Bởi tên thầy là Nghĩa

Đến mãi sau này, các thế hệ học sinh luôn nhớ về người thầy tận tình chăm lo cho những đứa học trò kém may mắn từng bộ sách giáo khoa, bộ đồng phục, chiếc xe đạp hay nhiều dụng cụ học tập khác. Đó là thầy Lương Thạch Nghĩa, mọi người  gọi thân mật là Ba Nghĩa. Thầy cũng là người gắn bó với công tác đội lâu năm nhất của tỉnh Quảng Ngãi. 

Trong trái tim những giáo viên đồng hành cùng thầy, những người học trò từ trước đến nay, hình ảnh thầy đã xây đắp niềm tin vững chãi về sự tử tế, để sau này dẫu có chênh vênh trước muôn lối rẽ cuộc đời, cũng biết đối diện để vượt qua, chứ không thể gục ngã. 

Thực tế, mỗi quãng đời sẽ luôn lặng thầm trôi đi, mà chúng ta đôi khi vô tình  lại không hay chút gì về sự dịch chuyển của thời gian cùng những giá trị của nó. Để khi dần lớn lên, đã trưởng thành thì mới nhận ra rằng, thanh xuân là món quà quý báu mà cuộc sống ưu ái dành tặng. Thanh xuân tràn đầy những năng lượng, chở đầy những ước mơ và hy vọng. Nhưng thanh xuân ấy cũng  chứa chan những ký ức tiếc nuối. Giữa dòng đời mải miết ấy, khi gặp khó khăn, nếu không chỗ dựa, không người giúp đỡ, liệu chúng ta đủ sức bước qua ranh giới của sự thất bại hay không? Thầy đã xuất hiện và là người góp phần nâng cánh ước mơ của nhiều mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn để chạm vào tấm huy chương của thành công. Thầy là người gắn bó với nhiều kỷ niệm đẹp đẽ suốt những năm tháng thanh xuân của các thế hệ học trò. Khi nghĩ về thầy, họ đều nghĩ về những điều tốt đẹp, chân thành và ý nghĩa nhất. Đấy là một vùng ký ức giản dị, tĩnh lặng, trong veo khó có thể dùng ngôn ngữ nào để biểu đạt một cách trọn vẹn. 

Trò chuyện cùng thầy, người đối diện luôn bất ngờ bởi không nghĩ mình đang ngồi với một người hơn 60 tuổi mà trí tuệ và khả năng lập luận những vấn đề xã hội trôi chảy và sâu sắc như thế. Thầy quan tâm nhất là những khó khăn trong cuộc sống của người chung quanh. Thầy kết nối, hỗ trợ, vận động các nhóm thiện nguyện để đem chút niềm tin vào cuộc đời, vào tình người cho họ. Dù tuổi đã nghỉ hưu, lẽ ra thầy ở nhà chăm hoa, làm vườn cho tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái, đỡ lo toan và vướng bận, nhưng “cái máu” thiện nguyện luôn cuộn chảy trong tim, nên hình như thầy ít khi ở nhà mà luôn rong ruổi khắp nơi, tìm đến những người có hoàn cảnh cần giúp đỡ. Có lần tôi hỏi thầy một câu. Thầy nhìn tôi và ôn tồn. Thầy không còn đi dạy nữa nên sẽ có nhiều thời gian đến với những mảnh đời nghèo khó để giúp đỡ. Thầy vẫn tin rằng những người thầy giúp đỡ hôm nay sẽ giúp đỡ lại người khác khi lớn lên. 

Bên cạnh làm thiện nguyện, thầy Nghĩa luôn quan tâm đến phong trào đọc sách của các em học sinh. Khi thấy thầy cô và học trò không có sách đọc, thầy lấy sách ở nhà, vận động mọi người đóng góp làm thư viện cho học trò nghèo. Ngôi trường thầy từng công tác, ban đầu chỉ có vài bộ sách giáo khoa và sách tham khảo ít ỏi, thầy mang hàng trăm cuốn sách của gia đình và vận động thầy cô, học sinh ở trường góp sách cho thư viện. Chương trình “Một triệu bản sách cho học trò nghèo” của NXB Kim Đồng phát động, thầy viết thư xin và đã nhận về hơn 500 cuốn sách, truyện. 

Thầy được cha mẹ đặt tên là Nghĩa, đúng với thiên chức của một con người dành phần lớn cuộc đời làm việc nghĩa. Điều khiến tôi biết ơn, kính trọng thầy nhất, có lẽ chính là nguồn năng lượng tích cực mà thầy đã tạo ra cho những người chung quanh. Để khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng người làm giáo dục chân chính không chỉ trao gửi kiến thức mà quan trọng hơn là khuyến khích và nuôi dưỡng ước mơ có sẵn trong lòng mỗi học trò.