Hoài niệm radio cassette

Ngày nay, kỷ nguyên công nghệ số đã làm cho việc nghe nhạc trở nên cực kỳ đơn giản: nghe trực tuyến, nghe từ các file trong thẻ nhớ, USB, máy tính, điện thoại… Chỉ một click chuột hoặc vuốt tay cảm ứng, âm nhạc với đủ dòng, đủ thể loại đã ngập tràn cho người nghe thỏa sức chọn lựa.

Vậy mà vẫn có những người mày mò trong đống “ve chai” để tìm nghe những âm thanh xưa cũ…

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nền kinh tế còn khó khăn, việc có một chiếc radio để nghe tin tức cũng là mơ ước của bao gia đình, chưa nói đến một chiếc đài. Đến đầu những năm 90, việc sở hữu một chiếc radio cassette không còn khó khăn với các gia đình trung lưu. Các hãng điện tử của Nhật Bản chuyển sản xuất ra nước ngoài nên giá thành hạ và số lượng lớn. Thành công nhất là Sony với dòng sản phẩm âm thanh Megabass mạnh mẽ và chiếc máy nghe nhạc cầm tay huyền thoại: Mr Walkman.

Đài cassette đã làm thị trường sản xuất và ghi băng nhạc trong nước trở nên nhộn nhịp. Miền bắc có Hồ Gươm Audio, Trung tâm Hoa phượng đỏ Hải Phòng, miền nam có Dihavina, Vafaco, Rạng Đông, Kim Lợi… đua nhau cho ra đời những album mới. Nhạc trẻ, nhạc trữ tình, nhạc cách mạng, các vở cải lương, chèo… được dàn dựng và thu âm. Các thị trấn, phố chợ trên cả nước hồi ấy thường có một vài cửa hàng thâu băng cassette bằng những chiếc đầu câm desk tape mặt phay nhôm trắng. Băng cassette được ưa chuộng là Maxell, Sony HF…

Những tưởng kỷ nguyên công nghệ số và mạng internet đã vĩnh viễn đẩy lùi cách nghe nhạc truyền thống. Nhưng những gì thân quen và xưa cũ hình như vẫn có lý do để tồn tại. Thú chơi âm thanh cổ vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia. Không cầu kỳ như đĩa than, băng cối, nhìn qua, chơi radio cassette có vẻ dễ dàng, kinh tế hơn. Người đam mê sẵn sàng phóng xe máy đi hàng trăm km để mua hoặc chỉ để nghe, để ngắm một chiếc đài độc, đẹp, hay. Có thể lang thang ở các đại lý ve chai để tìm kiếm một linh kiện mình thiếu. Có thể bỏ ra nhiều thời gian lau chùi, vệ sinh, sơn tút, mạ lại núm đài sáng bóng. Người khéo tay, đam mê có thể phục hồi chiếc đài từ đống phế liệu cất tiếng hát du dương. Từ những chiếc đài âm thanh mô-nô một cửa băng đến dòng stereo ba cục, miễn là vừa tai, vừa mắt người chơi. Ngoài thú nghe, đài cassette còn được dùng trưng bày ở phòng khách, phòng đọc, quán cà-phê. Người cầu kỳ có thể sở hữu chiếc Sharp 777 có giá hàng chục triệu đồng. Người có nhu cầu đơn giản chỉ cần những chiếc giá vài trăm nghìn đồng vẫn chạy đủ các chức năng. Khá nổi tiếng trong giới chơi đài là một bác ở đất Cảng đang sở hữu bộ sưu tập đồ sộ xấp xỉ nghìn chiếc.

Sau một ngày lao động vất vả ngoài đời, hoặc trong những chiều mưa, đêm vắng, có khi là lúc bạn bè đồng tâm hội ngộ, lấy cuộn băng đã ngả mầu thời gian, đưa vào hộc, nhẹ nhàng ấn nút play. Mô-tơ quay nhẹ, những âm thanh quen thuộc, mộc mạc mà đằm sâu, lắng đọng đưa mọi người về với một khung trời khác, nơi chứa đầy kỷ niệm. Những bài hát của giọng ca vàng mình ái mộ hoặc đơn giản hơn là một bài hát mà vài chục năm trước mình là cậu bé dựa vào tường ngẩn ngơ nghe từ đài bên hàng xóm. Đó là những phút giây sống chậm giúp thanh lọc tâm hồn, để có thêm cảm xúc và năng lượng cho cuộc sống mến yêu này.