Họa sĩ Trần Thảo Hiền:

Văn hóa Đông-Tây ngấm vào tâm hồn tôi

Sau hai triển lãm cá nhân tại Matxcơva năm 2015 và 2021, họa sĩ Trần Thảo Hiền ra mắt cuốn sách “Màu sắc. Ánh sáng. Đường nét”, đồng thời trưng bày 55 tác phẩm với nhiều thể loại, đánh dấu 15 năm trên con đường mỹ thuật của chị, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, từ 6 - 8/5 và tiếp đó, tại Art Space, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, từ 14 - 18/5. 

Họa sĩ Trần Thảo Hiền.
Họa sĩ Trần Thảo Hiền.

Phóng viên (PV): Tốt nghiệp Khoa Kinh tế Trường đại học Thăm dò địa chất quốc gia Liên bang Nga, Matxcơva, con đường nào đã dẫn chị đến với hội hoạ?

Họa sĩ Trần Thảo Hiền (TTH): Hồi niên thiếu, tôi rất tự ti khi nghĩ mình không biết vẽ, tôi muốn cầm bút nhưng sợ mình sẽ làm bẩn tờ giấy. Sau khi tốt nghiệp đại học và đã có gia đình, tôi có chút thời gian nên tham gia câu lạc bộ phụ nữ quốc tế, nơi có nhiều lớp dạy khác nhau. Hằng năm họ đều tuyển sinh vào các lớp và khi đọc qua bản tuyển sinh lớp vẽ của câu lạc bộ, năm đầu tiên tôi đã thở dài nghĩ mình không có năng khiếu nên không dám ghi tên. Năm thứ hai tôi lại đến gần bàn tuyển sinh, nói chuyện với cô giáo của tôi, được cô thuyết phục đến xem lớp học, vì cô cho rằng bất cứ ai cũng có thể vẽ được, nhưng để thành họa sĩ thì cần nhiều hơn thế. Tôi đã ghi tên học từ đó…

PV: Việc quyết định thành lập Vietnam Art Space đã diễn ra như thế nào?

TTH: Năm 2015, tôi làm triển lãm cá nhân đầu tiên tại Matxcơva, thành công của sự kiện đó đã mang lại định hướng cho tôi. Tôi mong muốn mình sẽ trở thành họa sĩ vì rất yêu thích công việc này. Khi đó tôi gần như không biết, không quen ai trong cộng đồng họa sĩ ở Việt Nam nên muốn tìm hiểu về hội họa trong nước, các họa sĩ đang vẽ gì, quan tâm đến điều gì. Trên mạng xã hội, sự chia sẻ của họ rất ít nên tôi càng tò mò, chính vì vậy tôi đã mở nhóm Vietnam Art Space (VAS) trên Facebook để có thể chia sẻ kiến thức mỹ thuật, xem những bức tranh được cập nhật thường xuyên của các họa sĩ Việt Nam với mong muốn giao lưu, chia sẻ, tạo cảm hứng làm việc cho các họa sĩ.

PV: Những chủ đề ưa thích của chị? 

TTH: Tôi rất thích vẽ tranh tĩnh vật và luôn mong muốn đem cái nhìn mới lạ, đó có thể là mầu sắc, bố cục hay nội dung của bức tranh mình sắp vẽ. Ngoài ra, tôi thích vẽ các tranh về bóng nước. Khi những cái bóng huyền ảo được soi chiếu hiện trên mặt nước đầy ảo diệu, chúng luôn trừu tượng và đem lại sự gợi tưởng trong tôi, ám ảnh tôi khiến tôi muốn ghi nhận một khoảnh khắc nào đó từ chúng. Tôi cũng thích tranh chân dung, khi khắc họa được trạng thái tinh thần hay tâm sự của nhân vật vào thời điểm đó.

Văn hóa Đông-Tây ngấm vào tâm hồn tôi -0
 “Dưới ánh mặt trời”, 120x240cm, 2016, sơn dầu.

PV: Các bước hình thành nên phong cách của chị thì sao?

TTH: Tôi đã vẽ nhiều qua năm tháng, vẽ những gì gần gũi chung quanh mà tôi cảm nhận được và mong muốn ghi chép lại những tâm tư tình cảm vào thời điểm đó. Tôi làm việc và không nghĩ gì đến tạo phong cách riêng, nhưng khi nhìn lại quá trình thực hành 15 năm, tôi nhận ra đã có rất nhiều ảnh hưởng từ hai nền văn hóa Đông-Tây, từ các chuyến tham quan bảo tàng các nước, các hoạt động giao lưu qua các trại sáng tác và triển lãm quốc tế… Tất cả dần ngấm vào tâm hồn tôi, tạo nên sự kết hợp và giao thoa của hai nền nghệ thuật Á-Âu cũng như hình thành nên phong cách cá nhân của tôi. 

PV: Vì sao chị muốn đưa tác phẩm về Việt Nam?

TTH: Qua mạng xã hội, bạn bè ở Việt Nam theo dõi các sự kiện tôi tham dự và rất muốn được thấy tận mắt các bức tranh tôi vẽ. Tranh được chụp ảnh và tranh xem thực tế rất khác nhau, sự giao tiếp với tranh đang hiện diện trong phòng trưng bày sẽ đem lại cảm giác khác biệt. Chỉ có triển lãm cá nhân mới mang lại được cho công chúng cách nhìn đa dạng cùng cảm nhận tốt nhất về quá trình làm việc của một họa sĩ. 

PV: Trưng bày cho hành trình mỹ thuật cá nhân qua 15 năm, chị đã lựa chọn những tác phẩm như thế nào?

TTH: Tôi yêu tất cả các tác phẩm của mình, vì một lý do nào đó nên tôi mới vẽ những bức tranh ấy. Chính vì vậy, tôi khó có thể tự lựa chọn. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan đã nhận lời làm giám tuyển cho triển lãm này. Chúng tôi đã cùng làm việc một thời gian đủ dài, từ những buổi bàn luận về hội họa, đi vẽ chung, tổ chức các sự kiện mỹ thuật chung, cùng làm việc trong ban quản trị (VAS), lẫn chia sẻ trong cuộc sống. Nguyễn Ngọc Đan tốt nghiệp thạc sĩ khoa sơn dầu tại Trường đại học Mỹ thuật Surrikov rất nổi tiếng của nước Nga, cũng đã từng ở Nga nhiều năm, với nền tảng kiến thức và lý luận vững chắc về nghệ thuật tạo hình, chị có những nhận xét rất sắc bén và cái nhìn thẩm định tinh tường. Chính vì vậy, tôi nghĩ sự lựa chọn của chị cho triển lãm lần này chính xác là những gì tôi muốn đem đến cho người xem.

PV: Chúc triển lãm của chị thành công!

Trong hai năm qua, họa sĩ Trần Thảo Hiền đã có nhiều thành công với giải nhất tại triển lãm “Artstart không biên giới” tại Bảo tàng Art Decor, Matxcơva (2020); giải nhì Liên hoan Nghệ thuật quốc tế “Abstractum - Tranh trừu tượng” tại Trung tâm triển lãm Gostiny Dvor, Matxcơva (2021); Huy chương vàng tranh sơn dầu cho họa sĩ chuyên nghiệp cuộc thi quốc tế “Art-Perfection-Recognition; Nghệ thuật. Sự hoàn hảo. Sự công nhận” tại Học viện Nghệ thuật đương đại quốc tế, Matxcơva.