Nhà văn Di Li:

Tin rằng phim “Trại hoa đỏ” sẽ cuốn hút

Hai cuốn tiểu thuyết trinh thám-kinh dị “Trại hoa đỏ” và “Câu lạc bộ số 7” sẽ trở lại với công chúng qua màn ảnh rộng. Tác giả - nhà văn Di Li (ảnh) chia sẻ với Thời Nay.

Nhà văn Di Li và cuốn sách “Trại hoa đỏ”, tác phẩm trinh thám kinh dị Việt Nam đầu tiên được dựng thành phim.
Nhà văn Di Li và cuốn sách “Trại hoa đỏ”, tác phẩm trinh thám kinh dị Việt Nam đầu tiên được dựng thành phim.

Phóng viên (PV): Trước khi chị bán bản quyền tiểu thuyết của mình, có nhiều nhà sản xuất liên hệ để mua bản quyền tác phẩm của chị không?

Nhà văn Di Li: “Trại hoa đỏ” đã được tái bản sáu lần, trong vòng 10 năm với bốn nhà xuất bản. Nhiều nhà sản xuất đưa ra lời đề nghị mua bản quyền. Nhưng có rất nhiều vướng mắc, có thể họ không tìm được đạo diễn hoặc một êkip phù hợp. Cũng đã có 5-7 đơn vị liên hệ để đặt cuốn này rồi, tuy nhiên đều không thành công. Có đợt hai bên cũng từng đàm phán nhưng không đi đến thương thảo cuối cùng.

PV: Tại sao chị lại tin tưởng gửi gắm sáng tác của mình vào đạo diễn Victor Vũ?

Nhà văn Di Li: “Trại hoa đỏ” được K+ mua bản quyền về và họ đã mời Victor Vũ làm đạo diễn. Anh là một đạo diễn có tên tuổi, có nhiều kinh nghiệm về những bộ phim hành động, giả tưởng, phim mang yếu tố ly kỳ, kỳ bí. Thêm nữa, về phần kịch bản, hình ảnh, đội ngũ làm phim đều là những người thuộc tốp đầu trong lĩnh vực điện ảnh hiện nay, họ đã làm nhiều bộ phim thu hút đông đảo người xem rồi. Thế nên một bộ phim có sự kết hợp của đạo diễn hàng đầu với êkip có đầu tư lớn, tôi nghĩ là nó sẽ thành công.

PV: Việc bán bản quyền để dựng tác phẩm thành phim có ảnh hưởng đến lượng độc giả tới với cuốn tiểu thuyết và doanh thu không?

Nhà văn Di Li: Không, thường là phim với truyện hoàn toàn khác nhau, thậm chí là cuốn “Trại hoa đỏ” hay “Câu lạc bộ số 7” bản in lậu đã rất là nhiều rồi, tuy vậy nó vẫn tái bản bình thường. Đương nhiên là vẫn có ảnh hưởng ít nhiều, nhưng nếu bộ phim tốt thì sẽ kích cầu, làm cho nhiều người tò mò đọc cuốn sách hơn nữa. Không có nghĩa là người ta xem phim rồi thì người ta không đọc truyện. Thậm chí nhiều người thích đọc truyện trước khi xem phim để có sự so sánh và ngược lại. Tôi đã xem qua trailer và thấy được mấy cảnh điển hình như: ma trận hình lá cây, cái hoa đỏ, ngôi nhà, hồ nước, con đường dẫn đến trang trại… Nó cũng tương đối là giống như tôi hình dung khi viết tiểu thuyết. Tôi nghĩ là một vạn độc giả đọc truyện này là có một vạn hình ảnh khác nhau, có khi độc giả đọc truyện xong sẽ tò mò xem phim để xem liệu nó có giống những gì mà mình tưởng tượng không.

PV: Việc cuốn sách được xuất bản thành phim có trở thành động lực sáng tác tiểu thuyết của chị trong tương lai?

Nhà văn Di Li: Ai đọc “Trại hoa đỏ” hay “Câu lạc bộ số 7” đều cho rằng “Phải dựng thành phim mới tốt” tại vì đầy chất điện ảnh trong đó. Hai tác phẩm đều giàu hình ảnh, tả chi tiết, cụ thể để người đọc hình dung ra. Khi dựng thành phim, đạo diễn cũng sẽ dễ hình dung ra bối cảnh, nhân vật hơn. Tôi viết để người đọc rất dễ hình dung bối cảnh và khi viết mỗi tác phẩm, mình cũng hay hình dung là cái này làm phim có tốn kém không. Thí dụ, như bối cảnh tôi viết ở Hàn Quốc chẳng hạn, thì mình sẽ nghĩ đoàn phim phải bay sang Hàn Quốc. Nhưng nếu ngoại cảnh ít, toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra trong căn biệt thự thì có thể lấy một kiến trúc tương đương bất kỳ ở Việt Nam. Khi viết thì tôi cũng hay hình dung đến việc để dễ thực thi nhất. Nhưng đó là những yếu tố liên tưởng không phải đo ni đóng giày để làm, để viết cho đúng rồi làm phim. Tôi là một nhà văn viết tiểu thuyết chứ không phải một biên kịch viết kịch bản cho phim.

PV: Nội dung từ truyện sang phim theo chị liệu có thay đổi nhiều không? Chị có tham gia quá trình chuyển từ tiểu thuyết sang kịch bản phim?

Nhà văn Di Li: Sẽ có nhiều thay đổi, truyện và phim sẽ có rất nhiều điểm khác nhau. Nhiều độc giả cũng đọc sách rồi và khi người ta xem phim sẽ có sự so sánh. Khán giả sẽ phân biệt được nguyên tác và phóng tác, vậy nên nó sẽ không ảnh hưởng. Tất nhiên là bộ phim làm càng tốt thì danh tiếng nguyên tác sẽ tỷ lệ thuận với phim. Có những tác giả yêu cầu phải tham gia quá trình tuyển chọn diễn viên xem có đúng chất nguyên tác không. Tuy nhiên, khi mình đã ký hợp đồng bán bản quyền thì cơ bản mình không còn quyền trong nội dung bộ phim, mọi quyết định là của họ. Tôi chỉ có vui hay buồn với những thay đổi và kết quả của bộ phim. 

PV: Chị có kỳ vọng gì về chất lượng âm thanh và các công nghệ để làm nổi bật, diễn tả chân thực nhất về câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết của mình không?

Nhà văn Di Li: Thật ra thì không khí trong tác phẩm này cũng rất là ma mị, nó có không khí núi rừng nên tôi cũng hy vọng đoàn làm phim có thể dựng lên bối cảnh phù hợp. Tôi nghĩ không khó lắm, chỉ là làm thế nào cho đẹp thôi. Khi tôi miêu tả, hình dung cảnh quan nó rất là đẹp, nó đẹp một cách liêu trai chứ không chỉ rùng rợn, nó đẹp theo kiểu mỹ học. Và như tôi nói ở trên, việc bộ phim được anh Victor Vũ và êkip chuyên nghiệp thực hiện khiến tôi rất kỳ vọng vào hình ảnh cũng như nội dung phim, tin tưởng về sự thành công của bộ phim khi ra mắt công chúng.

PV: Xin cảm ơn chị!