Đợi ở Cửa Lục

Bến Cửa Lục nước xanh trong. Cái bến phà hai bờ Cửa Lục ngót trăm năm vẫn miệt mài đưa khách nối hai bờ cửa biển đi về trong sự vô thường của thời gian.

Minh họa: NGUYỄN VĂN CHUNG
Minh họa: NGUYỄN VĂN CHUNG

Cửa biển ấy gợi nhớ bao điều với Hồng. Cửa biển Hồng đã tiễn anh đi và đợi anh về trong nỗi nhớ quay quắt. Đôi chim có cái mỏ đỏ, lông trắng tinh thêu ở đôi gối cưới và giờ nó ở cái khăn mùi soa này, Hồng chỉ mong anh có được hơi ấm của mình mang theo vào chiến trường. 

Tiễn chồng, lòng nén lại nỗi niềm riêng tận đáy trái tim người đàn bà chớm ba mươi. Người đàn bà một con đang tràn sức xuân xanh. Làm lụng quanh năm, chả có thì giờ nghĩ ngợi lung tung. Chồng lại công tác mãi đảo xa, tháng đôi lần mới về, nên chuyện gần gũi chồng vợ cũng như những cơn sóng trào lên khi gặp nhau và lại lịm đi khi chia xa. Nhưng phải đến lúc anh nhận lệnh lên đường bổ sung cho chiến trường B thì cả hai mới thấm cái sự xa cách ấy. Không nói ra nhưng Đức đã dồn chất chứa ấy cho vợ khi anh cập bến thị xã chờ ngày lên đường. Mỗi đêm anh nâng niu Hồng như một báu vật. Ngày mai anh đi. Đức ôm xiết Hồng và bảo:

- Anh đi vào B, nhưng sắp giải phóng rồi, em đừng lo nhé. Ở nhà cố gắng chăm mẹ, chăm cu Minh mau lớn để ngày thống nhất anh về, mình sẽ đẻ thêm vài đứa.

- Vâng, em nhớ rồi, em không khóc, ngày thống nhất em sẽ… đẻ thêm cả trai và gái cho anh. 

Hồng cố nín để cơn mưa nước mắt đang trực ứa ra ngưng lại. Thị xã vẫn lung linh ánh đèn, tiếng ầm ì đâu đó ngoài biển khi có tàu vào bến ăn than. Căn nhà cấp bốn bé nhỏ bộn bề chiếc nôi của con, cái giường một của mẹ, giờ như rộng rênh, đêm dài hơn, sâu hơn. Trong cuộc đời chị, có nhiều thứ đáng nhớ, đáng quên, nhưng Hồng mãi mãi không quên cái đêm ấy. Một đêm trọn vẹn chồng vợ bên nhau để ngày mai anh qua Cửa Lục đi vào mặt trận. Bất chợt Đức ôm chặt Hồng và thì thầm:

- Sắp sáng rồi em. Đợi anh ngày thống nhất ở Cửa Lục nhé!

*

Từ nhà ra Cửa Lục rất gần, nhưng chị thấy chân mình muốn khụy ngã, hình như nó quá xa. Nhiều bóng áo quân phục đã đi về phía Cửa Lục. Ánh nắng chói chang. Vịnh Cửa Lục hôm nay hình như cũng khác hơn mọi ngày. Mặt biển xanh thẫm hơn thì phải. Những dãy núi giữa vịnh cũng như biến ảo vô vàn các hình thù khác nhau. Tiếng chuông nhà thờ trên núi Lán Đạo thong thả điểm nhịp. Con đường duy nhất giữa lòng thị xã hôm nay như cũng chật chội hơn vì sắc áo bộ đội đã đông hơn. Len lén nắm tay nhau. Cái khăn mùi soa đẫm mồ hôi hai vợ chồng. Đến nơi tập trung, chỉ lát nữa cả đoàn quân sẽ qua phà. Họ sẽ lên xe ô-tô và đi tiếp. Xa lắm, chưa hẹn ngày về. Tạm biệt nhé. Hẹn ngày thống nhất sẽ đón mình ở đây... Đức nhìn sâu vào mắt Hồng. Tia sáng lấp lánh. Hồng cố mỉm cười với chồng. Tiếng loa chỉ huy: Các đồng chí chú ý, phà đã cập bến, các đồng chí tập trung đội hình hành quân.

Chợt vang trên bầu trời Cửa Lục những tiếng đập của đàn chim biển chao qua. Bóng những người lính xuống phà xanh cả mặt biển. Chuyến phà mầu xanh ấy đã ngang qua Cửa Lục lâu rồi, Hồng vẫn đứng đó. Chị bật khóc và ngồi thụp xuống gốc cây đa. Cơn buồn nôn dâng lên. Hồng vã mồ hôi, ngồi dựa vào gốc đa tưởng không thể đứng lên nổi. Thấy Hồng ngồi thụp xuống, thím Bách đi tiễn con trai vội chạy đến:

- Này, cái Hồng, mày có làm sao không đấy, nó đi chân cứng đá mềm, không lo đâu, thằng Tùng nhà thím chưa vợ còn lên đường kia, thằng Đức có vợ con rồi, lo gì mà quỵ ra thế này, ốm nặng thì khổ cả mẹ và con. Về đi, về với thím nào.

- Vâng, vâng, cháu bị chóng mặt tí tẹo thôi.

Chân Hồng líu ríu theo bước chân và câu chuyện của bà thím liến thoắng:

- Ờ cố lên, về đi, lát nữa nắng to còn ốm thêm đấy. Nhưng mà... thím nhìn như mày có nghén phải không, ôi, thế thì mừng quá, lại được thằng bộ đội con nữa càng vui. Về, về cùng thím, đi thôi cháu ơi. Thế này bà chị tôi lại mừng nữa rồi. Thằng Tùng nhà thím còn chưa có người yêu cơ. Phen này phải đi dấm cho nó một đứa sẵn, khi nào thống nhất nó về là thím cưới vợ cho nó luôn. Nó cũng đẻ một đàn bộ đội cho thím thì sướng quá!

Theo chân thím Bách thì Hồng cũng về đến nhà. Mẹ chồng hoảng hốt:

- Ôi, con sao thế, vừa tiễn chồng đi mà đổ ốm thế này thì gay quá.

- Hình như nó nghén rồi chị ơi, được thêm thằng bộ đội con nữa rồi, may thế chứ.

*

Chị nằm ôm chiếc gối có đôi chim câu, nước mắt ứa ra chan chứa. Nước mắt giờ như dòng thác từ sâu thẳm rừng già đổ ra không muốn ngưng nghỉ. Nhưng rồi Hồng phải kìm nén. Trước mắt chị còn mẹ chồng, còn cu Minh, giờ lại một sinh linh nữa đang lớn dần trong lòng. Chị cố gượng dậy. Thời gian không cho chị được vân vi nghĩ ngợi. Thời gian không cho chị được lựa chọn cái này hay cái kia. Chín tháng sau chị sinh cu Phúc. Thằng bé hệt thằng Minh và giống bố như đúc. Mỗi lần ngắm con, ôm con vào lòng chị không thể quên cái cảm xúc mười ngày phép Đức dành cho chị rồi đi B. Nỗi nhớ nhung giày vò và thiêng liêng biết mấy. 

Hết ba tháng được nghỉ thì cũng phải cho con đi trẻ, vì bà nội già yếu cũng không trông được. Cái xe đạp là vật đáng giá nhất, khi thằng lớn vào lớp một, thằng bé vào mẫu giáo, thì chị phải nhờ đóng một cái băng ghế sau xe để có thể chở cả hai con đến trường rồi đi làm. Công việc cuốn hút miên man. Con nhổng nhao hay ăn chóng lớn. Việc cơ quan, việc chăm nom hai thằng cu đã choán hết thời gian của chị. Nhưng mỗi ngày khi hết việc, gục mặt vào chiếc gối có đôi chim đã ấm hơi chồng, chị lại da diết nỗi nhớ... 

Rồi một ngày vỡ òa niềm vui. Chiếc loa ở đầu phố vang lên bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Cả thị xã vỡ òa niềm vui thống nhất. Tin thắng trận, tin thống nhất ùa về như làm cho cái thị xã bé nhỏ của chị bỗng chật chội thêm. Thím Bách chạy sang nhà chị:

- Hồng ơi, chị cả ơi, thằng Tùng đang ở Sài Gòn, nó đánh thư về rồi, nó sẽ về nhà sớm. Thế thằng Đức đã đánh thư về chưa. Ôi, vui quá cơ! Phải cưới vợ cho thằng Tùng thôi chị cả ơi!

- Vui quá, thống nhất rồi thím nhỉ! Bà mẹ Đức nằm trên võng hỏi.

Hồng vội vàng làm giọng vui đáp lời bà thím mau miệng:

- Vâng thím ơi, vui quá thống nhất rồi, bố Đức nhà cháu đang ở Buôn Ma Thuột thím ạ. Chắc nay mai bố cháu cũng về thím ạ!

Khi bà thím đi khỏi, mẹ Đức gọi Hồng vào bảo:

- Này, con nghe ai bảo mà thằng Đức ở chỗ buôn gì gì ấy. Mẹ thì...

- Vâng, có người nhắn tin cho con anh Đức đang ở Buôn Ma Thuột mẹ ạ.

- Ờ, thì cũng được... Nó về thì ba mẹ con ra Cửa Lục đón nó nhé.

- Vâng mẹ, nhất định thế rồi mẹ ơi.

*

Nhưng ngày cả nước vang khúc khải hoàn, Đức của chị vẫn chưa về. Sáu tháng, rồi một năm. Duy nhất có anh Đồng người cùng đơn vị gửi thư báo Đức tiếp tục tham gia mặt trận phía nam. Nhưng rồi biệt luôn, không một dòng thư anh gửi về, không một thông tin nào khác về Đức. Hàng xóm, cơ quan ban đầu cũng chờ Đức về với một ngực áo đầy huân chương như ai đó vẽ ra. Nhưng không, sau ngày thống nhất đã sáu tháng, đã một năm, đã hai năm, tin về Đức thưa dần và sau thì chẳng thể hỏi được ai nữa. 

Rồi đàm tiếu, rồi giễu cợt. Chắc Đức tham vàng bỏ ngãi, chắc ở Sài Gòn vớ được cô nào nhiều tiền bỏ lại vợ con ở nhà rồi trốn luôn đi nước ngoài. Hoặc đào ngũ nhỉ. Dễ lắm. Trong B ác liệt thế. Đào ngũ hoàn toàn có thể. Nhưng rồi mọi tin đồn ác ý cũng như thời gian đã làm mòn mọi ý nghĩ. Hai con trai đã cao lớn như bố nó, cứng cáp và là chỗ dựa cho chị. Song, thời gian cũng làm Hồng già nua thêm. Mẹ Đức đã yếu lại yếu thêm khi bà cụ chợt nghe đâu đó tin đồn ác ý về con trai. Bà suy sụp thêm và trút hơi thở cuối cùng vào một ngày nóng nhất giữa hạ. Hồng không khóc được. Nước mắt chảy vào trong hay nó đã cạn kiệt khi chị âm thầm khóc Đức tháng ngày qua. Mẹ Đức có mỗi anh, bố Đức là liệt sĩ từ thời chống Pháp. Anh được ưu tiên không phải đi bộ đội, nhưng Đức luôn tự hào về người cha là bộ đội đánh Pháp nên anh đã tình nguyện vào chiến trường. Mẹ tự hào về anh vô cùng! Ấy thế mà... 

*

Sau ngày mẹ chồng mất, Hồng ốm gục cả tuần. Nhưng rồi chị không gục ngã. Chị thề với lòng mình, sẽ thu xếp công việc và đi tìm Đức. Ý nghĩ ấy ban đầu còn mù mờ, nhưng càng về sau chị càng thấy tại sao hai năm qua chị cứ ngồi yên đợi anh ở Cửa Lục. Bây giờ chị không đợi nữa. 

Chiều nay Hồng lại chờ phà để sang bên kia cửa biển có con đường nối tới con đường anh đã đi, chị vẫn nhen nhóm hy vọng tìm được Đức về cho hai con. Chị đi chùa, chị cầu Phật linh thiêng độ cho chị tìm được Đức. Phải tìm được anh về, để vong linh mẹ anh được siêu thoát. Không thể để mẹ anh ngậm ngùi về cõi như thế, không để cho hai thằng con của anh tủi hổ về bố nó. Vì bố nó phải là một người lính. Bố nó là, chồng chị không thể là...., không nhẽ nào, không thể như thế được. Chị bần thần trên bến phà không biết bao nhiêu lâu rồi. Chị sẽ đi, với bao nhiêu hy vọng, cả những thấp thỏm, âu lo...