Gánh rau ngò thơm mùi ký ức

Hôm nọ, có một việc tôi đưa ví của mình nhờ bạn thanh toán hộ. Bạn kêu, sao ngoài tiền, giấy tờ và thập cẩm những loại thẻ lại có thêm những chiếc lá ngò gai khô quắt queo? Câu hỏi bất ngờ của bạn làm tôi khựng lại, chợt dâng lên cảm xúc về miền xa xưa. 

Ngò gai ở quê tôi được gọi là mùi tàu. Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ tôi đi làm công trình ở tận mạn Hải Dương, để hai anh em tôi với bà nội. Để bữa cơm hằng ngày của hai đứa cháu có thêm miếng thịt, con cá, hay thi thoảng cho cháu gói bánh, cái kẹo, bà tận dụng mảnh vườn đằng sau nhà để trồng mùi tàu bán kiếm thêm. Chiếc lá mùi tàu nho nhỏ là vậy nhưng ngoài là một loại gia vị cho những món ăn nó còn là một bài thuốc quý. Mỗi lần tôi bị cảm cúm, bà sẽ dùng rau mùi tàu, ngải cứu, cúc tần rửa sạch thái nhỏ cùng với gừng đập dập, sắc cho tôi uống. Bà bắt tôi vào trong chăn nằm để cho ra mồ hôi, người tôi cũng dần dễ chịu và khỏe hơn. Bà còn dùng lá mùi tàu để chữa cả bệnh đái dầm cho em tôi.

Rau mùi tàu trồng không khó, cây sinh trưởng tốt quanh năm, ít sâu bệnh lại nhanh chóng được thu hoạch. Thế nhưng để trồng được một vườn rau xanh tốt, lá to và đều từ công đoạn làm đất đánh luống, đến chọn giống, chăm sóc, bà đều rất cẩn thận và chăm chút. Chiều chiều anh em tôi thường phụ bà xách những xô nước từ con mương bên cạnh để tưới. Cũng vì rau lớn rất nhanh nên phải canh đúng thời gian để thu hoạch và bán cho kịp, nếu không cây sẽ ra hoa. Khi ấy, những chiếc gai của hoa thường nhọn hơn so với lá mà chất lượng rau lại không được như trước. Vào những ngày thu hoạch, bà thức dậy thật sớm khi gà còn chưa kịp gáy, trời tối chẳng nhìn rõ mặt người, những cây rau còn ướt đẫm sương đêm. Bà chẳng thể thấy rõ những chiếc răng cưa của lá mùi tàu, chúng cứa vào tay bà những vết xước rơm rớm máu. Thu hoạch xong bà dùng lá chuối khô bó rau và chất đầy hai bên quang gánh. Anh em chúng tôi lẽo đẽo theo bà đến tận ngõ, trông theo bóng bà nhỏ dần rồi biến mất hẳn trong làn sương sớm. Một phần rau được bà mang đến những quán phở trên thị trấn, còn lại bà mang ra chợ bán nốt.

Anh em tôi vừa trông nhà vừa chờ bà về, hôm nào bán hết hàng sớm bà sẽ mua cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc bánh rán đường. Chiếc bánh ngọt ngọt, beo béo phảng phất hương rau mùi tàu. Thế nhưng có những hôm khi trời đã quá trưa nắng đã lên quá đỉnh đầu vẫn chưa thấy. Bà về gánh rau còn nguyên, nhìn những bó rau dần chuyển héo, nhìn hai đứa cháu mặt mũi lấm lem bùn đất, đói meo, bà đưa vạt áo khẽ chấm những giọt nước mắt rơi.

Bố mẹ tôi đi làm được một thời gian thì kinh tế gia đình cũng cải thiện hơn. Mẹ về quê chăm sóc bà và lo hai anh em tôi đi học. Được một năm thì bà mất, vườn rau mùi dù được mẹ tôi chăm sóc kỹ lưỡng nhưng vẫn lụi dần, chỉ còn lại một đám nhỏ. Mẹ bảo, cây cũng có linh tính, chúng theo bà sang thế giới bên kia để cùng bà đi những phiên chợ sớm.

Từ khi bà mất mỗi khi buồn lại chạy ra mảnh vườn nhìn đám rau mùi tàu còn sót lại, cảm giác như bà đang ở bên vỗ về và yêu thương. Ngày phải đi học xa, tôi ngắt vài lá mùi tàu nhét vào ví để khi nhớ nhà, nhớ bà có thể hít hà cái mùi thơm của nó. Cứ như vậy thành thói quen chẳng thể bỏ của tôi đến tận bây giờ.

Rau mùi là cả tuổi thơ, là kỷ niệm về người bà. Tôi bảo người bạn, vì nó thơm mùi ký ức mày ơi!