Dặm ngàn hương khúc nếp

Tiếng chuông gió leng keng từ vườn địa đàng vọng lại. 

Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Trời lắc thắc mưa rơi. Hoa loa kèn  bung lụa gọi mùa trong sắc trắng.

Không gian đẫm hương, rét nàng Bân lại ùa về. Cái lạnh cuối mùa se sắt hun hút bước chân người đàn bà quang gánh qua xứ đạo. Xứ đạo vào mùa thương khó. Tiếng kinh cầu rầu rầu từ ngõ nhỏ cứ đều đều cất lên. Mong cho mùa chay thương xót Chúa buồn bã qua mau để phút giây Chúa phục sinh cho nắng ấm bừng sáng. Cỏ cây hoa lá lại hoan ca vui mừng chào đón đấng quyền năng. 

Bước chân thiếu phụ chậm chuội trên con đường vắng xứ đạo. Quang gánh lắt lẻo đường mưa. Thiếu phụ  bồi hồi ngước nhìn ảnh Đức Mẹ rầu rĩ trong khu vườn ngan ngát hương loa kèn. Chị chợt thầm thì: Ôi lạy Chúa, con là người ngoại đạo mà đàn bà đều khờ khạo như nhau. Đôi quang gánh nhấp nhô theo ý nghĩ của nàng. Mưa đổ hạt nặng hơn khiến người đàn bà rùng mình.

Ai khúc nóng ơ… Ai khúc nóng ơ…

Người ta đã quen với tiếng rao của thiếu phụ bán bánh khúc mỗi sớm mai. Tiếng rao không lảnh lót véo von  mà đằm ấm dịu dàng như mời gọi những ai kia tới mua hàng. Ông họa sĩ chợt buông giá vẽ khi nghe thấy tiếng rao qua ngõ nhà mình: Bánh khúc ơi… cho tôi một chiếc nào!

Đôi quang  gánh dừng lại bên giậu cúc tần. Mắt lá đào đằm thắm nhìn khách, đôi bàn tay búp măng  khéo léo mở thúng xôi. Hương khúc nếp vấn víu khói  ấm áp đến lạ kỳ. Giọng nói dịu dàng khiến khách mua hàng ngơ ngẩn: Vâng mời ông ăn bánh khúc mở hàng cho em. Bánh em vừa đồ dẻo thơm lắm ông ạ! Nay được ông mở hàng chắc em đắt khách lắm đây. 

Cầm đồng tiền khách trả cô hàng bánh khúc nhanh nhảu mỉm cười chào khách. Tiếng rao Ai khúc nóng ơ… loang con ngõ nhỏ. Họa sĩ thẫn thờ cầm gói bánh ấm nóng trên tay. Đôi bàn tay thanh mảnh như cánh huệ, giọng nói ngọt dịu ám ảnh ông. Người đàn bà bán bánh khúc có đôi bàn tay đẹp làm ông ngơ ngẩn.

Chiếc bánh tỏa khói. Ông thận trọng cắn nhẹ vào lớp xôi cả một cảm giác thân quen xưa sống dậy. Những hạt xôi mềm thơm lay thức cả quá khứ sống dậy trong lòng họa sĩ. Ngày xưa ơi… dấu yêu lại ùa về ngẩn lòng kẻ xa quê. Ông như bơi trong mùa xanh nõn nà  rau khúc. Hương đồng nội thao thiết, ánh mắt huyền sóng sánh sắc xuân và bàn tay đảm khéo của ai kia làm sao ông quên được.

*

Đào đã phai, mận mơ bắt đầu nhú quá, mưa xuân rắc nhẹ làm ẩm áo khách đường xa cũng là lúc rau khúc mướt mắt xanh khắp các cánh đồng Bắc Bộ. Và khi đó mẹ lại giục con trai ra hái lá khúc non về làm xôi làm bánh cúng rằm. Thứ rau tưởng chừng dân dã ấy cũng chia làm hai loại nếp và tẻ. Mẹ dặn đi dặn lại: con lựa lá khúc nếp nhé. Lá khúc nếp phiến nhỏ, lá dày thơm nức và mỡ hơn  lá khúc tẻ được hái vào lúc sáng sớm khi giọt sương còn treo trên ngọn cỏ  lá khúc sẽ tươi và bánh thơm ngon hơn.

Lời mẹ dặn anh chỉ biết cười hiền. Anh đi học xa nhà thi thoảng mới về quê làm sao phân biệt đâu lá khúc tẻ lá khúc nếp cơ chứ? Mẹ chỉ sang nhà bên rồi buông lời: con rủ em nó đi cùng hái cho quen đi. Em nó thẹn thùng xách rổ mây theo anh. Trai hiền cười với gái đồng trinh. Đôi bàn tay đảm khéo của em lựa những ngọn khúc non óng nhanh thoăn thoắt hái từng ôm thả vào rổ. Chiếc rổ mây mấy chốc mà đầy. Người ta hái hết ôm rau khúc này tới lượm rau khác còn anh thì chỉ nhặt được nắm rau khúc nhỏ. Em cười giòn rồi giục anh lên bờ.

Sáng ấy dưới hiên nhà lơ phơ lá xanh thiên lý. Láng giềng xinh xinh ngồi bên mẹ anh. Đôi bàn tay gái quê lựa lá khúc non rửa sạch, cho vào nồi luộc rồi vắt khô giã nhuyễn. Mầu nước rau khúc xanh lơ được nhuộm vào thứ bột nếp Vò Di. Mẹ  mỉm cười nói với anh: Sau này cô nào về làm dâu nhà mình là phải khéo làm bánh khúc mẹ mới nhận nhé!

Má em chợt ửng hồng thẹn thùng chăm chú nghe mẹ giảng thật kỹ. Muốn làm bánh khúc ngon con hãy lựa nếp Vò Di của người Sơn Nam Hạ, thứ nếp chỉ được cấy vào vụ mùa. Ba tháng trông cây không bằng ngày trông bông, thứ nếp khó tính đỏng đảnh như cô gái cấm cung được cấy nơi chân ruộng cao. Hạt nếp Vò Di trắng muốt no tròn ngâm qua đêm, vo sạch bằng nước mưa trong cong dưới gốc cau. Gạo để ráo xóc với chút muối. Đậu xanh ngâm nở tãi vỏ vàng như nắng thu đem ngâm nở đồ chín tán nhỏ bằng chày gỗ nhãn. Hành Cồn tím thẫm được bóc vỏ thái nhỏ phi thơm với mỡ lợn. Thịt ba chỉ thái hạt lựu xào chín thêm chút nước mắm và  gia vị vừa ăn. Mẹ lại dặn dò con làm nhân bánh nhớ lựa hạt tiêu bắc xay nhỏ rắc vào nhân nhé. Đỗ chín quyện trong hành thịt thoảng những bụi hạt tiêu thơm quyến luyến khiến ta không thể dùng dằng trước mỗi miếng ngon. 

Em chăm chú lắng nghe như nuốt lấy lời mẹ anh dặn dò. Đôi mắt  ngây thơ háo hức như  đứa trẻ được quà. Rồi em xắn cao tay áo để lộ bắp tay sắn bóc óng nuột. Anh mê mẩn ngắm đôi bàn tay đang chia đậu xanh và vỏ xôi thành những viên vừa phải. Tấm bánh khúc xanh lơ như mầu ngọc, tròn đều thật thích mắt được lăn nhẹ lên lớp gạo nếp tròn căng óng sáng, nằm đều đặn trên chiếc khay gỗ. Bánh đã lửng hông chõ. Em khéo léo ngắt vài lá dong non đặt lên trên. Vung chõ được đậy lại thật kín. Những thanh củi nhãn được chụm vào bếp. Lửa đã bén nổ tí tách, chõ bánh khúc cũng róc rách nước sôi.

Hai đứa chụm đầu thổi lửa. Má em hồng càng hồng hơn. Khói trắng nghi ngút lan tỏa khắp không gian. Cái ấm cúng đó đã lắng sâu vào tiềm thức anh bây giờ nhớ lại anh vẫn thấy cay cay nơi khóe mắt. Anh quên sao được câu nói thủ thỉ của em: Anh ơi! Anh còn ở nhà lâu không? Khi nào anh đi em sẽ làm bánh khúc gói cho anh đem đi làm quà nhé. Bánh khúc nhà em làm sẽ khác bánh nhà anh chút ạ. Em sẽ không xếp bột bánh vừa viên vào nồi xôi ngay mà em sẽ hái lá dong gói viên bột bánh tẩm gạo vào lá đã hơ qua lửa. Giống như tấm bánh chưng gù xinh lắm anh ạ. Anh có thích mùi lá dong không anh? Nó thẩm qua lớp xôi nâng vị bánh lên thơm lắm. Bánh gói lá cũng tiện để anh cầm đi.

Tiếng mẹ ngoài sân vọng vào: Hai đứa xem bánh chín rồi đấy, dụi lửa đi con, mẹ đã ăn xong miếng trầu rồi. 

Tiếng dạ thật hiền. Lửa loi roi rồi cũng tàn hẳn. Tiếng sấm từ xa gọi lúa chiêm trổ cờ, mưa xối xả trên tàu cau trước cửa. Nồi xôi khúc cũng được nhấc ra. Những tấm bánh bồng xôi nếp tỏa khói. Mầu xanh tầm khúc thấm vào từng chiếc bánh xanh lơ.

Hương tầm khúc nồng nàn khói trắng, mùi nếp xôi ngào ngạt pha vị béo ngậy của thịt đậu tỏa hương trên đĩa sứ tinh khôi. Anh lặng người nhìn em đặt đĩa bánh lên bàn như một nghi lễ. Một nghi lễ chan chứa yêu thương. Có chút gì thảo thơm vén khéo khiến mắt anh ươn ướt. Phút cảm động tưởng vu vơ mà đã theo anh suốt những đêm đông khó ngủ khi nghe tiếng ai rao bánh khúc nóng đây trong lòng phố ở một nơi xa.

*

Anh cầm theo bút nghiên lên đường theo đoàn quân áo trận. Người đi biết bao giờ trở lại ruộng tầm khúc ngày xưa? Biết bao giờ được cùng ai bên bếp nhỏ đồ xôi tầm khúc nữa đây? 

Ngày xưa ơi… Em đã sang ngang khi hoa đến thì phải nở. Mẹ cũng đã hóa thân cùng mây trắng gió ngàn. Anh trở về mang theo những bức tranh vẽ  của một thời khói lửa. Anh vẫn mang theo dặm ngàn hương nếp khúc tháng ba để làm niềm thương nơi xứ người. Và chỉ trở về quê nhà vẽ những bức tranh về mùa xuân khi ruộng tầm khúc ngái xanh.

Ông họa sĩ bần thần nhớ lại trong hương khúc nếp quê hương và sao lòng lại mong mỏi mỗi sớm mai được nghe tiếng: khúc nóng… ơ và hương tầm khúc ngạt ngào được tỏa hương từ đôi tay ngọc.