Giữ mùa xuân ở lại

Bà tựa lưng vào chiếc ghế mây dõi theo đôi chim lích chích trên cành cây trong khoảng sân vườn nhỏ bé. Khoảng sân không rộng lớn nhưng ở đó bà tìm thấy cả một miền ký ức thời son trẻ trong những buôn làng xa xôi bên những cánh rừng điệp trùng hoa nở. 

Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Những người hàng xóm vẫn gọi bà bằng cái tên bà giáo bởi họ từng được đọc những bài viết về bà. Đôi khi liên hoan xóm, họ vẫn gọi bà bằng tên một bài báo: “Người đưa đò trên cao nguyên”. Bài báo ấy, bà ép plastic treo trên tường để nhắc nhớ kỷ niệm. Nhìn lại tấm hình trong bài báo, bà như tìm thấy tuổi xuân của chính mình đã lạc trôi theo con sông, dòng suối, cánh rừng Tây Nguyên.

*

Năm ấy, chồng chị nhận lệnh điều động vào vào làm việc cho một bệnh viện tuyến huyện vùng cao. Sau đêm thức trắng bàn bạc hai vợ chồng cùng thống nhất mang theo cả gia đình vào Tây Nguyên công tác. Địa danh ấy chị chưa từng nghe đến. Chị tưởng tượng ra một nơi rừng thiêng nước độc, điện đường trường trạm thiếu thốn.

Cao nguyên chào đón gia đình chị bằng một cơn mưa xám bầu trời. Nơi này bốn phía núi rừng bao phủ giữa trùng mây. Bên ly trà nóng cùng những người cũ ở xóm viên chức, họ bảo rằng, Nhà nước đang xây dựng công trình thủy điện nên những người ở xóm đều là giáo viên và bác sĩ về làm việc cho bệnh viện và trường học tuyến huyện. San sẻ câu chuyện với nhau mà chị như vẫn đọc được trong đôi mắt họ nỗi nhớ mái trường làng và những lán trại quân y trong những cánh rừng năm xưa. Chỉ có những đứa trẻ đang tắm mưa ngoài hiên là vô tư không nghĩ suy đến cảnh ly hương. Nhìn theo hai đứa con đang vui đùa cùng những đứa bạn mới, chị mong chúng sẽ dần quen với miền đất này.

Hằng ngày, chị đạp xe mười mấy cây số đường đèo dốc cùng đám học trò con em công nhân ra trường huyện dạy học. Nhiều khi chiếc xe đạp đứt phanh lại lao vun vút xuống dốc, bến đỗ cuối cùng là một rặng rậm rạp cây ven đường. Người, xe và cặp sách lại văng cách xa nhau đến vài mét.

Một lần trên đường đi dạy, xe của một học sinh nữ đi trước đang lao vun vút bỗng loạng quạng rồi đâm sầm vào đàn bò dưới chân dốc. Chị vừa dựng chiếc xe rồi hái nắm lá ven đường cầm máu cho em học sinh thì có một cậu bé đen nhẻm lại gần. Cậu bé túm vạt áo em học sinh nữ bảo: “Mày làm đau con bò của tao bắt đền đi!”.  

Chị gỡ đôi tay khô sạn, đen đúa mầu nắng gió trên vạt áo trắng, bảo rằng mình là cô giáo nhưng đứa bé ấy vẫn kiên quyết bảo rằng, phải bắt đền cho con bò của nó. Chị hỏi: “Em muốn bạn đền thế nào?”. Nó bảo: “Đền hai nghìn mua gói mì tôm”. Chị mở chiếc cặp sách đưa cậu bé tờ hai nghìn nhưng nó nhất quyết không nhận, nó bảo đây không phải hai nghìn, hai nghìn là bốn tờ năm trăm đồng cơ. Chẳng còn cách nào, chị đành chạy sang quán tạp hóa ven đường mua cho nó cái bánh mì.

Nhìn cậu bé đen nhẻm chạc tuổi đứa con thứ hai của chị ăn ngấu nghiến chiếc bánh mì chị bỗng dưng thấy thương những đứa trẻ quá. Con gái chị năm nay vào lớp 1 đã thuộc lòng cả bảng chữ cái và những phép tính đơn giản, còn cậu bé đen nhẻm nói vẫn chưa sõi tiếng phổ thông. Người địa phương ở đây vẫn quan niệm no cái bụng hơn là biết cái chữ. Chị tự nhủ nhất định phải làm điều gì đó.

*

Sau ngày ấy, chị nộp đơn khắp nơi xin hỗ trợ kinh phí để xây dựng trường học. Mái trường cấp I, cấp II, cấp III được xây dựng lên bằng sự hỗ trợ của các đơn vị đang thi công trên vùng đất này. Tường gạch, mái tôn, công sức được tận dụng từ những vật liệu của công trường. Nhiều lần đạp xe ngang qua khu đất quy hoạch cho trường học chị, bỗng thấy niềm vui của mình như được nhân lên, khi nghe được mấy anh chị công nhân nói chuyện với nhau: “Sau này trường học hoàn thành, sẽ đón gia đình vào đoàn viên, không còn phải chịu cảnh chồng nam, vợ bắc, con cái mong ngóng từng lá thư của bố”.

Trường cấp III hoàn thành cũng là ngày chị được sở giáo dục bổ nhiệm về làm hiệu trưởng. Đặt chiếc cặp da lên bàn ghế mới, gõ chiếc thước kẻ lên tấm bảng đen vẫn còn hoen vết dầu mỡ của những chiếc hòm chứa thiết bị thi công, chị bỗng nghĩ về những ngày tháng vừa trôi qua, sao nhanh đến lạ lùng. Niên học này, trường chị đón lứa học sinh đầu tiên vào học. Nhịp công trường đang vào tiến độ nên sĩ số mỗi lớp học đã tăng lên theo dòng người về miền đất này mưu sinh. Cũng nhiều cô giáo mới được tăng cường về làm việc. Hôm trước, trên văn phòng, mấy thầy cô cùng nhau soạn lại học bạ của các em học sinh. Chị nhận ra các em học sinh đến đây từ nhiều vùng quê khác nhau, gia cảnh nghề nghiệp của bố mẹ cũng khác nhau, người buôn bán, người trồng cà-phê và con em của công nhân xây dựng. Học trò của chị quê quán trải khắp ba miền bắc trung nam. Nhìn vào danh sách học sinh của mỗi lớp học, hiếm hoi lắm chị mới thấy một học sinh họ Rơ, họ Siu, họ Ksor. Chị chợt nhớ đến cậu bé người dân tộc năm trước.

*

Sau giờ đến trường, chị cùng các đồng nghiệp lại đi sâu vào những bản làng vận động đồng bào cho con em đến trường. Chị vận động phụ huynh học sinh và các doanh nghiệp xây dựng quỹ để tặng học sinh người đồng bào những chiếc xe đạp. Chị biết có những gia đình cho con em mình đến lớp chỉ vì chiếc xe đạp nhưng chị tin rằng phép toán con chữ sẽ nảy mầm tốt tươi như những rừng cây cà-phê, cao-su được trồng trên mảnh đất này.  

Trường thiếu giáo viên nên chị vẫn đứng lớp dạy thay cho những cô giáo bộ môn. Một hôm, xuống lớp dạy thay tiết Văn của lớp chọn khối 11. Chưa bao giờ chị cảm thấy tiết dạy nào nhàm chán như tiết học hôm nay. Sau tiết học, chị hỏi lớp trưởng thì biết rằng Siu Loan đã nghỉ học mấy hôm không rõ lý do. Loan là lớp phó học tập đã đạt rất nhiều giải trong các cuộc thi học sinh giỏi Văn của huyện và tỉnh.

Chiều hôm ấy, chị và thầy hiệu phó, cô chủ nhiệm cùng vài bạn trong lớp tìm đến bản của Siu Loan. Con đường đất đỏ bazan dẫn vào bản cắt ngang qua một cánh rừng rậm. Đôi khi cô trò lại giật mình bởi một con lợn rừng chạy ngang đường. Những học trò đi cùng bảo rằng cả bản chỉ có mình Siu Loan đi học cấp III. Nghĩ đến cảnh cô học trò một người một xe vượt qua cánh rừng hoang vắng trong sớm khuya, chị bỗng thấy rùng mình.

Trong ngôi nhà sàn của Siu Loan, họ hàng đang vây quanh một chàng trai mắt môi tím tái lên từng cơn co giật. Mọi người bảo rằng, đã chuẩn bị hết hậu sự để tiễn Siu Luân về với theo Giàng. Chị lại gần khẽ đặt bàn tay lên đôi vai Siu Loan. Siu Loan giật mình buông tay khỏi bàn tay gầy gò của cậu em trai. Bằng kinh nghiệm của một người vợ bác sĩ, chị nhận ra Siu Luân bị sốt rét. Có thể vẫn còn cơ may cứu chữa nếu kịp thời. Chị bảo Siu Loan thuyết phục gia đình đưa Siu Luân nằm võng đưa đến bệnh viện nơi mà chồng chị đang làm việc. Những người họ hàng trong gia đình Siu Loan nhìn nhau lưỡng lự. Mọi người nói tiếng địa phương làm chị không hiểu, có đôi ba câu chị nghe thấy họ bảo “cái tiền lớn lắm”. Chị bảo Siu Loan nói với gia đình cứ yên tâm mọi chi phí đã có Nhà nước lo. Gia đình Siu Loan nghe lời chị, cử hai thanh niên khênh Siu Luân vượt rừng trên chiếc võng cũ. 

Sau lần suýt nữa thì mất mạng ấy, được chữa khỏi bệnh, Siu Luân cũng bắt đầu theo Siu Loan rời bản học cái chữ. Tết năm ấy, Siu Luân mang tặng gia đình chị một cây đào rừng hoa nở rộ dù rằng, người đồng bào Tây Nguyên không đón Tết như người Kinh.

*

Ông khẽ bóp đôi vai của bà khiến bà thức tỉnh dòng suy nghĩ. Cả cuộc đời làm bác sĩ, ông từng chữa khỏi bệnh cho biết bao nhiêu người nhưng vẫn không thể chữa dứt điểm bệnh xương khớp vẫn luôn hành hạ bà bằng những cơn đau nhức buốt. Sáng sáng, ông vẫn thức dậy trị liệu cho bà bằng những phương pháp cổ truyền. Ông biết bà luôn nhớ về những tháng năm cũ nên khoảng sân vườn ông đã tạo dựng cả một khoảng trời cao nguyên trong sân vườn. Ông còn kỳ công đánh cả cây đào cậu học trò đã tặng năm xưa mang về trồng. Ông bảo, để ông bà có thể luôn nhớ về những năm tháng đã qua. Để ông có thể luôn giữ mùa xuân cao nguyên ở lại bên bà.