Giếng xuân

Mẹ con tôi về đến làng trời mới sáng rõ. Tết ra, tiết trời vẫn đẹp. Cái se lạnh của mùa đông chỉ đủ làm ửng da mặt các cô gái dậy thì chứ chưa đủ làm nứt nẻ da lũ nhóc. Gió đuổi nhau lào xào qua các ngọn cây, bờ rào và cả đám bèo ong dưới giếng làng cũng dập dềnh xao động.

Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Dưới giếng, một ông già đang bấm chân để gánh nước lên từng bậc gạch trơn nhẫy. Chờ ông lên đến bậc cuối cùng, mẹ tôi cất tiếng:

- Chào ông Múc, rét mướt thế này vẫn đi gánh nước à?

Ông lão đặt gánh nước xuống, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Chào mợ Cả, mợ mới về đấy a? Chốc nữa mời mợ ra đình, nhà cháu đã quét dọn, đun nước, kê ghế sẵn rồi đấy ạ!

Giọng ông lễ phép bất ngờ. Tôi ngạc nhiên, ông ấy vai vế trong họ thấp đến thế sao?

Mẹ tôi gật đầu: “Cảm ơn ông” rồi dắt tôi vào ngõ nhà ông nội. Đường làng rợp cây, lạnh hơn chỗ có nắng. Như hiểu được ý tôi, mẹ vứt miếng bã trầu vào hàng rào rồi đột nhiên nói:

- Ông già lúc nãy không có họ với nhà mình đâu. Ngày xưa, ông ấy là mõ làng đấy. Sau này hòa bình rồi, ông ấy vẫn không làm ruộng mà sống bằng nghề gánh nước thuê. Không phải ông ấy nghèo đến mức không kiếm nổi hạt lúa, ông gánh nước kiếm tiền cho con ăn học được đầy đủ.

Tôi ngạc nhiên:

- Gánh nước thuê lấy tiền cho con! Sao ông ấy hy sinh cho con nhiều thế?

Mẹ tôi cười:

- Ông ấy muốn tạo điều kiện cho con ăn học. Hồi làm mõ, đi đâu cũng bị người ta gọi là thằng. Đứa trẻ con cũng gọi ông ấy là “thằng mõ”. Mãi, già mới lấy được vợ, sinh được thằng con trai, đi đâu nó cũng bị bạn bè gọi là “con thằng mõ”. Nay không còn mõ làng nữa, ông ấy quyết chí nuôi con học hành đỗ đạt cho bằng thiên hạ để khỏi mang tiếng là “con nhà mõ”.

Rồi mẹ tôi thở dài:

- Có người giàu mà hèn, còn ông ấy nghèo mà không hèn.

Buổi trưa, tôi theo ông nội ra đình dự lễ tế xuân. Ông trưởng thôn, trịnh trọng trong bộ quân phục, sau khi chúc thọ các cụ cao niên, có nói thêm về lớp hậu sinh. Ông đọc tên những trai làng, gái làng, nêu rõ con cái nhà ai, đã đi bộ đội, thoát ly đi đại học, công nhân, đi nước ngoài, đứa trẻ nào đã được sinh ra... Tôi để ý thấy ông lão Múc vừa nhón chân lom khom đi vào giữa các dãy ghế để tiếp nước vừa ngước nhìn ông trưởng thôn, mắt ánh lên nỗi khao khát lạ kỳ. Dường như cảm nhận được sự theo dõi của tôi, lát sau, ông đi qua tôi, nói nhỏ:

- Họ thật có phúc cô ạ. Còn gì mãn nguyện hơn cho những người làm cha, làm mẹ khi được làng xã nhắc tên con mình vào dịp lễ trọng như thế này.

Vài năm sau, tôi một mình đạp xe về dự lễ xuân ở làng vào ngày mồng 3 Tết hằng năm, lòng háo hức muốn biết xem năm nay có gì mới lạ hơn những năm trước tôi vẫn theo bố mẹ về không. Làng tôi đã có nhiều thay đổi: xen giữa mái ngói đã có nhà mái bằng, thậm chí có cả nhà tầng. Tiếng nhạc xập xình len vào từng ngõ nhỏ. Mùi hương ngan ngát đâu đây.

Tôi đi ngang qua giếng làng, bèo ong vẫn phủ dày mặt giếng một mầu nâu tím. Gió lạnh như hòa quyện với sương sớm, bập bềnh khói phủ trên mặt nước.

Và, ở cấp cuối cùng của bậc lên xuống, một người đang cúi người, vục thùng nước. Mặt giếng nước xáo động, loang thành xoáy nhỏ.

Người đó gánh nước từ dưới giếng lên, từng bước chắc nịch, vững chãi. Tôi ngỡ ngàng trước một người trai trẻ. Người ấy nhoẻn cười:

- Chào em, em là con mợ Cả hả? Có biết anh không?

Tôi lắc đầu, đỏ mặt. Anh tủm tỉm:

- Phải rồi, em ít về làng, làm sao biết được anh. Anh là con trai ông lão Múc đây mà. Trước đây, mọi người gọi anh là thằng Nước, bây giờ tên anh là Thủy. Thủy cũng là nước, phải không em?

Ngoài đình đã kín người, ngồi chen vai trên các ghế băng khuân từ trường học sang. Ông trưởng thôn năm nay diện bộ complê sẫm, đeo cà vạt cẩn thận, đang đọc lời chúc xuân đầu năm tới các chi họ trong làng. Tôi đưa mắt tìm ông lão Múc và cố nén nụ cười khi thấy ông lão cũng xúng xính trong chiếc áo đại cán mới. Và, ông được ngồi ngay hàng ghế đầu, nơi dành cho khách quý. Bàn tay ông, ôi, bàn tay đã từng cầm mõ đi rao khắp làng, bàn tay từng cầm thùng nước vục xuống giếng làng, múc nước bán cho người để nuôi con ăn học, nay cứ vặn vào nhau bối rối. Đôi bàn chân có ngón cái tòe ra vì bấm không biết bao nhiêu lần xuống các bậc gạch trơn nhẫy, cứ ngọ nguậy như muốn chui ra khỏi đôi dép nhựa tổ ong mầu nâu.

Giọng ông trưởng thôn sang sảng:

- Thưa các cụ trong các họ, thưa bà con dân làng, năm nay, làng ta hết sức tự hào vì có một người con của làng đã tốt nghiệp đại học Nông nghiệp vào loại giỏi, được giữ lại trường, nhưng vẫn tha thiết xin về huyện nhà công tác, trực tiếp chỉ đạo nông nghiệp xã nhà. Tôi xin thay mặt dân làng, cảm ơn kỹ sư Trần Ngọc Thủy, con cụ Múc làng ta đã có lòng nghĩ đến quê hương.

Tiếng vỗ tay rào rào, ông cụ Múc đưa ống tay áo lên quệt ngang mắt.

Chiều muộn, tôi đạp xe lên phố, gặp Thủy ở đường làng. Tôi chào anh và hỏi ngay điều tôi vẫn băn khoăn:

- Khi sáng, anh gánh nước cho ai vậy? Nhà anh có giếng rồi cơ mà.

Anh mỉm cười:

- Anh gánh nước cho bố. Bố anh thích uống nước chè xanh hãm bằng nước giếng làng. Nước giếng đất ngon hơn nước giếng xây em ạ. Mà, giếng làng mình ngọt nhất xã đấy.

Giọng anh chợt xa xôi:

- Cả đời gánh nước cho người, cho con. Bây giờ anh chỉ ước ngày nào cũng được gánh nước cho bố thôi.

Tôi nhìn anh và chợt thấy trong mắt anh bừng lên những tia sáng hạnh phúc mà năm nào ông lão Múc đã ước ao...