Một cái Tết đáng nhớ

Chỉ còn bốn ngày nữa là đến Tết. Sau thời gian huấn luyện ở Bắc Thái, chúng tôi được cấp trên cho về phép thăm gia đình, ăn Tết, trước khi vào chiến trường. Đó là mùa đông năm 1970 bước sang 1971. 

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

1/ Đường sá, cầu cống trên miền bắc bị máy bay địch đánh phá bị hư hỏng rất nhiều; phương tiện đi lại cũng rất khó khăn, nên chúng tôi rủ nhau “cuốc bộ”, tranh thủ từng giờ, từng phút vì chỉ được nghỉ phép có 5 ngày.

Xa nhà đã hai năm, nghỉ phép đúng vào dịp Tết nên ba-lô anh nào cũng căng phồng tư trang, quà cáp. Tuy rất nặng nhưng ai cũng vui. Về nhà lần này tôi sẽ được gặp Quỳnh, người bạn rất thân từ hồi học cấp III, hiện đang học cao đẳng sư phạm ở Hà Nội. Tuần trước tôi nhận được thư của Quỳnh. Em nói trong thư: “Em đang bận thi học kỳ, có thể giáp Tết mới xong. Khi nào anh về phép nhớ điện cho em nhé”. Trước hôm nghỉ phép, tôi đã ra bưu điện Phúc Trìu gửi cho Quỳnh một bức điện: “Anh nghỉ phép từ ngày…”.

Cả nhà tôi rất vui, mấy bác, mấy chị hàng xóm thấy tôi về cũng sang thăm. Ai cũng khen tôi chững chạc, rắn rỏi, khỏe khoắn trong bộ quân phục. Mẹ tôi vui nhất. Bố tôi mất sớm, anh trai và chị dâu tôi đều công tác ở trên huyện, Chủ nhật hoặc ngày nghỉ mới tranh thủ đạp xe về. Mẹ tất bật đun nấu, pha trà mời khách. Bà tỏ ra rất vui, nhưng tôi nhận thấy trong mắt ẩn chứa sự lo lắng. Đứa con dứt ruột đẻ ra, chỉ sau đây vài ngày nó trở về đơn vị, vào chiến trường, biết khi nào về.

Mẹ tôi chuẩn bị Tết khá chu đáo. Lá dong, đỗ xanh, gạo nếp, thịt lợn làm nhân có đầy đủ. Sáng 28, mẹ con tôi ngồi gói bánh. Đến chiều tôi hì hục kê mấy viên gạch làm kiềng ở góc sân, bê chiếc chõng tre để gần bếp lửa. Màn đêm đang chuyển dần về sáng. Sương mù dày đặc những giọt sương nhỏ lộp bộp trên những tán lá chuối trước sân. Hơi ấm từ bếp lửa tỏa ra khiến tôi ngủ thiếp đi.

Bỗng con “Đốm” nằm ở đầu nhà hực lên vài tiếng rồi chạy ra phía cổng.

- “Đốm im nào!”. 

Con “đốm” cào lên cánh cổng, mừng quýnh! 

Thấy động, mẹ tôi vặn to chiếc đèn dầu rồi ra cổng. 

- Con chào bác! 

- Quỳnh hả con! Sao về giữa đêm hôm khuya khoắt thế này! Mau vào nhà đi kẻo lạnh!

- Dạ chuyến tàu ngược hôm nay chậm tới bốn tiếng bác ạ. 

Tôi bật dậy, khoác vội chiếc áo bông cho đỡ lạnh ra đón Quỳnh. Quỳnh chăm chú nhìn tôi hồi lâu như nhìn một vật thể lạ. Không hiểu vì lạnh hay vì cảm động mà em chỉ mấp máy miệng chào tôi.

Quỳnh gầy đi đôi chút. Đôi mắt mở to, long lanh. 

Mẹ tôi lấy chiếc khăn len đưa cho Quỳnh rồi vào: con quàng vào cho đỡ lạnh, để bác xuống bếp nấu bát mì ăn cho ấm bụng.

- Dạ, con cảm ơn bác. Con không đói đâu ạ! 

Mẹ tôi pha cho Quỳnh một cốc nước gừng nóng rồi ý tứ vào gian nhà trong. Quỳnh cho biết, em được nghỉ đến hết ngày mồng bốn Tết.

Đêm ấy, Quỳnh vào ngủ với mẹ tôi. Sáng hôm sau Quỳnh xin phép về trong nhà. Cùng xã nhưng nhà Quỳnh ở xóm trong cách nhà tôi chừng 4 km, qua một cánh đồng trống. Mẹ tôi kể rằng, từ ngày tôi nhập ngũ nhiều khi vào chủ nhật được nghỉ, từ Hà Nội, Quỳnh tranh thủ về thăm nhà, gặp khi mưa gió hoặc quá khuya em nó thường về đây ngủ với mẹ, sáng hôm sau về trong nhà. 

Sáng hôm sau, tôi đạp xe vào nhà Quỳnh đem theo hộp mứt Tết, hai bao thuốc lá Điện Biên bao bạc mà mẹ tôi đã chuẩn bị trước và một cân chè Tân Cương tôi mua ở Thái Nguyên. Thấy tôi đến hai bác vui lắm. Bác trai đang dạy cấp II trên trường huyện vừa về nghỉ Tết cách đây hai hôm. Bác gái làm cán bộ phụ nữ xã. Qua thư của Quỳnh tôi biết em trai của bạn ấy vừa nhập ngũ hồi đầu năm. 

- Cháu được nghỉ phép lâu không?  Bác trai vừa hỏi tôi vừa đưa tay kéo cái khóa phéc-mơ-tuya trên cổ áo tôi lên. 

- Dạ, chiều ngày mồng 2 Tết cháu trả phép ạ.

- Vậy mà hôm trước cái Quỳnh nó bảo Tết này có lẽ cháu không được về.

- Anh ấy “đảo ngũ” đấy bố! Quỳnh từ trong bếp nói vọng ra. 

- Sao con nói anh nó thế! Trông ra dáng lãnh đạo lắm rồi đây. Bác nghe Quỳnh nói là cháu vừa được đơn vị cho đi học lớp tiểu đội trưởng phải không? 

- Vâng ạ! Cháu đi học hồi tháng 10 rồi ạ! 

Lần đầu tiên tôi ăn cơm nhà Quỳnh. Bác gái ngồi bên cứ gắp đầy thức ăn vào bát và bảo cứ tự nhiên con nhé. Trước lúc chia tay, mẹ Quỳnh nói với tôi: 

- Con cứ yên tâm, bác đây với bác ngoài nhà chẳng lạ gì nhau. Bác ngoài nhà phúc hậu và đảm đang lắm! 

Bây giờ hai đứa làm bạn với nhau thì thuận quá rồi! Con cứ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ nhé. 

2/ Chiều 29 Tết, tôi đạp xe đưa Quỳnh đi một số nơi trong xã xem không khí chuẩn bị Tết của bà con. Không hiểu sao đi lòng vòng một hồi hai đứa chúng tôi lại ra bến sông, nơi cách đây hai năm, cũng vào mùa đông giá rét, Quỳnh cùng mấy người bạn thân tiễn tôi lên đường nhập ngũ. Hai chúng tôi dựng xe rồi ngồi trên bãi cỏ ven sông. Dòng sông mùa này hẹp lại, để lộ ra những bãi cát mịn màng. Nước chảy êm đềm. Một làn sương mỏng tang như một dải lụa la đà trên mặt sông. 

Trời mùa đông tối rất nhanh. Mới gần 5 giờ chiều mà đã sâm sẩm tối. Trên bến sông đã thưa khách qua lại. Những người cuối ngày rời bến với quang gánh cồng kềnh, bước liêu xiêu ngược chiều gió lạnh. Hai chúng tôi ngồi sát nhau. Quỳnh luồn tay vào cánh tay tôi rồi ngả đầu vào vai tôi thỏ thẻ nói chuyện. Tay còn lại cứ vặn những cọng cỏ ném xuống sông. Một lát sau, chợt nhớ ra điều gì, Quỳnh lấy từ trong túi vải ra hai chiếc bút máy Trường Sơn. Quỳnh đưa tôi một chiếc: 

- Anh cầm chiếc bút này làm kỷ niệm. Trên thân bút em đã nhờ thợ ở Bờ Hồ (Hoàn Kiếm) khắc vào hai chữ Q và L lồng vào nhau. Đó là lời hứa của em và anh nữa đấy. Bây giờ anh thề với em đi! Phải thật chung thủy đấy nhé. Nói rồi Quỳnh bảo: Đưa ngón tay đây! 

Hai đứa chúng tôi ngoắc tay nhau. 

3/ Chúng tôi ghét nhau rồi quý nhau từ một kỷ niệm rất sâu sắc hồi học lớp 8 (hệ 10 năm). 

Tôi là đứa học vào loại khá của lớp nhưng rất hay mất trật tự và nghịch ngợm. Vì thế cô giáo chủ nhiệm xếp tôi ngồi giữa hai bạn gái. Bên trái tôi là cái Nhàn, bên phải tôi là Quỳnh. Quỳnh ít nói, lúc nào cũng có vẻ kiêu kiêu nên tôi rất khó chịu, nhất là những khi thầy, cô giáo nhắc nhở tôi, thì Quỳnh thường hay bĩu môi, dè bỉu. Một lần trong giờ học văn, khi Quỳnh đứng lên phát biểu, tôi lấy cái thước ngắn dựng đứng phía dưới. Khi Quỳnh ngồi xuống, đầu thước đâm thẳng vào mông, Quỳnh chỉ kịp “ái” lên một tiếng rồi úp mặt xuống bàn. Cô giáo từ trên bục giảng đi xuống với gương mặt rất nghiêm nghị:

- Em sao thế Quỳnh?

- Dạ… Em bị đau bụng ạ!

- Có cần đưa lên y tế của trường không?

- Dạ… Em đỡ rồi ạ!

Thật hú vía. Hôm đó, nếu Quỳnh nói lên sự thật thì lập tức tôi sẽ bị đuổi ra khỏi lớp và sau đó sẽ nhận một hình thức kỷ luật nghiêm khắc của trường. Lúc đó tôi thầm cảm ơn Quỳnh. Sau đó, tôi vô cùng ân hận về việc làm của mình và đã đến xin lỗi Quỳnh. Chúng tôi quý mến nhau từ đấy.

4/ Rồi những ngày Tết đầm ấm và hạnh phúc bên gia đình và những người thân cũng qua nhanh. Chiều ngày mồng hai Tết, Quỳnh đưa tôi ra bến sông để trở về đơn vị. Gió bấc thổi triền miên trên bến sông. Quỳnh nép mình vào tôi. Em im lặng không nói gì. Một đơn vị bộ đội có đến cả trăm người súng đạn lỉnh kỉnh đã dừng chân trên bến sông. Chắc họ vượt sông đêm nay. Trong không gian yên tĩnh đó bỗng vang lên bài hát “chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” từ chiếc radio đeo bên sườn của người chỉ huy đơn vị, nghe thật khí thế!

Đò cập bến. Tôi khoác ba-lô lên vai, nắm tay Quỳnh dặn dò: Em nhớ giữ gìn sức khỏe “cô giáo tương lai” của anh nhé!

Quỳnh nắm chặt tay tôi: 

- Anh nhớ giữ gìn sức khỏe. Về đơn vị viết thư cho em ngay nhé. Bút em đã bơm đầy mực rồi đấy! 

Chiếc đò cập bến. Tôi bước lên đò mà không nghĩ được điều gì. Con đò rời bến để lại phía sau hai dải quạt trên mặt nước: Bóng Quỳnh trên bờ sông nhỏ dần rồi mờ đi trong làn sương chiều một ngày đầu xuân. 

Bốn năm sau - mùa xuân năm 1975, từ Sài Gòn vừa được giải phóng tôi về bắc tổ chức đám cưới - Đám cưới của một Đại đội trưởng với một cô hiệu trưởng trường cấp I ở quê nhà.

BÙI ANH ĐỨC (ghi)