Làng trầu của tôi

Làng Đức Thụ của tôi nằm bên sông Đáy, trước đây, nổi tiếng với nghề trồng trầu cau. Khi tôi còn nhỏ, đi từ trong làng ra ngoài bãi, hầu như nhà nào cũng có một vườn trầu không. Còn cau thì rợp bóng quanh sân, ngoài vườn, hương cau thơm ngát. 

Chỉ cần nhìn thấy vườn trầu và hàng cau, trái tim thơ trẻ của tôi đã ấm áp. Còn người lớn thì quanh năm tất bật việc đồng áng, chăm vườn trầu, cau và hái bán khắp chợ gần chợ xa. Trầu quê tôi là thứ trầu quế, cụ ngoại tôi mang về từ Hưng Yên, lá nhỏ, dày, mầu hanh vàng và đặc biệt là cay, thơm, không trầu làng nào sánh kịp. Cây trầu kén đất, kén ăn, mà còn cần nâng niu trân quý, thu lợi cũng chẳng là bao. Hình như, với người làng tôi khi ấy, giá trị tinh thần mà trầu cau mang lại quan trọng hơn đồng tiền thì phải?

Cứ đến những tháng cuối năm, cả làng lại đi vào chợ Bến, chợ Vài, hay chợ Thá, chợ Đào để mua trúc về đợi ra giêng ấm áp thì gia trầu. Hàng trầu được dựng lên bằng hàng cây trúc thẳng tắp, cứ hai hàng thì bắc thành một giàn, tựa vào các cột tre đỡ ở các đầu luống và giữa luống. Gốc mỗi cột tre này lại thả cây củ từ hay củ mỡ mầu trắng hoặc tím, một thứ củ ngon lành, ấm lòng khi gạo ít. Đất trồng trầu là loại đất pha phù sa màu mỡ, hay đất vượt từ ao lên, để ải. Để bón trầu, người ta mua đậu tương loại, ngâm ủ cho hoai rồi mới tưới. Hằng ngày, gánh nước cho trầu uống. Khi sương muối xuống thì phải che trầu, vì dính sương, trầu sẽ úa và rụng sạch nên vườn trầu giống như phòng khuê nữ lúc nào cũng cửa kín rèm che. 

Khắp những xóm làng chung quanh, ai muốn mua trầu ngon thì đều tìm đến trầu Thụ. Miếng trầu muốn thắm đỏ, cay ngọt thơm ngon lại cần có loại cau đậu làng tôi. Đó là loại cau được ra ngôi ba lần, bón bằng đậu tương ngâm và ốc vặn đập ra, chôn quanh gốc. Những buồng cau nặng trĩu, xanh non. Khi bổ quả cau thì phần hạt nâu hồng và phần thịt trắng đều nhau. Miếng cau mềm và ngọt đi với trầu cay, vôi nồng và miếng vỏ chay hay vỏ quạch mang từ vùng núi non Hòa Bình ra, ngửi hương đã thấy say, quyện vào nhau thắm đỏ. Các bà lứa tuổi bảy mươi hiện nay trở lên, ở quê tôi, ai cũng biết ăn trầu, ai cũng nhuộm răng đen nhức. Bà tôi, mẹ tôi, ai cũng có một cái cơi đồng, dao cau sắc, bình vôi. Người ăn trầu quen thì nuốt cả nước trầu mà không cần ống nhổ. Khách đến nhà được mời ăn trầu, uống nước vối hay nước chè tươi. Mấy chàng rể của mẹ tôi cứ ngồi xuống bàn là mở cơi trầu của mẹ. 

Cả khi đi dạy học rồi, tôi vẫn giữ thói quen ngày nào cũng đảo qua chợ làng, ở đó có hàng trầu vỏ của bác họ tôi. Bác tôi ngồi dưới gốc cây nhãn cổ, da trắng, môi trầu tươi, áo nâu, yếm đào, bao đũi đẹp như một bà tiên… Giờ ở chợ làng vẫn có cô Túc da trắng môi đỏ ngồi bán trầu cau. Và cứ lên chợ, tôi nhất định sẽ đảo qua. Cũng không hiểu vì sao mà đất trầu, da ai cũng trắng tươi, kể cả trai lẫn gái. 

Mẹ tôi năm nay đã sắp sang tuổi 101, mẹ không ăn trầu nữa! Còn âu trầu, cối trầu và bình vôi thì vẫn là vật gia bảo trong nhà. Làng trầu giờ không còn vườn trầu nữa, mỗi nhà chỉ còn một giàn trầu, mấy gốc cau để dùng những ngày tuần tiết và khi ngày đông cho ấm lòng hoặc để nhớ lại một thời đã qua không trở lại. Ngồi gõ những dòng này, tôi lại trào nước mắt khi nhớ đến bà ngoại tôi. Thời làng trầu, tối nào tôi cũng được đến ngủ với bà. Tôi luôn vòi bà kể chuyện. Chỉ có hai truyện Tấm Cám và Thạch Sanh, bà kể cho tôi suốt tuổi ấu thơ. Tôi nằm trong vòng tay bà nghe kể chuyện và thiếp đi trong hơi trầu thơm nức.