Mình chào nhau bằng những nụ cười

“Chúng mày ra đường nếu có gặp ai thân quen thì nhớ nhanh mồm, nhanh miệng lên, phải chào hỏi người ta cho đàng hoàng đó…”.

Mẹ thường dặn con cháu như thế mỗi dịp về quê nghỉ lễ hay cuối tuần rỗi rãi gọi điện chuyện trò. À thì, ngày xưa lúc tôi nhỏ dại nhỡ ốm đau bao giờ xóm giềng cũng đỡ đần khuya sớm, coi sóc nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, rồi cho đủ thứ quà cây nhà lá vườn mong thằng cháu chóng chóng khỏi bệnh. Suốt những năm dài thơ ấu, in dấu trong đời tôi là gương mặt gầy guộc, dáng dấp còng xọm xương hom của bác Hiền giúp tắm rửa bữa tan lớp ị đùn, anh Toản vẹo hông bế hộ cô em gái. Chúng tôi ăn chực sứt mòn cả bát, nằm rách từng manh chiếu, mặc thừa mấy bộ quần áo cũ kỹ của nhau đến đứt chỉ đũng quần. Giờ nghĩ lại còn rưng rưng xúc động. Sao ai nỡ đành quên?

Nhớ khi tôi chuẩn bị hành lý nhập học trung cấp ngành công an, hàng xóm kéo đến thăm nom, hỏi han đầy nhà. Nào cô Phượng, cô Thơm, bác Huyền… và hơn chục bà con khác nữa. Họ dúi cho tôi ba mươi nghìn, năm mươi nghìn để lên đường thuận lợi, vạn sự bình an. Có đồng tiền ươn ướt mồ hôi, lại có đồng hằn vệt mực mờ phai, cũng có đồng nhăn nhúm như cất giữ rất lâu... được trao với niềm tin yêu thương quý vô hạn.

Mẹ tỉ mẩn ghi nắn nót tên từng người vào trong cuốn sổ ngả vàng cũ kỹ. Thời gian nhòe nhoẹt, bốn mùa mưa nắng xoay chuyển đất trời, mối mọt mất tên nhưng mẹ vẫn nhớ rõ lắm. Cứ trông thấy mặt là dặn hoài cái bài chào hỏi ấy một cách triền miên không dứt. Nghe rát rạt lỗ tai, tôi mới thắc mắc tò mò mà mẹ cười bảo, dân xứ mình sống với nhau trọn tình, trọn nghĩa, hồi nhà còn túng thiếu nghèo đói thì người ta sẵn sàng chìa tay cưu mang đùm bọc, mượn gạo, mượn đồ đâu nề hà thứ chi. Rồi đám mày đi học lại tới động viên cho tiền quà bánh. Cớ gì tụi bay học hành thành đạt, gặp người không hỏi, tiếc gì câu nói hả con. Phải tội chết… phải tội chết…

Người ta đôi khi thèm những nụ cười rạng rỡ, niềm nở đối đáp mấy lời quan tâm thường nhật “về lúc nào đấy con?” hoặc “dạo này thế nào? Công việc tốt không?”. Nhiều người xuống phố quen nếp sống đèn nhà ai nhà nấy rạng. Suốt ngày núp trong bốn bức tường trọ, nghe nhạc, xem phim một mình, cậy học được ít chữ, bằng cấp cao khinh bà con chân đất mắt toét quê mùa lạc hậu, đi thấy chẳng chào, về gặp không hỏi. Họ chê dữ lắm. Mẹ vẫn mắng vốn “con nhà A như cái thằng câm dở vậy, chúng mày đừng học theo…”. Tất nhiên, tôi lắc đầu nguây nguẩy hà, chung quy sống ở đời phải biết trên, biết dưới, kính già yêu trẻ mới khôn lớn thành người.

Như năm đại học tôi cười cùng lũ bạn, từ mọi miền Tổ quốc bén duyên trời sum họp giống anh em một nhà. Như dạo nhận công tác mãi miệt Tuyên Quang xa xôi nghìn trùng, chị Trang, chị Thoa, anh Hoàng Anh… và các chú cười thân thiện cầm tay chỉ việc. Rồi điệu cười khiêm tốn của cậu bạn văn tít tận bản làng thuộc huyện Lâm Bình mỗi buổi tối chát video tâm sự, nụ cười nhiệt tình mà anh tiền bối nhà văn miền Nam hôm ra Bắc hội ngộ. Nhiều thiệt nhiều ôi chao là nhớ…! 

Quê hay phố phân tách chi rạch ròi, muôn người muôn vẻ riêng tình nghĩa tứ đời nguyên vẹn, ai mà chẳng thương, chẳng nhớ. Gần có lẽ sẽ không cảm thấy gì đáng nói, chớ xa cách lâu ngày thì thèm hẹn hò với nhau da diết, dù gặp gỡ thoáng qua phút chốc cũng muốn chào nhau bằng những nụ cười…