Chiếu phim trên đá

Năm 2006, lần đầu tiên tôi đến Hà Giang, cũng là lần đầu tiên được theo chân đội chiếu bóng lưu động. Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng của tỉnh nằm trên tuyến đường liên huyện, cách xa khu dân cư và khá vắng vẻ. 19 giờ, cùng đội chiếu bóng lưu động của thị xã Hà Giang, chúng tôi có mặt tại xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên. 

Trên bãi đất trống căng sẵn tấm vải trắng làm màn ảnh. Lác đác đã có những em nhỏ cầm ghế đến xem và tranh nhau chỗ ngồi trước màn ảnh nhỏ, tò mò nhìn các kỹ thuật viên bên bàn tua phim, dán amoóc, thử khuôn hình. Mấy cô cậu thanh niên thành phố chúng tôi hăng hái vác loa đến từng xóm để tuyên truyền… 20 giờ, khán giả đã đến chật sân. Khoảng 300 người, đều háo hức với màn ảnh rộng.

Ngày hôm sau, đoàn lên đường tới những xã vùng cao của huyện Đồng Văn. Càng lên cao, mầu xanh của những nương ngô dần nhường chỗ cho mầu xám của những dãy núi đá, một anh trong đoàn hóm hỉnh cho đó là dãy san hô đá. Quả thật đây chỉ có đá và đá, thỉnh thoảng điểm xuyết trên nền đá mầu xám ấy là một chút mầu xanh của những cây cỏ dại mọc xen lẫn với đá. Đường khó dần, chiếc xe liên tục chồm lên rồi lao xuống, lạng sang bên phải rồi ngoặt sang bên trái theo độ uốn lượn quanh co của đường đèo. Người cùng chúng tôi suốt những ngày chiếu phim ở Đồng Văn là anh Lương Triệu Tăng, đội trưởng chiếu bóng lưu động huyện. Anh vui mừng như tiếp khách quý: “Vì đội chiếu phim của huyện không được trang bị máy chiếu phim nhựa nên đây sẽ là lần đầu tiên bà con được xem phim nhựa”. Anh Tăng là người dân tộc Nùng, năm ấy đã 40 tuổi, anh làm công tác văn hóa từ khi còn là nhân viên Công ty Điện ảnh băng hình Hà Tuyên. 

Hằng tháng, anh Tăng phải vượt 140 km đường rừng về Hà Giang họp giao ban và nhận kế hoạch hoạt động, rồi về tổ chức chiếu phim cho bà con xem. Trung tâm hỗ trợ anh một khoản là 150 nghìn đồng/tháng, mỗi tháng đội anh chiếu gần 15 buổi ở các xã, thôn chủ yếu là phim video. Để cải thiện cuộc sống, vợ chồng anh mở thêm một cửa hàng tạp hóa nhỏ, hôm nào vợ đi lấy hàng dưới thị xã, anh sẵn sàng đóng cửa hàng - nguồn thu nhập chính của cả gia đình - để đi chiếu phim. Khi tiếp chúng tôi tại nhà riêng, nhiều người đến mua hàng, vợ đi vắng anh cũng lắc đầu không bán; thậm chí có người đến trả nợ anh cũng bảo “để lúc khác trả”. Những khi đi chiếu ở các xã, anh lại lặn lội xuống bản Xà Phìn (cách nhà anh 25 km) tìm Lâm Ngọc Đức - một sinh viên mới tốt nghiệp khóa đào tạo ngắn hạn về máy chiếu ở Hà Nội - để nhờ phụ giúp một tay. Nhà Đức ở bản xa, cậu lại thường xuyên vắng nhà, có khi anh tìm mấy lần mới được…

Tới phố huyện Đồng Văn thì trời đổ mưa, tranh thủ bốc dỡ máy móc đưa vào khán đài có mái che của sân vận động, chúng tôi thực hiện các công việc chuẩn bị cho một buổi chiếu: căng màn ảnh, lắp máy, tuyên truyền…, tất cả đều diễn ra dưới trời mưa lất phất. Cũng may đến tối thì trời tạnh. Thế là công lao của mấy anh em chúng tôi được đền đáp, gần 1.000 khán giả đến xem phim. Không thể kể hết niềm vui của bà con dân tộc H’Mông nơi đây.

Buổi chiếu cuối cùng của đoàn là ở Trường THCS Sủng Là, nhiều em học sinh hết giờ học không về nhà mà ở lại để xem phim. Hình ảnh những nhịp váy bồng bềnh theo bước chân của các em học sinh nữ khi vây quanh tấm vải trắng được căng lên làm màn ảnh sẽ còn đọng mãi trong chúng tôi.