào dòng người trên phố tự bao giờ...