Có con chim sẻ chết ngoài hành lang

Hôm nay, từ chỗ gởi xe đi vô văn phòng, tôi nhìn thấy một con chim sẻ nằm trên hành lang vắng lặng. Nó chết hẳn là chưa lâu, vì nhìn thôi cũng cảm giác đôi cánh còn ấm nóng. Vài con kiến đâu đó đương tha thẩn lại gần.

Tôi nhìn quanh, hiểu là con sẻ tội nghiệp ấy, vì một lý do nào đó, đã rơi từ khoảnh vườn bên cạnh sang đây. Lạc lõng, cô độc, sợ hãi, một mình. Ngay cả khi đã rời khỏi thế gian này, thì hình ảnh con chim sẻ nằm chết dọc hành lang cũng khiến người ta bàng hoàng thương cảm, dằn vặt mãi với câu hỏi “Tại sao?”.

Ngày xưa ở quê, một con chim xải lai trên đất, hay một con cá nổi lên mặt nước là chuyện đặc biệt. Bất thường. Đáng buồn. Mẹ tôi vẫn dặn dò là, thấy chim sa cá nổi thì tránh ra. Đừng dây vào, chớ đến gần cười nói, không nên. Chim trời cá nước, nghĩa là chúng cần tự do, chúng không phải là để mình giết hại. Chúng thuộc về bầu trời, sông suối. Con cá phải thế nào mới phơi bụng khốn khổ trên mặt nước, dạt vào bờ ao, trước cái nhìn âu lo của bọn trẻ con nhà quê ngày ấy.

Mấy con cá chết đột ngột ấy, được mẹ tôi cẩn thận vớt lên, kiếm một chỗ để chôn lại. Tuyệt không bao giờ có chuyện ăn cá chết nổi lên từ dưới ao hồ. Chim chóc cũng vậy, thuở ấy nhiều lắm, nhưng món “thịt chim” không có trong thực đơn của gia đình tôi cũng như chòm xóm. Dẫu nhiều nhà còn khó khăn thiếu thốn, nhưng giăng bẫy bắt chim là khái niệm của ai đó, tận sau này…

Nhiều năm nay, tôi sống ở một thành phố đông đúc ồn ã. Nhìn quanh chỉ thấy chung cư, cao ốc, xe cộ là nhiều. Trăng sao bị che khuất, ngước lên còn chẳng gặp. Cây xanh tùy lúc ít nhiều, dẫu người ta cũng nâng niu từng chậu kiểng, nhánh dây leo. May mắn thay, vẫn còn thấy bồ câu bay trên đầu, đậu trên dây điện và bình yên thân thiện dạn người ở công viên, quảng trường. Dăm ba con sóc chạy vụt lên, trước sự trầm trồ ồ à của đám con nít chỉ trỏ. Mà lâu lắm mới có dịp, bởi không phải nhà nào cũng rảnh rỗi để mà thơ thẩn ngắm cây…

Vài năm trước, chồng tôi có trồng một giàn hoa sử quân tử trước sân. Nói là sân, nhưng thực chất là một cái chậu lớn kê ngay sát hiên nhà. Hoa mau lớn, um tùm, leo lên mái, mời gọi chim chóc côn trùng tận đâu tới. Ngạc nhiên lắm, nếu thi thoảng lên gác lại nghe được một tiếng chim lách chách. Có con bướm vàng, bướm bông, rồi ong mật ong ruồi gì đó nữa. Thêm một chú tắc kè và một lần nọ, có bầy ong về xây tổ. Những con vật nhỏ bé ấy ngày càng hiếm gặp, giữa nhà cửa san sát bê-tông đã theo cây cối hoa cỏ mà nương náu.

Đám trẻ con được sinh ra và lớn lên ở thành phố, lạ lẫm ngạc nhiên khi ngắm nhìn các sinh vật “bạn bè”. Và hạnh phúc biết bao nếu ông bố bà mẹ quan tâm tới nỗi hân hoan say sưa ấy của chúng, mà kể dăm ba câu chuyện “ngày xưa”. Ví như hồi bố còn nhỏ, nhà bà nội ở kế bên một con sông. Rặng bần, rặng đước, rặng ô môi có cơ man nào là cào cào, đom đóm. Đom đóm là gì hở bố? Ông bố chưng hửng, nhận ra mình đã thiếu sót. Để rồi cuối tuần chịu khó nhín thời gian chở con ra ngoại ô, ngắm cánh diều bay, hít thở mùi rơm rạ, mùi cỏ mới cắt, nhìn ruộng, nhìn vườn…

Nhiều khi bỗng thao thiết thương cho đám trẻ con thành phố. Chúng có thiệt thòi không, lớn lên có… bình thường chăng khi không biết, không thấy những điều nhỏ bé đơn giản nhất ấy? Về cái thế giới tự nhiên đang tồn tại héo hon bên cạnh, về thực vật và côn trùng, về con dế dưới cội trúc đào nỉ non hát lời đêm tối?