Khoảnh khắc

Hạ đã ngồi im như tượng suốt hai tiếng hơn, mắt dõi qua khung cửa sổ. Định vị cô nhờ người cài lén trên ô-tô của chồng kết nối thẳng vào điện thoại cá nhân cho thấy xe đang ở Bách Thảo, nhưng có người gặp anh đi chiếc xe đạp điện mới coóng, vẻ mặt hớt hải trên đường.

Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN

“Nhầm sao được, ông ấy mặc sơ-mi kẻ xanh, quần âu đen, đôi giầy cũng đen…”, lời mô tả chính xác từng li như đóng đinh vào tâm trí Hạ. Tuần trước, khi Thanh nói sẽ đi Sơn La dăm ngày, Hạ định thu xếp hành lý giúp chồng thì anh gạt đi: “Đồ đạc có gì đâu, tự anh xếp sẽ tiện hơn”. Trở về, tâm trạng Thanh khác hẳn. Nói cười, huýt sáo vu vơ, ra ban-công nghe điện thoại của ai đó cũng lại cười. Hằng, con gái hai người, còn reo lên: “A, có quà của bố!”. Tính chồng, Hạ chẳng lạ gì, không ưa ôm đồm mang vác. Cả nhà đi nghỉ mát, vợ muốn mua chút hải sản, quà lưu niệm mắt chồng cũng lộ vẻ ngài ngại, đành thôi. Cơ mà chuyến này về nào hoa quả, thổ cẩm, nấm hương, gia vị… thứ nào thứ nấy được gói vuông vắn, gọn gàng. Thanh vốn chỉ thích hương vị đơn thuần, quen thuộc, nay lại có vẻ xoắn xuýt trước mấy món kia. Hẳn ai đó đã chuẩn bị cho rồi, mối quan hệ lén lút mà cứ ra cái vẻ đàng hoàng tử tế! 

Ghen tuông, hồ nghi ăm ắp, giằng xé, nhưng tuyệt nhiên Hạ không hé răng nửa lời. Thanh và Hạ cùng quê, học chung từ lớp vỡ lòng, tới thời đại học mới mỗi đứa một trường nhưng loáng cái sau giờ học Thanh đã đứng bên chiếc xe đạp chờ Hạ ở cổng trường. Hai đứa đi ăn trưa rồi Thanh chở Hạ tới nhà hàng cho kịp ca chiều, tiện đường anh rẽ quán cà-phê nhạc, thay đồ bảo vệ, đứng trông xe. Ai cũng bảo hai vợ chồng là cặp trời sinh, phải may mắn, hữu duyên lắm mới bên nhau được từng ấy năm, vượt qua bao khó khăn, lận đận. Ngoài tình yêu, giữa họ còn có tình bạn và bao điều khác nữa. Lắm khi, người này chưa nói, người kia đã hiểu ý rồi. “Hè năm nay nắng thật, người lúc nào cũng kiệt đi”, Thanh vừa thở dài thì giọng Hạ đã xoa dịu: “Sấu đầu mùa đang ngon, em cấp đông hết rồi, ngâm thêm vài lọ vừa gửi về cho mẹ”. Đấy, chỉ thế đủ khiến Thanh mát lòng. Hè nào thì từ đầu mùa vợ cũng gửi sấu ngâm về biếu mẹ anh. Bà khoe khắp xóm cô con dâu đảm đang, tinh ý. Ngày xưa cả làng cứ đùa vui gán ghép cho Thanh, giờ quả là phúc phận. Còn Thanh, mỗi ngày chỉ cần bát nước rau muống luộc đánh sấu chua, đôi ba quả sấu dầm mắm là xong bữa. Đơn giản thế mà cứ phải Hạ làm mới được. Mấy đứa cháu gái anh dạo đến ở cùng cũng làm món ấy mà anh nhất mực không ưng. Con gái con đứa, luộc rau còn chẳng xong. Rau vàng quạch, dai ngoách, bát nước sấu chua còn lởn vởn lá rau, gia vị nồng sực và mặn chát. Riêng sấu dầm, hình như chúng nó ăn thử thấy chua nên thêm đẫy đường vào, khác nào ăn cơm với sấu ngâm đường chan mắm tỏi. Biết ý, Hạ lại phải gọi cháu ra dặn dò, chỉ bảo, riêng món sấu dầm cô tự làm, cho vào từng hộp nhỏ để sẵn ngăn mát tủ lạnh.

*

Gia đình Hạ sẽ ra sao nếu Thanh ngoại tình? Mọi thứ khó tránh khỏi ê chề, vụn vỡ. Mà Hạ lại không thể nói cho Thanh biết mình đang nghĩ gì, cảm thấy gì, nhất là khi vài cô đồng nghiệp ở cơ quan anh rỉ tai cảnh báo Thanh dạo này “khác lắm”. Thế có khổ không. Hoặc nhắm mắt làm ngơ, gia đình giữ được vẻ bình thường vốn có; hoặc rõ ràng mọi thứ, chấp nhận mất mát, tổn thương. Tùy chọn. Bạn thân đưa ra hai giải pháp. Đương nhiên, sao mà nhắm mắt làm ngơ được. Có điều lu loa, ồn ã vốn không phải tính cách của Hạ. Chiêu đầu tiên, cài định vị trên ô-tô chồng. Hạ đã làm. Lộ ngay Thanh nói dối. Bằng chứng lưu cả rồi. Thời buổi công nghệ thiếu gì cách. Chiêu thứ hai, chú ý tâm lý, biểu hiện bất thường. Hạ đang theo dõi đây. Sau cái buổi người quen gặp Thanh đi xe đạp điện trên phố, Thanh khang khác. Cũng vui vẻ hân hoan hệt hôm anh đi Sơn La về. Hôm ấy, Hạ cố tình thêm đường, muối vào món sấu dầm, Thanh vẫn chén ào ào ba bát cơm rồi lên phòng nghe nhạc. Câu hát khe khẽ vọng từ đôi loa trong phòng hai vợ chồng: “Nếu những mầu sắc nhạt dần, anh sẽ vẽ em với mầu nỗi nhớ…”. Đến nước này thật quá lắm rồi. Hạ không kiềm chế được. Định xô thẳng cửa vào, nói cho hết mọi hồ nghi quanh quất. Bước chân cô dằn hắt trên cầu thang, bỗng nghe giọng Thanh gọi con: “Hằng ơi, mang bài vở sang đây bố chỉ cho nào!”. Tiếng con gái reo vui: “Vâng ạ, bố xem cho con cả mấy bức vẽ nữa, cô giáo bảo cần chỉnh thêm nền”… Hạ khựng lại, mắt ầng ậng nước. 

Bỗng dưng gọi cho đồng nghiệp của chồng thật không tiện, trừ khi họ tự nói, như mấy đồng nghiệp nữ bên cơ quan ấy. Băn khoăn mãi, Hạ gọi điện cho Tùng. Tùng ở cơ quan khác Thanh nhưng cùng quê hai vợ chồng và lại thân với Hạ. Cô tiết lộ với Tùng về những lần Thanh xa nhà nhưng không có tên trong lịch công tác cơ quan, bằng cách nào Hạ biết thì Tùng không cần hỏi. “Mình nghĩ chưa đủ cơ sở để kết luận điều gì đâu. Hơn nữa, mấy anh em vẫn hàn huyên, đàn ông mà có gì, khó giấu được nhau lắm. Mình thân với Hạ, không có nghĩa Thanh sẽ nghĩ mình là người đưa chuyện”, giọng Tùng ấm áp, trấn an. “Vậy mình phải làm gì?” - “Hạ cứ làm những gì cảm thấy cần, có điều mọi thứ nên chừng mực, đừng đánh mất bản thân”. Cuộc trò chuyện không kết quả với Tùng càng khiến cô mông lung.

Mới đầu giờ chiều, sao cửa nhà không khóa và Thanh lại ở nhà giờ này? “Anh phải bay gấp vào Nha Trang, con nghỉ hè rồi, nếu bà nội lên thì cho con về chơi với bà ít hôm nhé!”, giọng Thanh vồi vội. “Sao đi đột ngột thế?” - “Ừ, công việc mà!”. Chẳng đợi Hạ nói thêm câu nào, Thanh kéo chiếc vali ra khỏi phòng, không hay biết mọi cử chỉ hành động của mình đều lọt vào mắt vợ, không sót một chi tiết. “Trong ấy nắng lắm, anh khoác thêm cái áo này vào kẻo lại cháy nắng”… Thanh có mặc chiếc áo không, có đi vì công việc không, chẳng quan trọng, bởi chiếc máy ghi âm bé xíu như cúc áo Hạ đã khâu sẵn... Chiếc máy ghi âm sẽ chứa đựng mọi bằng chứng, không khiến Hạ phải nhiêu khê, dài dòng. Khi đó, đến mẹ Thanh chắc chắn cũng đứng về phía Hạ. 

*

“Không nghĩ anh sẽ vào đây nhanh thế!”; “Vợ tôi lúc xem bức ảnh anh gửi qua tin nhắn cứ rưng rưng. Cô ấy không ngờ khoảnh khắc ôm con nhỏ tiễn chồng ra đảo làm nhiệm vụ lại được ống kính của Thanh ghi lại. Thật ra, đâu cần cầu kỳ quá, tôi có thể nhận ảnh và in cho gia đình mình mà. Chụp cho nhau đã quý lắm rồi!”. Đáp lại lời người đàn ông có vẻ đã đứng tuổi, giọng Thanh đầy tâm trạng: “Em có nghe đồng đội anh nói về bệnh tình của chị…” - “Ừ, bệnh ung thư thì không nói trước được, nhưng cô ấy rất bản lĩnh, vợ lính mà!”. 

Im lặng hồi lâu, Thanh bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy em mới vào nghề ảnh, khi hình ảnh chị và cháu bé lọt vào ống kính, tay em đã run lên, mắt mờ đi, em bấm máy bằng cảm giác”. Hai người đàn ông ôn lại nhiều kỷ niệm. Người lính kể, sau nhiều năm gắn bó với đảo xa, anh được trở về công tác trong đất liền, có điều kiện chăm sóc cho gia đình. Nhưng khoảnh khắc đầu tiên khi bước chân lên chuyến tàu làm nhiệm vụ, khi đưa tay vẫy chào vợ trẻ, con thơ thì chẳng bao giờ quên được. Vợ anh cũng vậy. Chị cố kìm tiếng nấc, cố không để nước mắt rơi, nhưng ánh nhìn đầy khắc khoải trong bức ảnh Thanh chụp đã toát lên hết mọi nỗi niềm sâu thẳm. Nhờ mạng xã hội, hành trình tìm lại nhân vật không khó, nhưng Thanh muốn tự in ảnh, chọn khung, đề tặng và ghi đúng thời điểm lúc chụp để trao cho gia đình người lính. 

“Thế nhân vật nào cũng được anh tặng ảnh à?”. Sau câu hỏi, Thanh bâng khuâng nhớ. Một trưa hè oi ả, nóng nực đến mức ai cũng cố trốn vào một góc nào đó, anh ngang qua Bách Thảo, gặp cảnh người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế gỗ, ngoẹo cổ sang một bên, ngủ ngon lành. Cái nón sờn che đi một phần gương mặt lam lũ. Thanh bấm máy chụp lại. Hoa nắng phủ trên gương mặt, soi rõ đường nét thanh tú một thời, những đốm tàn nhang trên gò má cũng nhấp nháy tạo nét duyên rất đời thường, mộc mạc. Hôm sau, anh mang ảnh tặng. Khoảnh khắc ấy chị trông xe đã mang một chân dung khác. Xởi lởi, vô ưu, pha chút sắc sảo. Nhưng chị vẫn xúc động lắm, đến nhiều ngày sau vẫn cứ tấm tắc khen: “Chú chụp duyên quá, chồng tôi treo ngay giữa nhà”. Hôm cơ quan có sự kiện, hết chỗ để xe trong sân, anh ghé Bách Thảo. Thấy Thanh quáng quàng sợ muộn giờ, người chị cho mượn luôn cái xe đạp điện mới cóng vừa sắm cho con gái. 

Còn cụ già ở mãi Sơn La, khi nhận được bức ảnh chụp mình chống gậy đi giữa vườn hoa mận cứ hồ hởi mời Thanh lên nhà chơi một chuyến. Vườn mận vẫn đẹp nguyên như thế. Cảnh nhà đã khác xưa rồi. Mấy đứa cháu không còn nhem nhuốc ham chơi nữa, học hành đỗ đạt cả. Con trai, con dâu mở dịch vụ lưu trú cho khách du lịch thành ra “khá lắm”. Cụ mời chào thế chối sao đành…

Hạ chợt nhớ, nhiều lần, Thanh bất ngờ đặt trên bàn làm việc của Hạ bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc ngày xưa. Thuở Hạ cười trong vắt bên hồ sen thơm ngát. Lúc Hạ ôm trên tay bé Hằng vừa he hé cặp mắt đen láy mới chào đời… Ảnh được lồng trong từng chiếc khung gỗ tự tay Thanh cắt ghép. Hạ buông tiếng “dào ôi” và cảm thấy thật bình thường. Là do mọi thứ quen thuộc quá hay chính Hạ đã dần vô tâm trong vẻ chỉn chu, tháo vát đời thường.