Hai chị em

Căn nhà nhỏ của chúng tôi nằm đối diện con Kinh Xáng mênh mông lắm, lúc nào cũng dật dờ mấy khóm lục bình xanh tươi trôi thành từng đám. Lâu lâu lại trồi lên mấy bông tim tím xen lẫn chút vàng ngọt ngào hết mức. Thẫn thờ ngồi đếm mấy bông lục bình chán, tôi lại rủ thằng út trốn giấc trưa ra đồng tìm mùi thơm rạ mới.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Lắm lúc tôi cũng hồ nghi lời của má. Bởi năm nào tôi cũng có giấy khen tiên tiến, thằng út nhỏ hơn tôi hai lớp theo tôi suốt cả buổi trưa hè nó cũng học tốt đó thôi. Vả lại sức quyến rũ của cái vườn chuối mộng mơ chứa đựng bao nhiêu trò chơi tuổi thơ làm sao cưỡng lại được. Tụi con Cà Na, thằng Cu Tính đang đợi chúng tôi dài cổ để chơi đồ hàng, giả đò đi chợ, xây nhà bằng lá chuối, vân vân và mây mây.

Bữa đó má vót nhánh bình bát nhỏ xíu để trên đầu giường giọng đầy hăm dọa: “Hôm nay đứa nào đi chơi má đánh tét đít”. Bị “cấm vận” tôi nghĩ đến thôi cũng hết sức sống. Ti hí mắt nhìn ra sân thấy thằng Văn Tô lướt ngang qua miệng cười nham nhở như chọc quê tôi mắc nổi khùng. Tự dưng cái chân như muốn cãi lời má. Nằm im trên giường giả bộ lim dim, đợi má vừa đội nón lá qua nhà bà Năm đi tiệm là tôi lại ba chấn bốn cẳng dọt lẹ. Thằng út càu nhàu:

- Hai hổng ngủ trưa, trốn má đi chơi thế nào má cũng cho ăn đòn.

- Vậy mày đừng có theo tao nha.

- Đâu có được, hổng có em ai làm chú rể cho con Lý?

Sau lần bị má đánh nát đít bởi tội trốn đi chơi, chị em tôi như ngoan hơn nhưng lại ít khi hòa thuận. Thằng út cái tánh hay méc nên tôi hổng có ưa. Đàn ông con trai gì mà tánh kỳ. Như hôm bữa tôi lỡ tay làm bể cái bình bông mà ba thương nhất bởi nó lấp lánh như chiếc vòng cẩm thạch má hay đeo. Giấu kỹ lắm, dặn nó đừng méc ba, chị hai thương. Vậy mà ba vừa đi làm về nó nhanh nhảu ôm cổ ba rủ rỉ: “Chị hai giấu bình bông bể ở dưới gầm giường đó ba”. Chắc khỏi nói mọi người cũng biết cái kết cục đau thương của tôi.

Má nói tánh tôi rắn mắc. Rồi má kể, hồi thằng út còn nằm nôi, thiu thiu ngủ trên võng tự dưng khóc thét lên là y như rằng tôi vừa lướt qua đó không quên gửi vô cái má phúng phính bầu bĩnh của nó vài dấu răng như một cách thể hiện tình cảm. Rồi lớn lên tí, tôi và thằng út như chó với mèo theo cái lối nói của người xưa là “khắc khẩu”. Dăm ba câu đầu còn hai với em chớ ít câu tiếp theo là choảng nhau loạn xị.

Sáng đó, má đi chợ mua về được ký chôm chôm. Má chừa phần cho ba rồi biểu hai chị em ngồi vòng quanh để chia khẩu phần. Dạo hết một vòng dư ra một trái, hiếm hoi lắm tôi mới buộc miệng nói ra được câu.

- Thôi để cho em đi má.

Má nhìn tôi ngạc nhiên rồi mỉm cười.

- Hôm nay người lớn quá ta, mọi khi chỉ giành với em, ra dáng chị hai rồi đó.

Tôi nghe hoài cái câu “hồi má nó đẻ con Mén chắc mụ bà nắn lộn” của ba mà tôi chẳng hiểu gì, tới hôm nay mới vỡ lẽ. Xế chiều tôi định bụng rủ thằng Văn Tô chơi đá banh sau đám ruộng mới cắt của bà Năm. Ngang qua xóm nhà con Lý, tôi loáng thoáng nghe mấy bà thím bàn tán về tôi: “Con gái con lứa toàn chơi mấy trò con trai, nữa lớn chắc ống chề”. Nghe tới đó tôi mắc nổi đóa. Xí một hơi dài hơn câu vọng cổ của cô Phượng Hằng “ai thèm chớ” rồi trề môi khinh khỉnh bỏ đi nước một.

Rồi tôi cũng quên nhanh câu chuyện ban chiều như kiểu người ta quên đi một giấc mơ được chấp vá với nhau bất hợp lý một cách có lý. Trưa hôm sau tôi lại rủ thằng út trốn má lên vườn chuối nhà nội.

Mới nắng chang chang mà phút chốc mây đen ùn ùn kéo đến. Chị em tôi hốt hoảng bởi say sưa với những trò con trẻ mà quên đi cái roi bình bát má còn vắt trên vách nhà. Lỡ mưa to, chạng vạng tối để má đi tìm chắc chuyến này cái mông chị em tôi bận... nghỉ phép dài hạn. Nghĩ vậy mà chúng tôi cố gắng băng đồng chạy thật nhanh hòng tránh cơn mưa đến vội. “Chạy trời không khỏi nắng” mưa trút nước như suối nguồn về cội.

Tôi lẹ chân chạy trước, mất hút đằng sau là thằng út. Nhìn cái dáng người lùn tè nhỏ xíu xiêu vẹo mỗi lần gió rít làm tôi động lòng hết sức. Chạy vội lại phía thằng út tôi không khỏi xót xa khi nghe nó nói.

- Em lạnh quá hai ơi!

Thằng út nép vào hông tôi miệng đánh bò cạp.

- Bộ lạnh lắm hả? Để hai ôm cho ấm.

Tôi cởi cái áo khoác mỏng te ướt đẫm đang mặc đắp lên người nó, rồi bá vai ấp ôm nó vào lòng như muốn che đi hết mấy giọt nước vô tình cứ rơi hoài không ngớt. Tôi nhớ có lần má cũng ôm tôi dưới mưa như thế!

Về đến nhà trong bộ dạng ướt mem như con mèo gặp nước, vẫn cứ ngỡ má sẽ la cho một trận đã đời rồi bắt hai chị em nằm sấp mặt, cây roi bình bát lại được dịp nhảy múa lên hai bờ mông đáng thương. Vậy mà, nhà cửa không đèn tối thui, tôi giục.

- Thay đồ nhanh, kẻo bệnh.

- Em sợ ma lắm.

Tôi đổi giọng lên mặt.

- Có tao ở đây mày còn sợ gì. Cái thằng… coi vậy mà nhát.

Tôi cười khẩy kiểu mỉa mai.

Hai đứa ngồi bó gối trước cửa nhà lúc lâu mà chưa thấy ba má về. Bà Năm cho hay là ngoại bệnh trở nặng bất ngờ phải nhập viện ở tận xa nên ba má đi nuôi ngoại. Má nấu sẵn cơm để trong chạn bếp, thằng út bỏ luôn cử cơm chiều, chắc do nó nhớ má. Tôi thở một hơi dài thườn thượt, chắc lưỡi rầu rĩ hết sức. Dù cái mông chúng tôi vẫn bình yên nhưng tối nay phải ở nhà một mình, lỡ ông Kẹ mà nội thường hay dọa mỗi khi chúng tôi không ngoan sẽ quanh quẩn nhà tôi tối nay thừa cơ hội xông vào bắt lấy chúng tôi thì sao? Ai mà biết được! Bộ mặt đàn chị khi nãy tự dưng biến đâu ráo trọi.

Thằng út biết thân biết phận, không như mọi bữa cách xa mười thước còn hấy nhau muốn lọt tròng. Nó líu ríu theo tôi không rời nửa bước. Thấy cũng tội. Tôi vặn cây đèn dầu thiệt sáng rồi đặt trên bàn thờ ông cố. Mà ánh đèn hôm nay sao không sáng như hôm có ba má ở nhà. Không biết chúng tôi vỗ về giấc ngủ bằng cách nào, chỉ biết tôi giật mình thức giấc khi chạm vào người thằng út. Người nó nóng ran. Chắc do dầm mưa ban chiều. Tôi chợt hối hận chút đỉnh về việc trưa nay rủ nó đi đồng.

Đưa mắt nhìn thằng út đôi môi đỏ lửng lơ như trái cà chua mà tôi đâm ra sốt ruột. Loay hoay mãi với mớ ký ức lộn xộn về cách chữa bệnh má hay làm. Như chợt nhớ ra, tôi làm gan chạy ù ra trước nhà múc vội thau nước, vớ lấy cái khăn rằn ba thường quấn đầu mỗi khi đi xóm rồi vụng về nhúng nước lau mát cho nó. Tôi bắt chước má nhóm lửa bằng lá dừa khô rồi xới cơm nguội ban chiều nấu cháo trắng cho nó ăn với đường cát. Với người sành sỏi như má thì một nồi cháo trắng có gì đâu là khó. Còn đối với cái đứa bập bõm học nghề như tôi là cả một vấn đề to đùng. Mà nấu cháo lâu ơi là lâu, ngồi bên ánh lửa phập phồng trong đêm như ru người ta vào giấc ngủ nhanh hơn với giấc mơ có cái mền bông ấm áp.

Đang mơ màng tôi giật mình bởi tiếng thằng út gọi.

- Hai ơi em đói bụng quá hà.

Đưa tay chùi nước miếng còn vươn trên mép, rồi như bắt gặp cái mùi lạ lan tỏa chung quanh. Đến khi nhớ ra thì cái nồi cháo nãy giờ tôi ngủ quên không khoáy.

Đến trưa thì chiếc xe đò mầu xanh dừng ngay trước cửa. Ba má bước xuống không quên xách theo bọc bánh mì làm quà cho chúng tôi. Vừa thấy má, thằng út chạy vù ra huyên thuyên đủ điều, nào là tôi rủ nó trốn giấc trưa đi đồng, nào là nó mắc mưa rồi sốt. Má vào trong nhà nhìn như… một bãi chiến trường. Cái nồi cháo khét nham nhở nằm khệ nệ trên bếp, bụi tro văng tung tóe. Cái khăn rằn quấn cổ của ba ngập lút trong thau. Thằng út nắm tay ba chỉ.

- Hai nấu cháo dở ẹc hà ba, còn bị cháy nữa con ăn hổng nổi luôn.

- Kệ tao nha, ai biểu hôm qua mày bệnh làm chi. Cái đồ vô ơn thấy ghét.

Bụng thầm nghĩ “không tại hôm qua mình rủ nó đi chơi để mắc mưa bị bệnh thì còn khuya mình mới chăm sóc cho nó”. Cứ ngỡ má sẽ la dữ lắm ai dè má cười hiền khô rồi xoa đầu tôi nói.

- Chiều nay theo má học nấu cơm nghen, con gái lớn rồi. Sáng giờ chắc hai đứa chưa ăn gì hả? Má có mua bánh mì tụi con thích đó…

Thằng út xông tới giựt bịch bánh chạy ra sau hè không quên chìa cái bản mặt lêu lêu tôi như khiêu khích. Giờ chỉ có nó khỏe, còn tôi là mệt nè. Tôi đuổi theo muốn hụt hơi nói với.

- Đứng lại không, của hai mà…

Dường như tiếng “hai” hiếm hoi của tôi lạc vào ngọn gió vừa thổi qua nên thằng út hổng nghe mà cứ băng đồng chạy hoài lên vườn chuối. Tiếng cười giòn tan của chị em tôi như hòa vào vòm mây trắng, lững lờ trôi rồi biên biết theo phương nào.